Mất

05/11/2010 09:38 GMT+7

Hôn nhân đã chấm dứt hơn năm năm rồi nhưng cuộc tranh chấp nhà đất giữa hai vợ chồng cũ qua năm lần xét xử vẫn chưa ngã ngũ...

- Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất ngày 20-7-2005, TAND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế): thửa đất thuộc quyền sử dụng của anh Th., chị Ph.. Do chị Ph. trực tiếp nuôi bốn con, nhu cầu về chỗ ở cấp thiết nên được giao nhà và đất. Chị Ph. thanh toán bằng tiền một nửa giá trị nhà đất cho anh Th.. Anh Th. kháng cáo.

- Phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, ngày 4-10-2005, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế: hủy án sơ thẩm. Do các bên đương sự chỉ khai chứ không xuất trình được chứng cứ hợp pháp, việc xác minh thu thập chứng cứ về nguồn gốc thửa đất còn sơ sài...

- Phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai, ngày 21-6-2006, TAND huyện Phú Lộc: bác yêu cầu của bà T. (mẹ anh Th.) về việc đòi vợ chồng anh Th., chị Ph. trả đất. Anh Th., bà T. lại kháng cáo.

- Phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai, ngày 29-8-2006, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế: chấp nhận yêu cầu của bà T..

- Chánh án TAND tối cao kháng nghị, ngày 24-8-2009: do nguồn gốc đất không rõ ràng.

- Quyết định giám đốc thẩm ngày 26-10-2009, của tòa dân sự TAND tối cao: hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm về phần tài sản trong vụ án xin ly hôn giữa nguyên đơn là anh Th. và bị đơn là chị Ph.... để xét xử sơ thẩm lại về phần tài sản.

Xa lạ

Đất mua hay đất cho?

Anh Th., chị Ph., bà T. (mẹ anh Th.) đều xác định ngôi nhà (giá trị gần 69 triệu đồng) là của anh Th., chị Ph.; riêng 476,40m2 đất ở liền theo nhà bà T. nói là của bà cho, nay vợ chồng anh Th. ly hôn phải trả đất lại cho bà. Anh Th. đồng ý với bà. Chị Ph. khai đất do vợ chồng mua của chị ruột anh Th. nên không làm giấy tờ...

Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao nhận định: bà T. có lời khai cho rằng diện tích đất trên là do bà mua của bà B. năm 1991, bà B. cũng khai bán đất cho bà T. năm 1991, tuy nhiên lời khai của hai người có sự mâu thuẫn. Trong thực tế vợ chồng anh Th., chị Ph. đã trực tiếp quản lý sử dụng, xây cất nhà ở tại thửa đất trên nhưng bà T. không có ý kiến phản đối. Do đó cần thu thập làm rõ ai là người trực tiếp mua đất của bà B.. Có hay không việc chị anh Th. chuyển nhượng đất cho vợ chồng anh Th., chị Ph.?

Ngày 20-9, chị Ph. cùng bốn đứa con lếch thếch vượt gần 50km đến TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là lần thứ năm mẹ con chị ra trước tòa hầu kiện về việc tranh chấp đất. Mẹ con chị Ph. chọn mấy chiếc ghế sát bức tường bên trái. Trừ cô chị cả 17 tuổi, ngồi yên lặng để chờ đợi có lẽ là một việc khó với ba đứa trẻ đang tuổi hiếu động. Chúng thích thú khi tôi đưa máy ảnh lên chụp mấy chị em, không ngại cười toe toét, trong khi người mẹ không thể nào cười nổi.

Sát bức tường bên kia là ba và cô ruột của tụi nhỏ. Hai người không một lần nhìn qua phía mấy mẹ con chị Ph.. Tụi nhỏ thì khác, đứa này rồi đứa kia nhấp nhổm ngó qua người cha và cô ruột chúng, nhưng không nhận được ánh nhìn đáp lại. Thấy vẻ tần ngần tội nghiệp của tụi nhỏ, tôi nói: “Các cháu muốn qua với ba phải không? Các cháu qua với ba đi. Ba ruột của mình mà...”. Nhưng rốt cuộc chẳng đứa nào đi qua cái khoảng cách là một dãy ghế trong phòng xử án, đến nơi người cha ruột đang ngồi.

Chị Ph. chép miệng than: “Ba mấy đứa thường xuyên di chuyển, không có mặt ở một nơi cố định nên tòa án chấp nhận thỉnh cầu của tôi, giao cả bốn cháu cho tôi nuôi. Đã không có ba thì tụi nhỏ phải có mẹ, được sống cùng nhau dưới một mái nhà. Nghiệt ngã ở chỗ ba, mệ nội và o ruột tụi nhỏ quyết giành bằng hết nhà, đất mà hiện nay mấy mẹ con đang ở nên cứ kháng cáo mãi”.

Tranh chấp không bao giờ dứt?

Do thủ tục tố tụng chưa đảm bảo, phiên tòa hoãn đến ngày 30-9 lại đưa ra xét xử. Lần này tụi nhỏ bận đi học cả nên không theo mẹ được, phòng xử án vắng teo. Bà nội tụi nhỏ bệnh, yếu nên ủy quyền cho chị S. (chị ruột anh Th.) tham gia tố tụng.

Các đương sự lần lượt trình bày ý kiến về thửa đất mà họ đang tranh chấp. Chị S., đại diện mẹ anh Th., yêu cầu vợ chồng chị Ph. trả lại đất. Anh Th. cũng nhất trí với yêu cầu đó. Hội đồng xét xử hỏi: “Trong phiên tòa sơ thẩm lần đầu tiên, có khi nào anh khai nhà đất là tài sản chung của vợ chồng? Anh có ý kiến như thế nào trước yêu cầu của chị Ph. được chia phân nửa nhà, đất nói trên, đồng thời yêu cầu được tạo điều kiện có chỗ ở, ổn định cuộc sống cho các cháu?”. Sau một lúc ậm ừ, anh Th. trả lời: thời gian lâu quá rồi anh không còn nhớ rõ lời khai trước đây. Nhưng nay anh xác định nhà là của vợ chồng anh nhưng đất là của mẹ anh cho. Vợ chồng ly hôn, đất phải trả lại cho mẹ. Anh yêu cầu được sở hữu nhà và thanh toán lại phân nửa giá trị nhà bằng tiền (khoảng 35 triệu đồng) cho chị Ph..

Một vị hội thẩm nhân dân hỏi: “Vậy chị Ph. và bốn đứa con của anh sẽ ở đâu?”. Anh Th. im lặng. Nhưng câu trả lời ngầm ai cũng hiểu là nếu tòa án chấp nhận yêu cầu của anh, bốn đứa nhỏ chắc chắn sẽ rơi vào hoàn cảnh không nhà.

Phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba, ngày 30-9, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xử công nhận anh Th., chị Ph. được quyền sử dụng 313,10m2 đất (có nhà trên đó), phần đất còn lại 163,30m2 thuộc quyền sử dụng của bà T., hiện chị Ph. đang quản lý sử dụng nên chị Ph. có nghĩa vụ giao lại. Phần nhà, đất là tài sản chung của anh Th., chị Ph., mỗi người được chia phân nửa. Giao cho chị Ph. được sở hữu nhà, chị Ph. có nghĩa vụ thanh toán lại cho anh Th. trên 167 triệu đồng là giá trị phân nửa nhà và đất theo phần anh Th. được chia.

Nghe chủ tọa phiên tòa công bố xong bản án, nét mặt chị Ph. giãn ra nhưng ngay sau đó chị lại rầu rĩ: “Tòa xử cho mẹ con tôi có nhà, đất để ở, thiệt tình mấy mẹ con tôi cất được gánh lo, nhưng dù có đất có nhà cũng không vui nổi vì tình cảm cha con, mệ cháu... sứt mẻ, mất mát quá nặng nề”.

Mấy hôm sau quay lại, một vị cán bộ tòa án cho tôi biết anh Th. đã có đơn kháng cáo yêu cầu tòa án trả lại đất cho mẹ anh; bản thân anh Th. đòi được sở hữu nhà, thanh toán phân nửa giá trị nhà (bằng tiền) cho chị Ph.. Có nghĩa chị Ph. và bốn đứa trẻ vẫn còn nặng nỗi lo không nhà. Nỗi lo do chính những người ruột thịt của các con chị, người mà trước đây là “một nửa” của chị, tạo nên...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.