Những tác động xấu khiến trẻ stress

10/11/2009 10:50 GMT+7

(TNTS) Giống như người lớn, trẻ em cũng có thể bị stress. Đặc điểm riêng ở trẻ VN thường gặp là stress do áp lực học tập.

Trong 3 ngày (từ 28 - 30.10), tại TP.HCM diễn ra hội thảo Việt - Pháp về chủ đề tuổi mới lớn, do trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) và trường Tâm lý thực hành Paris (Pháp) tổ chức. Hội thảo quy tụ các giáo sư, bác sĩ lâu năm trong lĩnh vực tâm lý của hai nước. Tại đây, các chuyên gia trình bày những trường hợp điển hình về những yếu tố tác động xấu đến tâm sinh lý trẻ mới lớn, như: áp lực học tập; những xung động, biến động trong gia đình… Trong đó có một số trường hợp cụ thể rất đáng lưu tâm.

Mất trí nhớ

Em A.T (nữ, 14 tuổi) được mẹ đưa đến bác sĩ khám vì em bị mất trí nhớ. T. là con gái duy nhất trong gia đình, bố là giáo viên, mẹ là doanh nhân. Lâu nay em là học sinh xuất sắc tại một trường quốc tế ở TP.HCM, học đến 3 ngoại ngữ, học lực luôn đứng đầu lớp và là lớp trưởng từ năm lớp 6. Thế nhưng, năm nay, sau khi nhập học 1 tháng thì em không thể tập trung học được nữa và mất cả trí nhớ. Gia đình thấy vậy cho em nghỉ những môn học thêm, nhưng cũng không khá hơn. Rồi em mất ngủ, ăn uống không ngon…

+ Stress từ bên trong: Thay đổi theo tính khí riêng, độ nhạy cảm, khả năng ứng phó với lo lắng và thích nghi với những biến động mới từ bên trong.

+ Stress từ bên ngoài: Từ các biến động trong gia đình, xã hội… 

Khi tiếp xúc với bác sĩ, T. nói: “Con rất cô đơn trong gia đình, cha mẹ lúc nào cũng cãi nhau. Mẹ con kiểm tra hết các cuộc nói chuyện của con với bạn bè; đôi lúc chat với bạn, mẹ cũng cấm; mẹ rất độc đoán, mẹ không tin bất cứ ai, không bao giờ lắng nghe ba. Ba con là người có kiến thức rộng, nhưng ba không thể chống lại được tính độc đoán của mẹ, ba không thể bảo vệ con khi mẹ ra một quyết định kỳ cục… Con không thể chịu nổi cuộc sống như thế. Con muốn lớn lên thật nhanh để tự lo lấy cho mình…”. 

Mất ngủ, nhức đầu, nôn ói

Trường hợp thứ hai là bé trai 9 tuổi tên N.T, có bố là kỹ sư và mẹ là luật sư, cũng được gia đình đưa đến bác sĩ tâm lý, vì sau khi tựu trường 2 tháng em bắt đầu thấy khó ngủ, đau khắp người (nhất là đau đầu), nôn ói nhiều lần về đêm. Tiếp xúc với bác sĩ, em cho biết: “Con thường được điểm 10, nhưng không phải dễ dàng để có điểm 10, và không phải dễ đứng đầu lớp vào cuối năm nay. Con phải cố gắng nhiều để hài lòng cô giáo và ba mẹ, và để đạt thành tích cho lớp, tất cả các bạn trong lớp phải xếp loại giỏi, mà con là lớp trưởng con phải làm gương! Con rất lo việc phải làm tốt tất cả các bài tập…”, N.T vừa khóc vừa kể về những nỗi lo lắng của em cho bác sĩ nghe.

Nhà chuyên môn nói gì?

Với trường hợp bị mất trí nhớ của A.T, các chuyên gia tâm lý cho rằng, A.T rất cô đơn trong gia đình, em đã phải chứng kiến thường xuyên cảnh cãi nhau của cha mẹ; em thiếu một khoảng riêng tư; thiếu tình cảm, nhất là tình cảm của mẹ, mặc dù mẹ em vẫn gần em theo cách của bà ấy. Mẹ em độc đoán, quyền lực và can thiệp vào đời sống riêng của em quá nhiều. Giữa em và mẹ có một xung đột lớn kéo dài và sự quá tải trong học tập chính là yếu tố thúc đẩy, làm nặng lên các rối loạn có sẵn trong em.

Còn trường hợp của N.T dẫn đến mất ngủ, đau đầu, nôn ói là do em có một nỗi lo lắng kéo dài bởi áp lực của việc học. Áp lực này không chỉ do cha mẹ, thầy cô giáo, mà còn từ chính bản thân em. Trong trường hợp này, ý chí của em không giúp em vượt qua được nỗi lo lắng vì khả năng của em bị hạn chế. Và, điều đó càng làm tăng stress với em...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.