Khai thác học liệu mở của MIT: “Lối đi tắt” vào nền giáo dục đại học Mỹ

15/12/2005 22:04 GMT+7

Cùng với việc cho nhập khẩu 10 chương trình tiên tiến của nước ngoài vào giảng dạy ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xúc tiến việc triển khai đưa học liệu mở của Viện Kỹ thuật Massachuset (MIT) - viện đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ - vào khai thác tại các trường ĐH của Việt Nam.

"Việt hóa" học liệu mở của MIT

Học liệu mở (OCW) là một sáng kiến của MIT nhằm đưa toàn bộ tài liệu giảng dạy của các chương trình đại học và sau đại học lên mạng trực tuyến. Đối với một số nước, việc khai thác OCW của MIT không còn xa lạ vì OCW đã được MIT tung lên mạng cách đây 3 năm cho bất kỳ ai sử dụng được internet. Thế nhưng ở Việt Nam cách học truyền thống thầy đọc trò ghi cùng với trình độ ngoại ngữ hạn chế khiến cho đa  số SV Việt Nam luôn thụ động trong cách học và chưa biết nhiều lắm về OCW của MIT. Tháng 11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Quỹ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) và Công ty phần mềm và truyền thông (VASC) đưa toàn bộ tài liệu giảng dạy của các chương trình đại học, sau đại học của MIT vào các trang web phiên bản ở Việt Nam và tại các mạng nội bộ của các trường đại học.

MIT là một trong những trường ĐH hàng đầu của Mỹ. Hiện có 8 nhà khoa học đang làm việc ở MIT dành được giải Nobel. Tính đến 1.6.2005, MIT đã phát hành 1.100 khóa học theo phát kiến học liệu mở. Kể từ khi bắt đầu sáng kiến chia sẻ từ ngày 30.9.2002, rất nhiều người từ 215 quốc gia và vùng lãnh thổ đã truy cập vào MIT OCW, phản hồi 22.000 e-mail cho sáng kiến OCW. (Theo website của MIT)
Hiện OCW của MIT có 1.100  chương trình học khác nhau. Các trường phải lựa chọn những chương trình học phù hợp  rồi giao xuống cho các khoa, các bộ môn tìm hiểu, chọn lựa. Tuy nhiên, OCW chỉ là những nội dung cơ bản của giáo trình, giảng viên và sinh viên phải có sách giáo khoa thì mới tham khảo và học được. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo  Bành Tiến  Long cho biết:  "Phía Việt Nam sẽ đặt mua những sách đã bán trên thị trường. Cần có sự hỗ trợ của  MIT để giới thiệu những đầu sách cần thiết, các thư viện đại học sẽ đặt mua trực tiếp bên nước bạn".  

Theo Vụ Đại học và sau đại học, chương trình OCW sẽ được triển khai thí điểm ở 3 ngành là Công nghệ sinh học,  Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông. Nỗ lực đầu tiên là phải Việt hóa các chương trình này. Trước mắt, Bộ sẽ thành lập các tổ công tác để triển khai và theo dõi. Sẽ có 3 nhóm giáo sư (mỗi nhóm khoảng 5 người) để dịch ra tiếng Việt và đưa lên mạng song ngữ Anh - Việt. Tiếp đó, phía Việt Nam sẽ mời một số giáo sư của MIT sang Việt Nam trực tiếp hướng dẫn giáo viên và sinh viên khai thác. Cùng với công việc này, phía Việt Nam sẽ liên lạc với MIT để tổ chức các buổi hướng dẫn trực tuyến qua internet với sự tham gia của các giáo sư và chủ yếu là lực lượng nghiên cứu sinh của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Với những công việc này, chắc chắn các học liệu của MIT sẽ "xâm nhập" được vào hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Cần một "phong trào" khai thác học liệu mở trong sinh viên

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long, việc đưa OCW MIT vào Việt Nam là bước quan trọng để góp phần hiện đại hóa các chương trình giảng dạy cũng như phương pháp học tập của đại học Việt Nam. Học liệu mở sẽ "mở" đối với mọi giảng viên, mọi sinh viên, bất cứ giảng viên, sinh viên nào có nguyện vọng đều có thể tham khảo được.

Trước mắt, 14 trường trọng điểm của Việt Nam sẽ phải là đầu tàu gương mẫu trong việc khai thác học liệu này. Việc khai thác chương trình nào, môn nào, dùng đến mức độ nào là do các trường quyết định nhưng khi triển khai đề án đổi mới giáo dục đại học, Bộ sẽ nêu trách nhiệm của các trường trong vấn đề này. Cũng theo ông Long thì cần phát động phong trào khai thác học liệu mở này cho SV.

Một vấn đề quan trọng khác là các học liệu mở của MIT sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức ở một số ngành học, môn học và có thể trở thành chương trình bắt buộc đối với sinh viên. Và như vậy, khi theo học các chương trình của MIT, sinh viên Việt Nam sẽ có đẳng cấp quốc tế. Thứ trưởng Bành Tiến Long bày tỏ hy vọng: "Nếu làm tốt  thì  phía Việt Nam sẽ có thể đề nghị với MIT có cơ chế, chính sách đối với những người theo học chương trình này". 

Vũ Thơ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.