Thị trường băng đĩa - Cảnh chợ chiều!

19/12/2010 10:44 GMT+7

Sau thời gian thị trường băng đĩa lậu bành trướng, lấn lướt và phá hoại các sản phẩm chính gốc, thì hiện nay, đĩa sao chép - in sang lậu đang bị đè bẹp bởi đối thủ mới - mạng internet - nơi có thể tải về miễn phí các thể loại nhạc, phim ảnh, hài kịch…

Internet “soán ngôi” băng đĩa lậu?

Chưa bao giờ hoạt động của mạng internet lại phát triển mạnh mẽ như thời gian vừa qua và ngày càng có nhiều người chọn cách lên mạng để xem, tìm kiếm thông tin, bỏ công ngồi hàng giờ lướt web, nghe nhạc, tải nhạc, xem phim và tải phim miễn phí về máy tính cá nhân hoặc điện thoại di động.

Ngày càng có nhiều trang web mới xuất hiện để phục vụ nhu cầu “nghệ thuật miễn phí” cho công chúng như thế. Không ít trang web cá nhân cũng thường nhanh tay đưa lên mạng xã hội các thông tin cập nhật mới nhất về sản phẩm âm nhạc, phim ảnh để chia sẻ với cộng đồng mạng. Đó là một trong những lý do lớn khiến thị trường băng đĩa sao chép lậu và cả thị trường băng đĩa gốc có dán tem nhãn kiểm soát bị thu hẹp thậm chí teo tóp, mất hình ảnh so với thời gian trước.

Một chủ tiệm băng đĩa lớn trên đường Trần Hưng Đạo quận 5 cho biết: “Dạo này chỉ bán lai rai, vì tình hình kinh tế khó khăn cộng thêm chuyện bây giờ người ta hay lên mạng tải nhạc, phim về coi nên vắng khách hơn trước. Tuy nhiên, tụi tui vẫn thường xuyên có các đĩa mới để giới thiệu cho khách quen và bỏ mối cho một số nơi”.

Tại một số tiệm băng đĩa nằm rải rác ở các quận và chợ băng đĩa Huỳnh Thúc Kháng, tình hình mua bán đĩa sao chép cũng khá vắng vẻ. Nói như thế không phải thị trường băng đĩa lậu hết thời, bởi lẽ số con buôn này bám rất sát tâm lý khách hàng và có nhiều mưu chước để qua mặt cơ quan chức năng và phát tán băng đĩa cấm.

Dạo một vòng các tiệm băng đĩa trong thành phố, không nhiều thì ít, hầu hết các tiệm vẫn bán xen kẽ vừa đĩa gốc vừa đĩa chép, có điều, mức sống của người dân cao hơn trước nên việc tiêu thụ sản phẩm đĩa chính hãng có nhỉnh hơn so với trước đây.

Nhìn lại, trong năm 2010, tại TPHCM đã có nhiều vụ phá án lớn của Công an TP, Sở VH-TT-DL về hoạt động in sang băng đĩa lậu ở các nơi như Gò Vấp, Phú Nhuận, quận 7… tịch thu hàng trăm ngàn sản phẩm băng đĩa in sang trái phép, không tem nhãn, băng đĩa có nội dung đồi trụy. Kết quả đó cũng là một trong các nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của thị trường đĩa lậu thời gian qua bớt “nóng” hơn, và có thể họ tạm rút vào ngõ ngách trước khi bung ra trong mùa tết tới...

Hãng băng đĩa lao đao

Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio cho biết: “Trong năm qua, chúng tôi vẫn tung ra một số sản phẩm của ca sĩ Cẩm Ly, Quốc Đại, Xuân Phú, Nhật Kim Anh… nhưng đó cũng chỉ là một cách làm để giữ thương hiệu là chính. Thực tế, hiện nay không có hãng băng đĩa nào dám bỏ tiền để làm chương trình, như thế chúng tôi sẽ càng “chết” sớm hơn.

Vấn nạn “ăn cắp” tồn tại nhan nhản trước mắt nên chẳng ai dám đầu tư cho các sản phẩm chất lượng cao. Đối với các nhà sản xuất, chúng tôi thấy kiến nghị hoài cũng chưa có gì chuyển biến, hy vọng các cơ quan chức năng có những biện pháp hữu hiệu hơn giúp chúng tôi có niềm tin để hoạt động, mạnh tay cho ra đời các sản phẩm nghệ thuật”.

Thử tính, một sản phẩm CD-VCD-DVD (10 bài), chi phí cho tiền tác quyền, ca sĩ, ban nhạc hết chừng 110 triệu đến gần 300 triệu đồng, phát hành khoảng 1.000 - 2.000 đĩa với giá một sản phẩm từ 30.000 - 40.000 đồng. Mới ra mắt thị trường hôm trước, hôm sau đã bị in sang lậu nghĩa là cầm chắc lỗ vốn.

Giám đốc Trùng Dương audio cũng trăn trở: “Hiện tại, các hãng băng đĩa gần như tê liệt vì vấn nạn nhà mạng và băng đĩa lậu. Chưa kể, thị trường âm nhạc đang bão hòa, ca sĩ cũng đang bão hòa. Ca sĩ có tên tuổi thì đứng ra tự thành lập công ty riêng với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đến khi các hãng băng đĩa muốn thực hiện một sản phẩm, họ cũng không dám mạnh tay chi kinh phí để mời người nổi tiếng vì biết chắc chi phí cao ngất ngưởng mà vốn thu lại nhỏ giọt!”.

Mua băng đĩa tại một cửa hàng trên đường Hàm Tử, quận 5 TPHCM - Ảnh: An Dung

Cạnh tranh không cân sức

Vất vả để tồn tại, các hãng băng đĩa vẫn đang cố gắng tạo ra những sản phẩm mới để giữ thương hiệu, đồng thời nghĩ ra những cách làm mới để phát triển. Ví như, Phương Nam Phim có lợi thế hệ thống phát hành rộng khắp các tỉnh thành, đồng thời mở rộng kinh doanh nhiều thể loại đĩa nhạc, phim, giải trí dành cho thiếu nhi…

Ông Minh Đức - đại diện Phương Nam Phim cho biết: “Khi nhạc mất thế thì phim được quan tâm hơn. Cụ thể hai dòng sản phẩm nổi bật của Phương Nam thời gian qua là các sản phẩm phim nước ngoài nhập khẩu - lần đầu tiên khán giả Việt Nam được tiếp cận với DVD phim nước ngoài chính gốc với giá hợp lý (thậm chí còn rẻ hơn một số CD ca nhạc của ca sĩ Việt Nam), thời gian phát hành cũng nhanh chóng, có phim phát hành sau khi trình chiếu ở Mỹ chỉ khoảng 1 tháng.

Tiếp đó là việc tung ra thị trường 50 tựa phim các bộ phim truyện Việt Nam, trong đó có rất nhiều phim truyện nổi tiếng từ nhiều thập kỷ trước. Giá các bộ phim từ 40.000 - 100.000 đồng, thu hút một lượng khách hàng lớn quan tâm chọn mua”.

Đó cũng là một cách đấu tranh quyết liệt trên thương trường để tồn tại và phát huy có chọn lọc giá trị của những sản phẩm nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, chỉ một Phương Nam Phim thôi chưa thể đẩy mạnh sự phát triển chung và làm sôi nổi thị trường băng đĩa chính thống trong nước.

Sự e dè trong việc đầu tư sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao của các hãng băng đĩa chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường băng đĩa ngày càng buồn tẻ, thiếu những sắc màu tươi mới.

Tuy nhiên, lẩn khuất giữa những gam màu lạnh, lặng lẽ của thị trường băng đĩa hiện nay vẫn là cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các hãng băng đĩa chân chính với vấn nạn sao chép, in sang băng đĩa lậu và với cả đối thủ mới đáng gờm: mạng online.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.