“Siết” vàng

29/10/2010 22:59 GMT+7

Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 29.10 siết chặt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thu hẹp huy động, cho vay

Theo thông tư này, các TCTD chỉ được huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá, cho vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức, không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Các TCTD không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền đồng và các hình thức bằng tiền khác. Đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30.6.2011. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 
Vàng, nguồn vốn lớn trong dân cần được khai thác - Ảnh: D.Đ.Minh

Đại diện NHNN ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho biết: “Các giải pháp này nhằm thu hẹp đáng kể hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD”.

Theo ông Bảo, thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng; việc lưu thông vàng, huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các TCTD. Cụ thể, khả năng sử dụng vốn bằng vàng gặp khó khăn vì rất khó bảo toàn vốn và sinh lời theo giá vàng, giá vàng biến động phức tạp, tăng với biên độ lớn; việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng, làm tăng tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường ngầm về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.

Đối với kinh doanh của TCTD, rủi ro trong cho vay vàng và chuyển đổi nguồn vốn bằng vàng thành tiền đồng tăng lên (trước đây, các NH được phép chuyển đổi tối đa 30% vốn huy động bằng vàng thành tiền đồng), khi giá vàng tăng cao và chưa có biện pháp khả thi để phòng ngừa rủi ro giá vàng; các TCTD mới sử dụng 60% số vốn huy động vốn bằng vàng, hiệu quả kinh doanh thấp. Với tình hình thực tế này, việc sửa đổi cơ chế huy động và cho vay vốn bằng vàng theo hướng thu hẹp là phù hợp.

Bỏ phí nguồn vốn lớn

TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính - nhận xét: “Quy định này là hơi sốc đối với người đang nắm giữ vàng. NHNN đang chặn các hình thức đầu cơ vàng đã liên tiếp gây ra các đợt sóng trong thời gian qua, nhưng đồng thời cũng đã chặn luôn nguồn vốn bằng vàng trong dân. Chúng ta đã giải quyết bất ổn này bằng cách triệt tiêu cái khác. Người giữ vàng trong thời gian tới sẽ bị hạn chế quyền lợi khi không thể gửi tiết kiệm bằng vàng”.

Không nên bỏ phí một nguồn lực lớn của nền kinh tế
Ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, cho rằng hiện thị trường vàng đã đi quá xa so với sự quản lý của NHNN. Chiều sâu của thị trường này quá lớn, khi lượng vàng dự trữ và vàng trong dân tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo ông Minh, đây là lý do khiến Việt Nam bị "vàng hóa", kéo thị trường ngoại tệ bất ổn theo. Theo ông, Thông tư 22 chỉ là ứng phó trước mắt, NHNN cần tổ chức một bộ phận nghiên cứu nghiêm túc về các phương án sử dụng, quản lý vàng. "Nguồn vốn từ vàng là quá lớn, lên tới hàng chục tỉ USD, Nhà nước phải quản lý được, còn không quản lý được như trước kia là bỏ phí đi một nguồn lực lớn của nền kinh tế" - ông nói.

Tính đến cuối tháng 9, có 23 TCTD huy động tổng cộng  92,6 tấn vàng, tương đương 73.000 tỉ đồng (khoảng 3,7 tỉ USD); các TCTD cho vay 60% số vốn huy động bằng vàng. TS Hiển cho rằng, NH không cho vay vàng được tất nhiên sẽ không huy động vàng trong dân nữa. Số vốn bằng vàng tương đương 3,7 tỉ USD này trôi nổi trong dân là điều không ổn. Vàng hay USD cũng là nguồn lực quốc gia, trong khi Việt Nam đang kêu gọi đầu tư nước ngoài mà lại không tận dụng được số vốn lên đến vài tỉ USD hiện có.

Trong thời gian qua, lãi suất cho vay vàng khá thấp nên một số doanh nghiệp chấp nhận vay vàng để chuyển sang tiền đồng, đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh. NHNN cũng biết rằng các TCTD rủi ro khi kinh doanh vàng vì không có công cụ bảo hiểm rủi ro giá khi chuyển đổi vàng thành nguồn tiền, do đó NHNN nên trao công cụ cho các NH thực hiện và quản lý thay vì cấm.

Từ cuối tháng 3.2010, NHNN đóng cửa các sàn giao dịch vàng. Lãi suất huy động vàng trên thị trường từ mức 4%/năm giảm xuống còn 0,05%/năm. Gần đây, lãi suất huy động vàng nhỉnh hơn một chút, lên 1%/năm. Dù lãi suất huy động rất thấp nhưng số lượng vàng mà các NH huy động được giảm không đáng kể, từ khoảng 110 tấn hồi đầu năm xuống 92,6 tấn (tính đến cuối tháng 9) cho thấy những người dân gửi vàng vào NH không vì mục đích lấy lãi. Việc giữ vàng của người dân từ trước đến nay vẫn chủ yếu là để bảo toàn vốn. Thói quen này sẽ khó thay đổi, việc bỏ phí nguồn vốn này thật đáng tiếc.

Đánh giá tác động của những quy định trên lên thị trường vàng trong thời gian tới, Phó TGĐ một công ty vàng bạc đá quý dự báo thị trường vàng sẽ có những đợt sóng lớn khi các hợp đồng vay vàng tương đương 55,6 tấn đáo hạn, các NH cũng sẽ phải mua vào một lượng vàng rất lớn để bù lại cho số vàng đã bán ra lấy tiền đồng trước đây. Nhu cầu vàng sẽ tăng lên, trong khi cung vàng trên thị trường khan hiếm do nguồn cung vàng từ phía NH đã bị chặn. Những biến động khó lường của thị trường vàng đang ở phía trước.

 Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.