Thanh Niên với…

15/12/2005 09:39 GMT+7

… Một học sinh phổ thông Mẹ tôi cho phép tôi dùng báo Thanh Niên để bao sách vở đi học! Thời đó, Thanh Niên có bán nguyệt san. Quyển nào bìa cũng đẹp, bài viết cũng hay, hình ảnh sống động, nội dung phong phú, design ấn tượng. Tôi chỉ dùng bìa để bao thôi.

Quyển toán - môn học mà tôi ưa thích nhất - được tôi chọn hình bìa là những đồi cát vàng Bình Thuận với cô gái chông chênh trên đồi, khăn voan bay bay. Quyển Văn tôi bao hình anh em nhà Trịnh Công Sơn với cái tít Anh, em, nến và hoa… Không cần dùng nhãn vở, tôi vẫn có thể thuộc được quyển nào dùng cho môn nào. Các anh chị làm báo Thanh Niên có vui khi biết chuyện này?

… Một sinh viên

Tôi tập tò viết lách. Ban đầu tôi làm thơ. Thơ ngô ngô ngây ngây nên không dám gửi về Thanh Niên. Tiếp đó tôi viết truyện ngắn. Văn cũng không súc tích lắm nên cũng chưa dám gửi. Mãi đến khi Thanh Niên khai trương mục Cảm nhận âm nhạc tôi mới có dịp tung tẩy ngòi bút. Ngoài giờ học chính khóa, học ngoại ngữ, dạy kèm, đọc tài liệu (bốn trong những việc chính buộc tôi phải hoàn thành một ngày), tôi hí hoáy viết cảm nhận âm nhạc. Viết rồi xóa rồi chỉnh sửa, cuối cùng cũng có vài bài chỉn chu. Tôi mang một bài gửi về Thanh Niên và thấp thỏm chờ được đăng. Được đăng thật! Một bài viết về nhóm nhạc nữ Anh Spice Girls và phong cách “cay nóng” đặc trưng của họ.

Thừa thắng, tôi gửi tiếp một bài nữa. Lại được đăng! Bài này viết về Whitney Houston và những giai điệu rất đẹp của Saving all my love for you, I will always love you… Ô la la, tôi vui quá chừng. Tôi tự cho phép mình nghỉ dạy kèm một buổi để đạp xe khắp nơi. Gặp bất cứ người quen nào tôi cũng muốn chìa tờ báo ra mà khoe với họ rằng “Tôi có bài đăng đấy! Trên Thanh Niên hẳn hòi!”. Rồi theo đà tôi viết về Phú Quang, về những ca khúc phổ thơ thật mềm mại, về những nét giai điệu sang trọng và hồn hậu. Bài nào gửi đi cũng được đăng. Cừ chưa!

Ủa mà nhuận bút? Tôi có đọc một bài nào đó tổng hợp những cái nhất của Thanh Niên trong đó có: nhuận bút cao nhất, nhanh nhất. Vậy mà hình như riêng tôi thì Thanh Niên quên? Nhân dịp ba tôi đi TP Hồ Chí Minh, tôi viết một bức thư “đòi nợ”, đề bì thư gửi anh Cao Minh Hiển - người phụ trách chuyên mục Cảm nhận âm nhạc lúc đó. Ba tôi về mang theo nhuận bút thật hậu cùng lời xin lỗi chân thành từ Thanh Niên và kèm theo một album mới của Phú Quang - Cho người tình xa - có dấu “kính biếu” đỏ chót nữa chứ.

Có thể nói, “sự nghiệp” viết lách của tôi bắt đầu cùng Thanh Niên như thế. Sau những lần có bài được đăng trên Thanh Niên, tôi viết cộng tác với Tuổi Trẻ, Mực Tím, Áo Trắng… Thế là cùng với học bổng hàng tháng của trường đại học, tôi có thêm một nguồn thu nhập kha khá từ nhuận bút. Và cũng từ những bài đăng trên Thanh Niên, tôi mơ ước mình trở thành…

… Một phóng viên

Tốt nghiệp đại học, tôi không thi công chức để đi dạy như bạn bè mà nộp đơn vào Cơ quan Thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên. Tôi được chọn cùng với hai người nữa: anh Tuấn và anh Huệ. Ngày nhận được tin, tôi không biết làm gì để bày tỏ sự vui mừng nên đã chọn cách viết. Tôi viết về cơ hội đóng góp và thái độ trọng thị của những người trẻ với đất nước. Viết theo kiểu nhàn đàm, bỏ bì ghi địa chỉ Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1- Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lưỡng lự rồi quyết định không gửi. Đến bây giờ, tôi còn giữ bài viết này lại để làm kỷ niệm.

Làm phóng viên, tôi say việc khủng khiếp. Lúc đó tôi cao mét sáu, nặng chừng bốn mươi bốn cân. Nhà báo Uông Ngọc Dậu, khi đó là giám đốc, cứ trêu tôi rằng: “Cháu bé như chiếc lá thế này ai mà tin là phóng viên nhỉ? Nếu có ai hỏi thì cứ bảo cháu đi thu thập tin tức giúp cho chị Đoan Chi của cháu nhé!”. Tôi như chiếc lá vậy chứ thoắt cái ở Gia Lai, thoắt cái ở Lâm Đồng, Kon Tum… Những bài viết của tôi được viết theo văn phong nhà đài: câu cú ngắn gọn, dùng nhiều câu đơn, câu chủ động, cách trình bày khúc triết, rõ ràng…

Tưởng viết vậy là dễ nhưng hóa ra khó lắm. Làm gì có chuyện cứ đơn giản mà tải được vấn đề! Vậy là tôi vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm để viết tin, bài cho Đài một cách tốt nhất. Nhưng tôi vẫn viết những cái nhẹ nhàng. Viết, dự định gửi và… quên. Như trung thu năm 2003, tôi có cái nhàn đàm (tự đánh giá là ổn, nều gửi chắc Thanh Niên sẽ đăng ngay) nhưng loay hoay công tác, đến khi nhớ ra thì đã mười bốn âm lịch rồi.

Một lần đi công tác, nằm ở một nhà nghỉ ở thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng, tôi có ý tưởng cho truyện ngắn. Thế là tôi viết một mạch. Toàn văn phong nhà Đài thôi. Ý tưởng thì ổn nhưng câu cú cứ ngăn ngắn, đơn giản thế nào ấy. Về nhà, viết một loạt tin bài xong, tôi bắt tay vào chỉnh sửa truyện ngắn. Đêm hạnh phúc được đăng nhanh cực kỳ, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Cầm tờ Thanh Niên cuối tuần số 293 chủ nhật 20.10.2002, tôi như ngất đi vì vui. Vậy là lại được Thanh Niên đăng bài.

Và nhuận bút? Hình như tôi có duyên… bị quên nhuận bút. Ít nhất là hai cú điện thoại, tôi mới nhận giấy báo nhận tiền. Nhưng có một điều đặc biệt nhất mà tôi luôn mong đợi nhưng không bao giờ nhận được, đó là báo biếu. Tôi thề rằng từ bài viết đầu tiên cho đến bất kỳ bài viết lai rai nào được đăng trên Thanh Niên, tôi cũng không hề nhận được một tờ báo biếu nào. À, tôi có nhận được một tờ nhưng tìm đỏ mắt không ra bài viết của mình. Đó là tờ Thanh Niên nguyệt san tháng mười một năm 1998, quyển báo có hình một cô gái mặc áo dài. Tôi nhớ không nhầm đâu! Tôi cho đó cũng là một trong nhiều kỷ niệm đáng nhớ của tôi với Thanh Niên (kỷ niệm của đôi bên mà chỉ một mình tôi rõ, nếu tôi không nói ra thì Thanh Niên cũng chẳng biết đâu). Không biết các anh chị làm báo Thanh Niên đọc đến đây thì vui hay buồn nhỉ?

Một người mẹ trẻ

Trong một bài luận tiếng Anh với đề tài “… yourself”, tôi viết một ý rằng tôi là một người nội trợ tồi nhưng vẫn là một người mẹ tốt. Anh Hồng - một bạn học trong nhóm - cho rằng điều đó không đúng với thực tế lắm. Tôi không tranh luận nhưng tôi luôn tin rằng tôi có cái đúng. Tôi đọc Thanh Niên từ hồi bé đến giờ, tôi thấy báo viết về nhiều người phụ nữ thành đạt. Đâu phải người nào có mái gia đình hạnh phúc cũng nhờ nấu ăn ngon. Thanh Niên ủng hộ tôi điều này chứ? Bây giờ tôi đã chuyển ngành vì một lý do riêng nhưng hình như cái nghiệp viết lách cứ bám lấy tôi. Đi đâu, thấy cái gì cũng hình thành ý tứ trong đầu. Thế là sau giờ làm việc, sau khi chăm lo cho con xong, tôi lại ngồi vào máy. Những con chữ lại trào ra. Tôi viết nhiều lắm. Viết cho nhàn đàm, cho sáng tác, cho từ hàng ghế khán giả, cho văn nghệ - giải trí, cho đời sống kiều bào, cho góc cảm xúc… Viết và nghĩ ngay rằng mình sẽ gửi cộng tác với Thanh Niên. Nhưng rồi lại không gửi đi. Các anh chị làm Thanh Niên đọc đến đây sẽ đặt câu hỏi bắt đầu “Vì sao?”.  Tôi xin trả lời rằng:

Tôi

Là một người hàng ngày đọc Thanh Niên, tự cho phép mình chọn Thanh Niên làm bạn. Vậy nên mỗi khi vui, buồn… không nói ra bằng lời được thì viết như tâm sự. Vậy thì bài đăng hay không có quan trọng gì đâu. Quan trọng là mình giãi bày được nỗi lòng rồi và người bạn vô hình ấy đã nghe giúp mình rồi. Còn gì sướng hơn khi mình tha hồ giãi bày tâm sự mà không sợ bị người thứ ba nghe thấy. Nghĩa là thông tin sẽ tròn trịa, không hề lệch lạc một li nào. Người bạn ấy đón nhận tất cả và nuốt vào lòng rồi còn gì.

Chính bởi vì vậy mà tôi cứ tiếp tục viết. Tôi đã lập trình sẵn một kế hoạch rồi: sau khi thu xếp được ổn thỏa những công việc riêng, khi con tôi lớn thêm chút nữa, tôi sẽ nối lại ước mơ làm phóng viên của mình. Biết đâu nếu có duyên, tôi sẽ gặp anh Nguyễn Công Khế - linh hồn của Thanh Niên - để được nói lên ý tưởng làm mới cho tờ Thanh Niên Cuối tuần. Hay biết đâu, nếu có duyên, tôi sẽ được làm chủ một chuyên mục mới toanh hấp dẫn nào đó trên Thanh Niên?

Tôi có quyền nghĩ và mơ như thế chứ nhỉ?

Những ngày cuối tháng mười, 2005

Đoan Chi
(93 Y’Jút - Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.