Nếu bán độ, cầu thủ phạm tội gì?

14/12/2005 22:15 GMT+7

Sau loạt thông tin trên Thanh Niên về nghi án các cầu thủ bóng đá U.23 bán độ tại SEA Games 23 vừa qua, bạn đọc khắp nơi trong cả nước đã gửi thư về bày tỏ thái độ phẫn nộ, trong đó có một số câu hỏi sau:

* Xin hỏi, nếu như điều tra các cầu thủ có bán độ tại SEA Games vừa qua thì họ có thể bị xử phạt về tội gì - nhận hối lộ, đánh bạc hay tội phản quốc? (tanthinguyen@yahoo.com)

* Vài "con sâu" U.23 Việt Nam vừa được nêu lên, chúng ta sẽ xử họ về tội gì? Tham nhũng hay ăn hối lộ? Có thể đúng nhưng chưa đúng. Vậy tội gì đây? Là tội cờ bạc? Tôi chưa thấy ai lấy danh dự quốc gia ra gá bạc cả, ngoài những người này. Là tham nhũng hay ăn hối lộ? Rất khó định tội, phải không? Tôi chưa thấy vụ nào mà cả nước đều cảm thấy xúc phạm và mất mát như vậy? (NGUYENBAOTHO@yahoo.com)

Sau đây là ý kiến của luật sư Trịnh Văn Hiệp - Trưởng chi nhánh văn phòng luật sư Nam Thành:

Trước hết tôi xin nói: Không ai có thể bị coi là tội phạm nếu như chưa có bản án của tòa án. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi của nhiều bạn đọc quan tâm thì ở đây ta đặt vấn để giả sử (nếu như) vấn đề bán độ là có thật:

Để cấu thành một tội phạm phải có đủ 4 yếu tố, đó là: Chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Chủ thể ở đây là người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng công việc được giao để phạm tội; khách thể ở đây là  xâm phạm vào hoạt động đúng đắn hoặc uy tín của Nhà nước, của quốc gia để trục lợi; mặt khách quan của tội phạm đó là hành vi nhận tiền; mặt chủ quan đó là hành vi cố ý trực tiếp.

Trường hợp dàn xếp tỷ số của các cầu thủ bóng đá ở SEA Games vừa qua mà bạn đọc nêu ở trên,  chúng ta xem xét ở khía cạnh khách thể bị xâm phạm đó là gì để định tội? Khách thể đó là hoạt động thể thao của Nhà nước ta, là uy tín danh dự của Tổ quốc, lòng hâm mộ của khán giả, là niềm hy vọng của mỗi người dân đặt niềm tin vào các cầu thủ. Nếu như các cầu thủ chiến thắng thì sẽ mang về niềm tự hào cho dân tộc, nếu thua do thực lực của đội nhà, ta coi đó để rút kinh nghiệm và phấn đấu. Tuy nhiên ở đây, các cầu thủ đã đi ngược lại niềm tin ấy. Ngoài  ra, khách thể còn là tài sản của những tay bạc khác.

Một hành vi chỉ bị khởi tố về một tội danh. Tuy nhiên trong trường hợp các hành vi đó có tội danh độc lập thì khởi tố 2 tội. Ví dụ: Hành vi dùng súng để giết người, ngoài việc truy tố theo tội "giết người" còn có thể truy tố theo tội "tàng trữ vũ khí trái phép".

Hành vi dàn xếp tỷ số để đạt được mục đích làm cho người ta tin vào kết quả để trục lợi. Nếu như các cầu thủ có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền hoặc tài sản khác nhằm dàn xếp tỷ số để trục lợi, không quan tâm đến việc dùng tỷ số đó để làm gì (ví dụ: để đội kia vào vòng trong hay để người khác đánh bạc) thì theo tôi, có thể bị truy tố theo tội "nhận hối lộ" theo điều 279 - Bộ luật Hình sự. Còn nếu như các cầu thủ liên kết với những trùm cá độ, làm theo mệnh lệnh của những người này nhằm sắp xếp tỷ số thì ngoài tội danh “nhận hối lộ” còn bị truy tố theo tội "tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc" theo điều 249 - Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, ở đây có yếu tố lừa đảo các con bạc khác tin vào kết quả đã dàn xếp, lẽ ra đó là kết quả khác, làm cho các con bạc khác tin tưởng vào kết quả đó mà thua bạc thì tùy theo tính chất của hành vi có thể bị truy tố theo tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo điều 139 - Bộ luật Hình sự.

Điều 279 Bộ luật Hình sự: Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười lăm triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a/ Gây hậu quả nghiêm trọng;
b/ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c/ Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
a/ Có tổ chức;
b/ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c/ Phạm tội nhiều lần;
d/ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ/ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e/ Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
f/ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a/ Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b/ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a/ Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b/ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 249 Bộ luật Hình sự: Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều 248 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a/ Có tính chất chuyên nghiệp;
b/ Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c/ Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 139 Bộ luật Hình sự: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a/ Có tổ chức;
b/ Có tính chất chuyên nghiệp;
c/ Tái phạm nguy hiểm;
d/ Lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ/ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e/ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
g/ Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
a/ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b/ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a/ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b/ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
 
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Hoàng Tạo
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.