Món ăn chống thiếu iod

11/10/2008 19:05 GMT+7

Mặc dù chỉ là một vi chất có mặt trong cơ thể với một lượng rất nhỏ, nhưng iod lại có vai trò hết sức quan trọng trong việc tham gia tạo hormone tuyến giáp để điều hòa sự phát triển của cơ thể.

Hậu quả của thiếu iod

Thiếu iod sẽ gây nên bệnh bướu cổ, làm chậm sự phát triển trí tuệ, chậm lớn, kém linh hoạt và giảm khả năng lao động. Để phòng chống tình trạng thiếu iod và bệnh bướu cổ đơn thuần, việc cung cấp vi khoáng quan trọng này cho cơ thể qua nước uống, muối ăn và các thực phẩm là hết sức quan trọng.

Trong y học cổ truyền, tình trạng thiếu iod và  bệnh bướu cổ đơn thuần thuộc phạm vi các chứng "khí anh", "anh bệnh",  "anh lựu", tục gọi là "đại bột tử bệnh". Để phòng chống các chứng bệnh này, ngoài việc dùng thuốc, châm cứu bấm huyệt, người xưa còn sử dụng các món dược thiện (món ăn - bài thuốc) đơn giản nhưng hiệu quả lại không kém phần quan trọng.  

Những món ăn phòng bệnh

Dùng hải đới 100g, rửa sạch, nấu canh ăn hằng ngày. Hải đới là một loại tảo sống ở biển, được mệnh danh là “Vua iod”, bởi vì nó chứa rất nhiều iod. Người ta ước tính trong mỗi 100g hải đới có tới 24 mg iod, nên ăn loại rau này thường xuyên sẽ có tác dụng phòng chống tình trạng thiếu iod, thúc đẩy quá trình chuyển hóa, duy trì công năng bình thường của tuyến giáp trạng. Theo dược học cổ truyền thường dùng hải đới để chữa chứng “khí anh” (bướu cổ đơn thuần).

Dùng 50g sứa, 50g thịt mẫu lệ nấu ăn thường xuyên. Mẫu lệ còn gọi là hàu, là một loại thủy sản có chứa rất nhiều iod và kẽm, trong mỗi 100g thịt mẫu lệ có chứa tới 70 - 100 mg iod và kẽm. Thịt mẫu lệ ngon và ngọt, thường được dùng dưới dạng món ăn - bài thuốc như nướng chín rồi tẩm giấm, lá chanh, gừng và gia vị, hoặc nấu canh cùng với sứa hoặc nấu canh cùng với đậu tương. Sứa cũng là một loại thực phẩm giàu iod. Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn, bụng yếu thì không nên dùng. 

Dùng sò biển 50g, tử thái 50g, hai thứ nấu canh ăn thường xuyên. Sò và tử thái đều là những thực phẩm giàu iod, riêng tử thái (tảo tím) là một trong những loại tảo chứa nhiều iod nhất, ước tính trong mỗi 100 mg tử thái có 1,8 mg iod. Tảo đỏ thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tràng nhạc (lao hạch), khái suyễn, bướu cổ đơn thuần... Y thư cổ Bản thảo cương mục viết: “Bệnh anh lựu cước khí giả nghi thực chi” - bệnh bướu cổ đơn thuần và cước khí nên ăn tử thái.


Hẹ - ảnh: K.Vy

Lấy 150g hẹ, 100g thịt ngao xào ăn hằng ngày. Ngao là loại hải sản rất giàu chất dinh dưỡng và cũng chứa nhiều iod. Theo dược học cổ truyền, thịt ngao vị ngọt, tính lạnh, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phù thũng, hoàng đản, bướu cổ, băng đới, lao phổi... Y thư cổ Bản thảo cầu nguyên viết: “Cáp lợi tiêu thủy thũng, lợi thủy, hóa đàm, trị anh lựu”. 

Dùng quả hồng xanh 1 kg, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi đem nấu chín cô đặc, chế thêm mật ong với lượng bằng lượng nước hồng ép, tiếp tục cô cho đến khi thành dạng cao sền sệt là được, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 1 thìa canh. Trong mỗi 100g hồng xanh có chứa tới 49,7 mg iod. 

Lấy hải tảo, hải đới, côn bố, tử thái, rau câu (đồng 15g), đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Côn bố, rau câu và hải tảo cũng đều là những loại tảo biển có chứa nhiều iod. Côn bố, còn gọi là nga chưởng thái, thường dùng làm thuốc chữa chứng anh lựu. Trong mỗi 100g côn bố có tới 0,28g iod. 

Dùng tử thái 15g, côn bố 15g, hạ khô thảo 9g, hoàng cầm 9g. Tất cả rửa sạch, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. 

Hoàng Khánh Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.