Liệu có một “cơn sốt” Thời xa vắng?

16/12/2004 21:47 GMT+7

Ngay sau khi tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu đoạt giải của Hội nhà văn Việt Nam năm 1986, đạo diễn Hồ Quang Minh đã xin phép được độc quyền chuyển thể tác phẩm thành phim. Mười mấy năm ấp ủ, trải qua rất nhiều khó khăn, đến ngày 15/12, bộ phim đã ra mắt báo giới trong tiếng trầm trồ, và những giọt nước mắt lặng lẽ của nhà văn Lê Lựu…

Với một tiểu thuyết tiếng tăm và hấp dẫn như Thời xa vắng, chắc chắn việc chuyển thể thành kịch bản phim vừa là thuận lợi, vừa là một thách thức rất lớn. Người "non tay" sẽ bị choáng ngợp bởi sự hấp dẫn của hàng loạt chi tiết sống động, chân thực, bởi những nhân vật điển hình của cuộc sống đậm đặc chất nông thôn Bắc bộ những năm 50 trong tiểu thuyết, từ đó sẽ bê nguyên xi cả một "thời xa vắng" lên phim. Thế nhưng Hồ Quang Minh đã cưỡng lại được sức hấp dẫn đầy ma lực của tiểu thuyết. Anh đã rất tỉnh táo để quyết định chỉ chọn một phần đời của Sài khi còn ở nông thôn và đi bộ đội, cũng như gia cố thêm nhân vật, bối cảnh trong truyện ngắn Bến sông (cũng của Lê Lựu) vào phim.

Lê Lựu rất hài lòng với một Giang Minh Sài do Ngô Thế Quân đóng. Ông tâm sự: "Xem phim, thấy đích thị là thằng Sài của mình rồi, thậm chí còn sống động hơn nhiều". Chính chất giọng đặc trưng rất khàn, rất quê của Ngô Thế Quân đã tạo hiệu ứng bất ngờ, góp thêm thành công cho nhân vật Sài.

Cũng cần phải nhắc tới khả năng diễn xuất đặc biệt nổi trội của Hồ Phương Dung, một phong cách diễn rất bản năng nhưng cũng rất bài bản. Phương Dung vai Tuyết (vợ Sài) đã làm vỡ òa cảm xúc của người xem với nụ cười đầy nước mắt cuối phim, chứa đựng một gánh nặng xót xa cay đắng của một đời phụ nữ nông thôn bị quan niệm, lề thói xã hội “ăn cắp” mất bản ngã của mình. Chính tiếng khóc câm nén ấy đã khiến Lê Lựu phải rơi nước mắt. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền với vai Hương - người yêu Sài trong phim cũng tạo ấn tượng cho người xem. Chỉ có điều, theo Lê Lựu: "Hương trong tiểu thuyết giản dị hơn, trong sáng hơn, và ngô nghê hơn một chút, còn Huyền thì lại đẹp quá, sang trọng quá".

Đạo diễn Hồ Quang Minh đã thể hiện tài năng của mình khi tìm được một giọng điệu và nhịp điệu rất thích hợp cho phim. Cái giỏi của phim là phản ánh một đời sống nông thôn với những lối nghĩ làm méo mó, đè bẹp "cái tôi" của mỗi cá nhân nhưng tránh cách phản ánh quá bi lụy, nặng nề. Quay phim Trần Hùng và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, phục trang Đoàn Thị Tình... và rất nhiều thành viên của đoàn làm phim đã thực hiện rất tốt công việc của mình để đóng góp cho sự thành công của phim.

Ông Lê Đức Tiến - giám đốc hãng phim Giải Phóng tin rằng đây sẽ là một bộ phim gây tiếng vang và thành công về doanh thu của hãng trong năm 2005. Người xem sẽ đến rạp bởi rất tò mò không biết một anh chàng Sài vốn đã sống rất lâu trong lòng độc giả sẽ xuất hiện với hình hài cụ thể như thế nào, và liệu phim có hay bằng tiểu thuyết từng nổi tiếng một thời hay không. Hãng đang có ý định làm tiếp phần hai Thời xa vắng, phần cuộc sống thời bình tại chốn thị thành của anh nông dân Giang Minh Sài, cái phần mà "anh chàng Sài đã yêu cái mà mình không có", cũng chính là phần đã khiến bao người đọc xúc động với một Giang Minh Sài anh hùng trong thời chiến đã thất bại khi đi tìm hạnh phúc trong thời bình. Kịch bản đã có, nhưng Hồ Quang Minh lại muốn người khác sẽ làm đạo diễn, để "người xem sẽ được thấy một phong cách làm phim khác".

Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) sẽ độc quyền ra mắt phim Thời xa vắng vào ngày 17.12

Phạm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.