Ép tiến độ để khánh thành “ngày đẹp”

14/11/2010 23:29 GMT+7

Để khánh thành công trình đúng dịp lễ lạt, nhiều trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu đã chấp nhận ép tiến độ bằng mọi giá. Kết quả là những sản phẩm không hoàn thiện, ẩn chứa nhiều rủi ro mà đối tượng “lãnh đủ” cuối cùng vẫn là người dân.

Áp lực thông xe “ngày đẹp”

Hiện tượng lún và “ổ gà” xuất hiện trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng. Con đường này được thông xe đúng dịp lễ 3.2.2010, song vào thời điểm đó, vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.

Việc thông xe vội vàng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sự cố trên đường cao tốc, như: tai nạn tại khúc cua “tử thần” (Km 49) do biển cảnh báo đặt không hợp lý, lún do xử lý nền đất yếu chưa triệt để, xuất hiện “ổ gà” do lớp bê tông nhựa kém chất lượng...

Một trường hợp khác là cầu Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) khi phải chạy đua để kịp thông xe vào dịp lễ 30.4.2010. Vào thời điểm khánh thành, cây cầu này được ghi nhận kỷ lục về tiến độ thi công khi hoàn thành trước kế hoạch đến 2 tháng - một điều hiếm thấy tại các công trình giao thông. Tuy nhiên, chỉ hơn 5 tháng sau, vào ngày 2.10.2010 đã xảy ra lún sụt tại phần cầu dẫn phía huyện Mỏ Cày.

Nguyên nhân được xác định là do quá trình thi công cống tại khe mối nối giữa 2 đốt cống, nhà thầu đã xử lý không tốt dẫn đến có khe hở, thủy triều lên xuống hằng ngày đã kéo theo cát đắp trong nền đường chảy ra, tạo lỗ rỗng trong nền đường gây lún sụt cục bộ.

Do áp lực thông xe quá gấp rút nên nhà thầu vừa thi công xong các khe co giãn đã phải tiến hành thử tải cầu, sau đó lại tiếp tục cho xe chở bê tông qua cầu để thảm nhựa phần đường dẫn phía bờ huyện Mỏ Cày (trong khi cần thời gian để khe co giãn ổn định trước khi cho xe chạy qua). Điều này dẫn tới tại một số vị trí khe co giãn trên phần cầu dẫn có hiện tượng bong vỡ lớp vữa SikaGrout đệm phía dưới khe co giãn. Để đảm bảo sử dụng lâu dài, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tháo dỡ và lắp mới toàn bộ khe co giãn.

Ai cho thông xe tạm phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với Thanh Niên, KTS Lê Công Sĩ (Hội Kiến trúc sư VN) cho rằng, chủ đầu tư, nhà thầu hay người dân đều muốn các công trình hạ tầng mau chóng hoàn thiện. Tuy nhiên, mỗi hạng mục, công đoạn đều phải đảm bảo thời gian và trình tự thi công nhất định để đạt được chất lượng tương xứng. Do đó việc cắt giảm thời gian một cách tùy tiện và “thô bạo” sẽ cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng. 

Nhiều trường hợp công trình chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư vẫn thông xe tạm. Gọi là “thông xe tạm” nhưng thực tế công trình (cầu, đường) vẫn phải gánh vác tải trọng thật. “Đây được nhiều người xem là động thái thăm dò chất lượng thực của công trình. Nếu không có sự cố thì sau thời gian nhất định, họ dỡ bỏ lệnh thông xe tạm và khi này không có gì đáng bàn. Nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố thì các đơn vị liên quan vẫn có lý do để biện giải. Như ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mọi sự cố xảy ra (tai nạn, lún, “ổ gà”) đều được chủ đầu tư vin vào cái cớ công trình thông xe tạm, chưa hoàn thiện. Do đó, cần truy đến cùng trách nhiệm trong vấn đề này, đơn vị nào cho phép thông xe tạm phải chịu trách nhiệm trước tiên khi sự cố xảy ra”, ông Sĩ nói.

Trong khi đó, thạc sĩ Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, phân tích, khi thiết kế dự án, bao giờ tư vấn cũng xây dựng một tiến độ thi công khả thi và tối ưu nhất. Việc rút ngắn tiến độ phải được xuất phát từ chính đơn vị tư vấn thiết kế cùng các giải pháp kỹ thuật kèm theo, chứ không thể là mệnh lệnh chủ quan của chủ đầu tư hay lãnh đạo địa phương. Bởi nguyên tắc là để rút ngắn tiến độ mà vẫn tuân thủ thiết kế thì bao giờ cũng tốn kém hơn rất nhiều.  Vì vậy, với mức vốn đầu tư cố định mà ép nhà thầu rút tiến độ thì đương nhiên thay vì chịu lỗ, nhà thầu sẽ phải tìm cách hạ chất lượng công trình.

Và thế là hậu quả của một công trình  kém chất lượng sẽ đeo đẳng về lâu dài, gây tốn kém tiền bạc sửa chữa và nhất là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lưu thông.

Chưa xong cũng… khánh thành

Việc chạy đua thông xe vào “ngày đẹp” ở TP.HCM không phải chuyện mới, mà từ năm 2009 đã có hàng loạt công trình dù chưa xong vẫn khánh thành vào các dịp lễ lớn. Chẳng hạn, cầu Nguyễn Văn Cừ (nối Q.1, Q.5 với Q.4, Q.8) chỉ kịp xong 1 nhánh, cầu Calmette (nối Q.1 với Q.4) mới hoàn thành phần cầu chính… nhưng vẫn rầm rộ khánh thành đón Tết Nguyên đán 2009.

Để chào mừng ngày 19.5.2009, cầu Chà Và (nối Q.5 với Q.8) chưa xong vẫn tổ chức thông xe một nửa cầu. Phần đường ven kênh thuộc đại lộ Đông Tây cũng thi công chậm trễ nên chỉ kịp thông xe một nửa làn đường vào dịp lễ 2.9.2009. Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường trục Bắc - Nam giai đoạn 2 chưa hoàn thành cũng khánh thành mừng Tết Nguyên đán 2010…

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.