Cựu phạm nhân “ngộ” đạo làm giàu

23/11/2005 21:54 GMT+7

Với khát vọng làm giàu từ nghề sơn mài tre nứa ghép truyền thống của làng quê, trải qua bao vấp ngã, có lúc tưởng như không thể gượng dậy được, Trần Xuân Mai (thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã trở thành một tỉ phú trẻ tuổi, tạo công ăn việc làm cho hơn 22.000 lao động trẻ với mức thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng.

Hồi còn là một cậu học trò, khi được bố mẹ hỏi lớn lên sẽ làm gì, Trần Xuân Mai quả quyết: "Con sẽ là một ông chủ. Người dân quê mình bao đời nay vẫn sống bằng nghề sơn dầu, sơn mài tre nứa ghép nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nếu đem hàng ra thế giới thì giá trị kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều". Nhưng rồi, mọi người trong gia đình lấy làm ngạc nhiên khi Mai tạm gác lại chuyện học hành để đi đóng gạch, học nghề mộc! Một thời gian sau, Mai mới bắt đầu xây giấc mộng "ông chủ lớn" bằng việc thành lập xí nghiệp tư doanh Quyết Tiến, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm tranh tre nứa ghép. Tập hợp 40 thanh niên khỏe mạnh và thạo nghề, ôm tiền vào Sài Gòn mua khuôn định hình, máy phay... về lắp đặt rồi tổ chức sản xuất. Hàng làm ra, Mai bán cho khách hàng ở các nước


Anh Trần Xuân Mai

Đông u thông qua các hợp đồng xuất khẩu. Lúc này, mọi người mới hiểu: Mai đi đóng gạch, làm thợ mộc là nhằm tích lũy kinh nghiệm.

Công việc làm ăn đang phát triển, xí nghiệp được mở rộng quy mô, ngoài 140 lao động ký hợp đồng trực tiếp làm việc tại xưởng còn rất nhiều lao động "vệ tinh" nhận làm hàng cho Mai thì các nước Đông u sụp đổ. Hàng làm ra không xuất đi được, chất đống trong kho trong khi vẫn phải đóng thuế, trả lương đầy đủ cho người lao động nên xí nghiệp bị thua lỗ, nợ nần chồng chất. Mai bị khởi tố vì không có tiền trả nợ ngân hàng. Bản án 10 năm 6 tháng tù giam tưởng như đã đặt dấu chấm hết cho giấc mộng "ông chủ lớn" của chàng trai trẻ tuổi. Thế nhưng gặp chúng tôi, Mai cười khà khà khi kể về những ngày bóc lịch trong nhà đá: "Tái ông mất ngựa, tôi đã tốt nghiệp đại học kinh tế trong trại giam đấy!". Số là, chị Năm - vợ của Mai mỗi lần vào trại giam Ba Sao (Ninh Bình) thăm nuôi, trong túi xách ngoài đồ ăn thức uống còn có cả những cuốn sách chuyên ngành về kinh tế như trọn bộ Tư bản của Mác và nhiều cuốn sách khác cho chồng nghiên cứu. Càng đọc và suy ngẫm, Mai càng "vỡ" ra nhiều điều, nắm bắt được những nguyên tắc, quy luật của thị trường.

Năm 1998, sau 7 năm 1 tháng 13 ngày thọ án, Mai được đặc xá nhờ thành tích cải tạo tốt. Trở về làng, thời gian đầu, Mai làm đủ thứ việc, từ vẽ biển quảng cáo, sửa chữa nhà cửa đến làm biển phản quang cho ngành điện... để kiếm tiền. Năm 2000, tích lũy đủ vốn, Mai thành lập Công ty TNHH Ngọc Anh và sau đó đổi tên thành Công ty gỗ mỹ nghệ, cơ khí đúc và xuất khẩu Amiexco, chuyên sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ sơn dầu tre nứa ghép và một số lĩnh vực khác. Từ kinh nghiệm có được, ông giám đốc bật mí: "Hàng hóa làm ra đẹp và đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, giá thành phải chăng nhưng muốn đến được với người tiêu dùng rất cần đến khâu quảng cáo". Mạnh dạn in catalogue, Mai đem mẫu hàng sang Đức tham gia hội chợ thương mại Frankfurt để tiếp cận thị trường thế giới, chào hàng với giá rẻ bằng giá bán trong nước. Với cách làm đó, hàng hóa của công ty đã được thị trường của 30 nước trên thế giới, trong đó có Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ... chấp nhận. Đến nay, công ty Amiexco đang tạo công ăn việc làm cho 300 công nhân với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng và 22.000 lao động "vệ tinh", trong đó phần lớn là thanh niên tại một số vùng nông thôn ở các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng. Khi đã thành đạt, trong khả năng của mình, Mai tự nguyện giúp đỡ các phạm nhân bằng cách liên kết với trại giam Ba Sao (Hà Nam) và Ninh Khánh (Ninh Bình), mở các lớp dạy nghề tre nứa ghép, tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các phạm nhân.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.