Tìm nhanh E.coli trong nước

09/12/2010 09:08 GMT+7

Khi muốn kiểm tra xem mẫu nước có nhiễm vi khuẩn E.coli hay không, người sử dụng công cụ đặc biệt này chỉ cần nhỏ mẫu nước lên một bộ phận có các tinh thể thạch anh. Kết quả sẽ hiển thị trên màn hình LED.

Trong những đợt bộc phát bệnh tiêu chảy và tả, vi khuẩn E. coli trở thành tâm điểm buộc các nhà dịch tễ phải quan tâm. Vi khuẩn E.coli có thể xuất hiện ở các mẫu thức ăn, thịt, cá, rau, nước... khiến người bị nhiễm rối loạn máu và suy thận, thậm chí tử vong. Việc phát hiện sớm vi khuẩn này trong nước uống vì thế rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tả và tiêu chảy cấp.

Có kết quả ngay trong vòng 1 giờ
 
GS-TSKH Nguyễn Công Hào, Viện Khoa học - Công nghệ VN, cho biết hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện vi khuẩn E. coli trong nước, tuy nhiên đều phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp trong phòng thí nghiệm và mất nhiều thời gian (khoảng 24 giờ).
 
Từ thực tế đó, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) của ĐH Quốc gia TPHCM đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu thiết kế một công cụ mà chỉ sau 1 giờ là khẳng định ngay được vi khuẩn E.coli có hay không trong mẫu nước.
  
Công cụ này có tên gọi đầy đủ là linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (Quartz Crystal Microbalance - QCM). QCM gồm 2 bộ phận chính. Bộ phận thứ nhất có dạng hình tròn, trong đó có các tinh thể thạch anh đã được phủ sẵn các thành phần sinh học đặc biệt. Khi muốn kiểm tra xem mẫu nước nào đó có nhiễm vi khuẩn E.coli hay không, người sử dụng QCM chỉ cần nhỏ mẫu nước lên bộ phận có các tinh thể thạch anh này. Công việc sau đó thuộc về bộ phận thứ hai có hình dạng khối vuông, trên đó có màn hình LED. Bộ phận này có nhiệm vụ phân tích sự thay đổi tần số cộng hưởng của tinh thể thạch anh để tính toán và cho ra kết quả hiển thị trên màn hình LED. Sau 1 giờ là biết được mẫu nước đó có nhiễm khuẩn E.coli hay không.
 
Hiện nay, QCM có thể phát hiện nước nhiễm khuẩn ở nồng độ khoảng 100 con vi khuẩn E.coli/ml nước.
 
Tiện lợi cho vùng sâu, vùng xa
   
Nhờ đặc điểm nhỏ gọn, chỉ nặng khoảng 1 kg, QCM rất phù hợp cho các nhân viên y tế làm việc tại vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu thốn trang thiết bị cho việc xét nghiệm. Theo thạc sĩ Ngô Võ Kế Thành, chủ nhiệm đề tài, giá thành sản xuất dự kiến cho một sản phẩm QCM vào khoảng 200 USD, rẻ hơn rất nhiều so với các thiết bị có tác dụng tương tự của nước ngoài hiện nay (loại rẻ nhất cũng 5.000 USD).
 
Ngoài việc phát hiện vi khuẩn E.coli, chỉ cần thay đổi các thành phần sinh học phủ trên bề mặt tinh thể thạch anh, QCM còn có khả năng phát hiện vi khuẩn E.coli thực phẩm, dư lượng kháng sinh trong thủy sản, ma túy... Thạc sĩ  Ngô Võ Kế Thành còn cho biết thêm, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là muốn hướng đến việc chuyển giao công nghệ tới các cơ sở, trung tâm nghiên cứu để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng nghiên cứu.
  
Đây là sản phẩm nằm trong dự án “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm linh kiện vi cân tinh thể thạch anh ứng dụng trong cảm biến sinh học”, do Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đầu tư từ năm 2009. Sản phẩm này được xem là tiền đề cho việc hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hóa học, sinh học, vật lý, vật liệu, điện tử nhằm tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống.

Rất ý nghĩa khi ứng dụng

Theo GS-TSKH Nguyễn Công Hào, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, việc phát hiện vi khuẩn E.Coli nếu được thực hiện càng nhanh càng tốt. Vì thế, với thời gian cho kết quả khoảng 1-2 giờ, nếu hoàn thiện, khi ứng dụng vào thực tiễn sẽ rất có ý nghĩa. Hơn nữa, với cách sử dụng không quá phức tạp, chỉ giống như một chiếc máy đo thông thường, sau khi phân tích sẽ hiển thị kết quả trên màn hình, do vậy chỉ cần một người có trình độ trung cấp là sử dụng tốt.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.