Vượt qua khủng hoảng

15/10/2008 00:46 GMT+7

Thế giới, các khu vực và các nước trong vòng 15 năm gần đây đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Được coi là lớn có thể kể đến Mexico vào năm 1994, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc năm 1997 - 1998, Nga, Brazil năm 1998, Argentina năm 2000. Lớn nhất, rộng nhất phải kể đến cuộc khủng hoảng lần này xuất phát từ cường quốc kinh tế số một thế giới là Mỹ và đang lan ra các nước trên thế giới.

Trong hai mươi ba năm qua, Việt Nam cũng đã trải qua hoặc phải chịu tác động của 3 cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng thứ nhất tiềm ẩn từ cuối những năm 70, đầu những năm 80, bùng phát vào nửa cuối những năm 80, kéo dài cho đến 1993 mới cơ bản thoát khỏi. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ trong nước, cộng hưởng với sự hụt hẫng về vốn đầu tư, về thị trường từ Liên Xô (cũ) và các nước Đông u, lại bị Mỹ bao vây cấm vận.

Cuộc khủng hoảng thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực (bắt đầu từ Thái Lan, lan sang Indonesia, Hàn Quốc…). Việt Nam không bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này do độ mở cửa chưa rộng và sự chủ động ứng phó "vượt trước ngăn chặn". Nhưng tác động của cuộc khủng hoảng này cũng không nhỏ về một số mặt. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký giảm mạnh (nếu năm 1996 đạt 10.164 triệu USD, thì năm 1997 còn 5.591 triệu USD, năm 1998 còn 5.100 triệu USD, năm 1999 còn 2.565 triệu USD); lượng vốn thực hiện năm 1998 - 1999 cũng bị giảm nhưng ít hơn. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu bị giảm mạnh. Tốc độ tăng giá GDP cũng bị sút giảm: năm 1997 còn tăng 8,15%, đến năm 1998 GDP chỉ còn tăng 5,76%, đến năm 1999 chỉ còn tăng 4,77%. Trong thời gian tương ứng, tăng trưởng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cũng bị giảm (công nghiệp - xây dựng từ 12,62% xuống 8,33% và 7,68%; dịch vụ từ 7,14% xuống 5,08% và 2,25%). Tốc độ tăng giá tiêu dùng cũng cao lên (năm 1997 là 3,6%, thì năm 1998 cũng vọt lên 9,2%). Lượng khách quốc tế cũng bị sút giảm, lượng kiều hối năm 1997 cũng thấp hơn 1996.

Cuộc khủng hoảng lần này xảy ra trong điều kiện khác trước nhiều. Việt Nam đã gia nhập WTO. Độ mở cửa của Việt Nam sâu, rộng hơn… Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển của Việt Nam, trong 9 tháng qua đã khá cao (lên đến một phần ba). Hai mươi quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp đăng ký đạt trên 1 tỉ USD tính từ 1988 đến nay đứng đầu là Đài Loan, tiếp đến là Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đảo Virgin thuộc Anh, Hồng Kông, Thái Lan, Canada, Mỹ, Brunei, Pháp, Hà Lan, Anh, CHND Trung Hoa, Liên bang Nga, quần đảo Cayman Islands, Australia, Thụy Sĩ, Samoa. Năm 2007 so với GDP xuất khẩu đã bằng 68,2%, nhập khẩu đã bằng 88%, cộng cả xuất khẩu và nhập khẩu đã bằng 156,2%, cao hơn nhiều tỷ lệ của thế giới (46,8%), của châu Á (48,8%) và cao hơn cả của Đông Nam Á (132,3%), đứng thứ 5 thế giới. Trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Mỹ đứng đầu tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Nhật Bản, Australia, CHND Trung Hoa đạt 3,3 tỉ USD, tăng 43%; tiếp đến là Singapore, Đức, Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia cũng là thành viên "câu lạc bộ 1 tỉ USD trở lên".

Việt Nam trước nhất cũng không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng và có triển vọng vượt qua bởi nhiều yếu tố.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến nay đã cao hơn nhiều so với cách đây mấy năm. Số tiền đó không bị trực tiếp thiệt hại vì được gửi vào chỗ tin cậy. Do lãi suất USD ở trong nước cao hơn ở nước ngoài, nên lượng USD gửi ở nước ngoài đã được rút về từ trước. Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động chuyển mục tiêu sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, nên tiền tệ đã được thắt chặt; gần đây có được điều hành linh hoạt nhưng không nới lỏng. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đã được cải thiện rõ. Thị trường chứng khoán bị giảm chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã có dấu hiệu chạm đáy để quay đầu phục hồi. Tỷ giá VND/ngoại tệ nhìn chung ổn định, đối với một số ngoại tệ còn giảm. Lòng tin đối với đồng nội tệ đã khá lên.

Tuy nhiên, không thể chủ quan, bởi khủng hoảng tài chính thế giới chưa có dấu hiệu dừng; những lĩnh vực tác động vẫn khó lường và thường chậm hơn những vùng xoáy.

Xuất khẩu tháng 8 đã giảm so với tháng 7 và tháng 9 đã giảm so với tháng 8 (tháng 7 đạt 6.547 triệu USD, tháng 8 đạt 6.018 triệu USD, tháng 9 ước còn 5.300 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu kim ngạch tháng 9 giảm so với tháng 8, như dầu thô, than đá, dệt may, giày dép, điện tử máy tính, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ… Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện, vốn ODA giải ngân, vốn đầu tư gián tiếp sẽ không giữ được nhịp độ tăng hoặc bị giảm…

Lúc này vẫn cần phải rà soát các nguồn tiền gửi ở nước ngoài của các ngân hàng, tập đoàn…

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.