Khi vàng lên giá (phần 2)

25/11/2007 00:29 GMT+7

Sau kế hoạch bán cái đầu vàng thất bại, tôi và Tèo buồn bã ngồi nhìn nhau. Tôi nức nở nghẹn ngào:

- Tèo ơi, người ta không cần cái đầu vàng của cậu. Người ta chỉ cần những gì vật chất hơn thôi.

Tèo không hề nản chí. Nó hăng hái đứng lên:

- Không phải đâu. Cái chính là hai đứa mình nhầm. Tại sao lại mang đầu đi bán ở tiệm kim hoàn, nơi ấy chỉ cần thỏi, cục hoặc miếng thôi. Vàng của chúng mình cao quý hơn nhiều, giá trị hơn nhiều.

Tôi không muốn cãi Tèo, nhưng nhìn nó chua xót. Cái đầu vàng của nó bao giờ mới tìm được nơi tiêu thụ?

Tèo reo:

- Ơ rê ka! Tớ nghĩ ra rồi. Hai đứa mình mang đầu vàng đi bán ở văn học. Văn học là nghệ thuật, mà trong nghệ thuật vàng suy nghĩ mới là vàng đích thực.

Hai đứa vội vàng tới trụ sở lớn, đề dòng chữ to "Liên hiệp xí nghiệp văn học". Chúng tôi từ xa đã nghe được tiếng máy chạy ầm ầm, xe ra vào tấp nập, chở sách lặc lè, toàn những cuốn in xanh in đỏ.

Hai đứa hớn hở tìm đến ông giám đốc phụ trách kinh doanh, nhờ ông chỉ phòng thu mua nguyên liệu. Trưởng phòng tiếp chúng tôi. Vừa nghe chuyện bán vàng, ông đã xua tay:

- Cám ơn hai ngài. Nhưng chúng tôi không cần ạ.

Tèo giãy nảy:

- Không cần vàng là thế nào? Ít nhất mỗi năm cũng phải có giải thưởng vàng cho văn học chứ?

Trưởng phòng thu mua cười:

- Thưa hai ngài, giải thưởng vàng năm nào cũng xét, nhưng mỗi năm lại ít đi. Năm nay lại ít nhất, chỉ còn mỗi hai thể loại.

Tôi cáu quá:

- Các ông không để cho văn học theo kịp cuộc sống gì cả.

Ông ta mếu máo:

- Thưa hai ngài, cũng biết thế, nhưng khó lắm ạ. Ngay từ ngày xưa, các cụ đã có câu:

"Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"

Thì hai ông đã biết vàng trong văn chương nó phù du thế nào rồi. Nó là những giá trị rất hay thay đổi, chính vì thế, chúng tôi chả tính tới làm gì.

Tôi và Tèo chán nản quay ra. Tèo hùng hổ:

- Bên văn học coi thường vàng như thế, làm sao có tác phẩm vàng. Thôi hai đứa mình sang điện ảnh vậy. Điện ảnh là nghệ thuật quan trọng nhất, là bằng chứng hiển nhiên cho một nền văn hóa phát triển theo xu hướng công nghiệp, là tấm gương phản chiếu thời đại chúng ta đang sống. Điện ảnh đưa ra những vấn đề nóng bỏng, những giá trị nhân văn, những hình tượng điển hình. Vàng trong điện ảnh rõ ràng là vàng thực.

Chúng tôi tới xưởng phim. Hùng dũng chào hàng. Vừa nghe tới chữ vàng, ông giám đốc đã lắc đầu nhanh như máy khâu:

- Thưa quý vị, chúng tôi chả những không cần vàng mà còn khổ vì vàng. Năm vừa qua, mới có hai phim đoạt cánh diều vàng mà thiên hạ đã nói lên nói xuống, thôi từ nay không trao nữa chắc là xong.

Hai đứa lại thất thểu quay ra. Tèo tức tối quá. Nó tiếc cho những người làm phim có vàng đến tay mà còn để phí, thật uổng vô cùng.

Tôi chợt nghĩ:

- Hay hai đứa mình sang bên âm nhạc? Bên ấy xưa nay vốn sôi động vô cùng, làm ăn lúc nào cũng rôm rả, không khí bao giờ cũng vui tươi, công chúng khi nào cũng nồng nhiệt.

Hai đứa hớn hở đi. Nhà máy sản xuất âm nhạc kia rồi. Từ xa đã nghe đủ thứ âm thanh náo loạn, đã thấy đủ các nam nữ ca sĩ rực rỡ, đi ra đi vào tấp nập. Tôi và Tèo khấp khởi hy vọng.

Vừa nghe hai đứa trình bày, ông giám đốc âm nhạc đã kêu rên:

- Thôi xin các vị. Chúng tôi cần vàng của các vị làm gì? Chúng tôi đang đầy ứ ra kia kìa. Bây giờ, album vàng ra như mưa, nhiều hơn cả lá vàng mùa thu, bà con đang ớn đến cổ.

Lê Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.