Bản tin Covid-19 ngày 17.9: Số ca tử vong có xu hướng giảm

17/09/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 17.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 17.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Cả nước ghi nhận 11.521 ca Covid-19 mới, 9.914 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 17.9 cho biết tính từ 17h ngày 16.9 đến 17h ngày 17.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.521 ca nhiễm mới và 9.914 ca khỏi bệnh.
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 212 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 16.637 ca.

TP.HCM: Ca nhiễm Covid-19 tại các vùng phân loại đều giảm

Thông tin về 11.521 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 17.9 như sau:
- 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 11.506 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.656 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.972), Bình Dương (4.013), Đồng Nai (345), Long An (273), Kiên Giang (180), Tiền Giang (118), Tây Ninh (114), An Giang (106), Quảng Ngãi (52), Cần Thơ (50), Quảng Bình (37), Đồng Tháp (35), Khánh Hòa (35), Bình Phước (21), Bình Thuận (18), Hà Nội (15), Bạc Liêu (14), Ninh Thuận (13), Quảng Trị (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Hậu Giang (11), Phú Yên (10), Bình Định (9), Nghệ An (9), Đà Nẵng (8 ), Sóc Trăng (6), Lâm Đồng (3), Vĩnh Long (3), Thừa Thiên Huế (3), Thanh Hóa (3), Cà Mau (3), Bến Tre (1), Quảng Nam (1), Gia Lai (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.024 ca. Tại TP.HCM tăng 237 ca, Bình Dương tăng 1.015 ca, Đồng Nai giảm 222 ca, Long An giảm 8 ca, Kiên Giang giảm 18 ca.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.090 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 667.650 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.786 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 663.232 ca, trong đó có 430.691 bệnh nhân đã đượccông bố khỏi bệnh.
+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (326.795), Bình Dương (173.086), Đồng Nai (38.081), Long An (29.843), Tiền Giang (12.760).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 433.465
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.505 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.507
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 972
- Thở máy không xâm lấn: 131
- Thở máy xâm lấn: 862
ECMO: 33

Công an TP.HCM yêu cầu công an địa phương cấp giấy đi đường trong ngày cho dân

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 212 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Gồm: (166), Bình Dương (28), Long An (2), Tiền Giang (2), Tây Ninh (2), Đà Nẵng (2), Cà Mau (1), Khánh Hòa (1), Bình Thuận (1), Đồng Tháp (4), Cần Thơ (1), Bình Định (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 250 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.637 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 218.322 xét nghiệm cho 795.175 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.178.305 mẫu cho 47.492.652 lượt người.
- Trong ngày 16.9 có 630.323 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 33.006.632 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 26.821.906 liều, tiêm mũi 2 là 6.184.726 liều.

Đồng Nai chuẩn bị kế hoạch “sống chung với F0” nhưng không để bùng dịch Covid-19

Kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai ngày 17.9.2021, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, nói rằng tỉnh này khó mà thực hiện việc quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh này cần nỗ lực cho mục tiêu sống chung với Covid-19, chấp nhận việc trong cuộc sống còn tồn tại Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, điều này không đồng nghĩa với việc để bùng dịch lên vì sẽ làm quá sức chịu đựng của xã hội, quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều người tử vong.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định, vào thời điểm này, nếu trong cộng đồng xuất hiện F0 ở vùng xanh thì cần bình tĩnh xử lý. Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai phải xử lý một cách chủ động, nhỏ gọn, không hoang mang hay sợ hãi.
Hiện tại, Đồng Nai đang đánh giá vùng xanh đến địa bàn xã, phường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sắp tới có thể những ấp, khu phố “xanh” cũng sẽ được mở cửa.
Cũng tại cuộc họp, trước lo ngại của nhiều người về việc người dân nhiễm Covid-19 từ các bệnh viện, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị các bệnh viện đảm bảo công tác phòng ngừa chứ không thể cấm người dân đi khám bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo tại cuộc họp sáng 17.9

Lê Lâm

Hiện Đồng Nai đã ban hành kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế từ 20.9, tuy nhiên chỉ mở cửa vùng xanh còn vùng đỏ, cam, vàng vẫn tiếp tục siết chặt.
Đối với vùng xanh dù mở cửa nhưng vẫn dựa vào tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19 để áp dụng mức giản cách phù hợp. Vùng xanh nào có tỷ lệ dưới 60% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc thì áp dụng Chỉ thị 15; vùng xanh tỉ lệ từ 60% - 70% người trên 18 tuổi tiêm 1 liều vắc xin thì áp dụng Chỉ thị 19; còn vùng xanh có tỉ lệ người tiêm 1 liều vắc xin đạt trên 70% thì được áp dụng trạng thái “bình thường mới”.

F0 khỏi bệnh xin ở lại bệnh viện trả ơn bác sĩ

Nhiều ngày qua, anh Lê Ngọc Hùng Sơn, một võ sư ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM trực chiến trong Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 1 Phú Nhuận như một điều dưỡng thực thụ để giúp y bác sĩ chăm sóc các F0 đang điều trị tại đây.
Hằng ngày, anh Sơn đến các giường bệnh đo huyết áp, nồng độ ô xy máu, nhịp thở của bệnh nhân để báo cáo cho các bác sĩ trực để theo dõi tình hình diễn tiến của các bệnh nhân.
Anh Sơn cũng từng là F0 trong một gia đình 8 người mắc Covid-19 được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 1 Phú Nhuận. Sau gần 10 ngày điều trị, anh Sơn cùng các thành viên trong gia đình khỏi bệnh được xuất viện.
Trong quá trình điều trị, được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc tận tình, cảm nhận được sự vất vả của nhân viên y tế nên anh Sơn quyết định xin ở lại Bệnh viện để hỗ trợ chăm sóc F0 tại đây.
Cũng từng là F0 được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 1 Phú Nhuận, anh Nguyễn Đăng Khoa, học viên một trường dạy nghề trên địa bàn Q.Phú Nhuận đã xin ở lại hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc các F0 đang điều trị.
Các tình nguyện viên ở đây đảm nhiệm vai trò như một điều dưỡng thực thụ sau khi được lực lượng nhân viên y tế hướng dẫn đo huyết áp, nồng độ ô xy trong máu, thân nhiệt của bệnh nhân đang điều trị.
Bên cạnh đó, các tình nguyện viên là cựu F0 cũng tham gia vào các công việc khác như lau dọn vệ sinh, giúp bệnh nhân ăn uống, thay quần áo.
Dù làm những công việc mà xưa nay chưa từng đụng đến nhưng các tình nguyện viên đều thấy vui, hạnh phúc khi được giúp đỡ các bệnh nhân.

F0 khỏi bệnh ở lại bệnh viện làm điều dưỡng không chuyên: Mình muốn trả ơn bác sĩ

Theo BSCK2 Lê Ngọc Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 Phú Nhuận, hiện nay Bệnh viện có 5 tình nguyện viên là những F0 đã khỏi bệnh, tình nguyện đăng ký ở lại hỗ trợ nhân viên y tế. Các tình nguyện viên không chỉ tham gia chăm sóc bệnh nhân đang điều trị mà còn làm nhiều công việc nặng nhọc khác như khuân vác bàn ghế, sắp xếp phòng bệnh, khử khuẩn, đã giúp lực lượng nhân viên y tế giảm được áp lực công việc.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Thanh, Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 1 Phú Nhuận mỗi ngày điều trị từ 250-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 30 bệnh nhân nặng phải điều trị tại khoa Cấp Cứu.
Các bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bệnh tại đây sẽ được yêu cầu về nhà tự cách ly 14 ngày, những bệnh nhân khỏi bệnh. Nếu bệnh nhân có tâm nguyện trở lại hỗ trợ nhân viên y tế thì Bệnh viện sẽ tiến hành đánh giá lại tình trạng sức khỏe của những người này, nếu đảm bảo các tiêu chí của Sở Y tế TP.HCM thì sẽ được tiếp nhận vào để hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại bệnh viện.

Đến 30.9, TP.HCM cần hơn 1,8 triệu liều vắc xin

Tại cuộc họp báo chiều 17.9, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, cho biết đến 30.9, TP.HCM còn khoảng 515.988 người đang đợi tiêm mũi 1 vắc xin.
Đồng thời, người cần tiêm mũi 2 với vắc xin AstraZeneca là 781.817; 111.283 người tiêm Moderna; Pfizer là 60.532 người và Vero Cell là 848.864 người. Như vậy, tổng mũi 2 cần tiêm đến 30.9 là gần 1,8 triệu. Tổng số mũi 1 và 2 cần tiêm đến 30.9 là hơn 2,24 triệu mũi.
“Nhưng số vắc xin hiện có của TP là 410.820 liều các loại. Trong đó, AstraZeneca là 138.136 liều, Pfizer là 164.140 và Vero Cell hơn 108.000 liều. Như vậy TP cần hơn 1,8 triệu liều để tiêm mũi 1 và mũi 2. Sở Y tế báo cáo TP và đề xuất Bộ Y tế, tùy theo điều kiện khả năng của T.Ư phân bổ đến đâu thì tiêm đến đó”, bác sĩ Hưng nói.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 16.9, TP.HCM tiêm được 98.000 liều vắc xin Covid-19. Như vậy, tính đến 7 giờ 30 ngày 16.9, 22 quận huyện, TP.Phủ Đức; các bệnh viện TP; các bệnh viện, đơn vị bộ, ngành đóng trên địa bàn TP.HCM đã tiêm tổng cộng hơn 8,56 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân. Trong đó, có gần 6,7 triệu mũi 1 và hơn 1,87 triệu mũi 2. Đáng chú ý, số liều vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 992.614 liều. Và cũng có hơn 2,25 triệu mũi vắc xin Vero Cell của Sinopharm đã được tiêm cho người dân.
Theo số liệu dân số do Chi Cục dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM điều tra, TP.HCM có hơn 7,2 triệu người trên 18 tuổi. Như vậy, hiện TP.HCM đã tiêm hơn 6,7 triệu liều vắc xin mũi 1, tỷ lệ đạt 92,8% và hơn 1,87 triệu mũi 2, tỷ lệ đạt 24,8%.

20 quân nhân là “cựu F0” tình nguyện vào điểm nóng chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Ngày 16.9.2021, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức lễ tiễn 15 bác sĩ, kỹ thuật viên tăng cường cho Bệnh viện điều trị Covid-19 quận Gò Vấp và tiếp nhận 20 quân nhân của Trường Quân sự Quân đoàn 4, tình nguyện tham gia hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175.
Trong số 20 quân nhân từng là F0 đã khỏi bệnh tình nguyện vào chăm sóc F0 tại Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 gồm 11 học viên tiểu đội trưởng và 9 học viên y tá của Trường Quân sự Quân đoàn 4.
Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Quân y được tăng cường lực lượng hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của Bộ Quốc Phòng.
 

20 quân nhân là “cựu F0” tình nguyện vào điểm nóng chăm sóc bệnh nhân Covid-19

"Em từng là F0 và em muốn góp một phần sức lực vào công cuộc chống dịch để giúp đỡ mọi người. Kinh nghiệm của em là mình giữ tinh thần thoải mái, vui tươi, không lo lắng nhiều. Em cũng đã chuẩn bị kỹ tinh thần để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao" học viên Trần Phước Bình - Trường Quân sự Quân đoàn 4 chia sẻ.
Thời gian qua, bên cạnh việc cử lực lượng đi hỗ trợ TP.HCM chống dịch, Bệnh viện Quân y 175 đã thành lập Trung tâm điều trị Covid-19 quy mô 500 giường điều trị cho bệnh nhân mức độ nặng và vừa, cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch, giảm nhiều ca từ nặng xuống nhẹ.
Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 18.7.2021 với quy mô ban đầu là 200 giường và nâng lên 500 giường vào đầu tháng 9 vừa qua. Sau một thời gian hoạt động, Trung tâm đã điều trị giảm độ nặng, cứu sống hàng trăm bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng.

Người nước ngoài tại TP.HCM xúc động nhận túi an sinh

Ngày 16.9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Thủ Đức phối hợp cùng Công an TP.HCM và công an các phường trên địa bàn tiếp tục tổ chức trao túi an sinh và một khoản kinh phí để hỗ trợ những người nước ngoài đang gặp khó khăn tại TP.HCM vì dịch Covid-19.

Người nước ngoài gặp khó khăn ở TP.HCM xúc động nhận túi an sinh

Đây là đợt thứ 3, thành phố Thủ Đức tổ chức thăm hỏi và trao quà hỗ trợ cho người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố. 

Mỗi túi quà an sinh trị giá 2.500.000 đồng, bao gồm 2 triệu đồng tiền mặt và 500.000 đồng là nhu yếu phẩm cần thiết.

Mỗi túi quà an sinh hỗ trợ người nước ngoài ở TP.HCM trị giá 2.500.000 đồng

Lê Nam

Chị Jamier, người Philippines, hiện là tình nguyện hỗ trợ y tế trường học tại Việt Nam. Chị Jamier qua Việt Nam được 3 năm cùng mẹ. Chị bày tỏ sự xúc động khi bản thân và những người đồng hương trong khu trọ luôn nhận được sự giúp đỡ từ chủ nhà và chính quyền trong những ngày gặp khó khăn vì Covid-19.

"Từ khi dịch bệnh bùng phát thì trung tâm chúng tôi phải tạm đóng cửa. Chính sách giãn cách xã hội được áp dụng nên tôi phải ở nhà và tạm thời chưa có việc làm.
May mắn một chút là ở Việt Nam, tôi sống cùng mẹ nên phần nào đó sinh hoạt, ăn uống có mẹ tôi phụ, nhưng nhìn chung phải dè sẻn trong mọi thứ. Do đó, tôi cảm kích trước sự quan tâm của cơ quan chức năng tại phường. Những gói hỗ trợ này có ý nghĩa rất nhiều cho 15 ngày giãn cách tiếp theo, hoặc xa hơn nữa khi cuộc sống dần trở lại bình thường" chị Jamier chia sẻ.

Đến nay, TP.Thủ Đức đã trao 3 đợt túi an sinh cho người nước ngoài trên địa bàn

Lê Nam

Sau 3 đợt  trao túi an sinh, TP.Thủ Đức đã hỗ trợ với tổng số tiền là 165 triệu đồng đồng cho 66 trường hợp người nước ngoài đang gặp khó khăn tại TP.HCM bởi dịch Covid-19.

Song song, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt NamTP.Thủ Đức thành lập Tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn TP.Thủ Đức. Thành phố bố trí 3 tình nguyện viên (thông thạo ngôn ngữ Anh, Trung và Nhật) thực hiện việc tiếp nhận thông tin và tư vấn cho người nước ngoài cần hỗ trợ. Tính đến ngày 16.9.2021, tổ đã tiếp nhận 49 tin báo, trong đó có 47 tin nhờ đi chợ hộ, 2 tin yêu cầu hỗ trợ về  y tế.

Quà Trung thu sớm của trẻ em xóm trọ Sài Gòn 

Sáng 17.9.2021, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm - Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn và chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương đã tới thăm và tặng quà Trung thu cho các em nhỏ ở P.Tân Phú, TP.Thủ Đức.
Các em nhỏ nhận được quà dịp Trung thu này đều thuộc gia đình đang thuê trọ tại phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Dịch bệnh làm nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, nhiều người phải vay mượn hoặc sống nhờ các phần quà hỗ trợ từ địa phương. Những phần quà Trung thu dù không đắt tiền nhưng cũng là mặt hàng xa xỉ với nhiều gia đình vào thời gian này.

Quà Trung thu sớm của trẻ em xóm trọ Sài Gòn

Vì dịch bệnh Covid-19 nên chồng chị Trần Thị Bích Tuyền (ở P.Tân Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) phải ở lại luôn ở công ty thực hiện “3 tại chỗ”; chỉ còn chị ở nhà chăm 3 đứa con nhỏ.
Gần đến ngày Tết Trung thu, chị vui mừng khi nghe thông báo được nhận quà Trung thu từ thành đoàn TP.HCM. Vì vậy, chị cùng các con mình đã tới sớm chờ nhận quà.
"Năm nay dịch bệnh mình sợ không có quà nhưng giờ có thù mừng cho mấy đứa nhỏ. Mình vui mà tụi nhỏ cũng mừng" chị Trần Thị Bích Tuyền chia sẻ.
Hơn 40 phần quà, mỗi phần gồm các tập vở, sách giáo khoa, bánh kẹo và lòng đèn trung thu. Bên cạnh trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Thành đoàn TP.HCM cũng trao 2 máy tính bảng và quà trung thu cho hai em nhỏ hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Trong đó, người thứ nhất là em Võ Quyên Tiền Định, có cha bị tai biến, buôn bán nước trước nhà trọ, mẹ vừa mất do Covid-19. Người thứ hai là em Lê Ngọc Anh Thư, gia đình có 6 anh chị em, cha bị tai biến phải cưa chân. Gia đình nằm trong số hộ nghèo của phường. 

Làng nghề làm lồng đèn Trung thu ở Thanh Hóa đìu hiu vì dịch Covid-19

Vào thời điểm này như mọi năm, làng nghề Mật Sơn, gồm các khu phố Mật Sơn 1, Mật Sơn 2, và Mật Sơn 3 của phường Đông Vệ (TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã rất nhộn nhịp, nhà nhà đua nhau làm đèn ông sao, đèn kéo quân, ngoài đường tấp nập cảnh thương lái từ khắp nơi đổ về lấy hàng.
Nhưng năm nay, do dịch Covid-19, các địa phương đều phải hạn chế tập trung đông người, Tết Trung thu cũng không được tổ chức như mọi năm nên rất hiếm thương lái đặt hàng.
Cả làng nghề Mật Sơn những ngày này, duy nhất chỉ có gia đình ông Nguyễn Công Cường ở khu phố Mật Sơn 2 là đang làm khoảng 30 chiếc đèn ông sao cho khách vừa đặt. Còn các gia đình khác đều im ắng không dám làm đèn vì sợ không bán được.
Mọi năm, khi chưa có dịch Covid-19, gia đình ông Cường thường làm từ 300 – 400 chiếc đèn ông sao, loại cỡ to 1,1 m.

Vì dịch Covid-19, làng nghề làm lồng đèn Trung đìu hiu

Ông Cường cho biết, nhiều năm qua dịp Tết Trung thu là đợt để gia đình ông tăng thêm thu nhập từ việc làm đồ chơi là đèn ông sao, đèn kéo quân. Có nhiều năm còn làm không kịp cho khách lấy, thậm chí cháy hàng. Năm nay dịch bệnh diễn ra nhiều nơi, nhiều địa phương đang phải giãn cách xã hội, hoặc hạn chế tập trung đông người, nên nghề làm đồ chơi dịp Tết Trung thu thất bại hoàn toàn.
Cách gia đình ông Cường chỉ vài con ngõ, gia đình ông Đỗ Xuân Giới là cơ sở lớn chuyên làm hàng mã và đồ chơi dịp Tết Trung thu, nhưng cũng đành cửa đóng then cài vì dịch.
Ông Giới cho biết do TP.Thanh Hóa thời gian vừa qua thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên gia đình ông không thể mua, hoặc chuẩn bị vật liệu để làm đồ chơi bán dịp Tết Trung thu. Những ngày gần đây, có một số khách hàng gọi điện đến đặt hàng, nhưng gia đình ông không có nguyên liệu làm, lại sợ dịch bệnh tiếp tục phải giãn cách, làm ra không bán được, trong khi các loại vật dụng dùng làm đồ chơi năm nay đều tăng giá từ 15 – 20%.
Làng nghề Mật Sơn là làng nghề truyền thống, có từ lâu đời. Hàng trăm người dân ở làng nghề từ bao đời nay sống bằng nghề làm thủ công các loại hàng mã, đồ cúng. Nhiều năm trước, do nhu cầu của người dân, việc làm đèn ông sao và đèn kéo quân phát triển, thêm phần thu nhập cho người dân làng nghề. Nhưng dịch bệnh đã khiến một làng nghề vốn luôn nhộn nhịp, năng động giữa lòng TP.Thanh Hóa trở nên đìu hiu.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 17.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.