Giải mã bí mật tuổi dậy thì

19/11/2008 16:35 GMT+7

Hơn 1.000 nữ sinh đã tham gia buổi giáo dục giới tính mang tên "Giải mã bí mật tuổi dậy thì" do Bộ GD-ĐT tổ chức ở Hà Nội.

Nguyễn Cẩm Vân - học sinh lớp 9C - trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết: "Có nhiều băn khoăn, thắc mắc của lứa tuổi dậy thì nhưng em thường chỉ biết trao đổi với người bạn gái thân nhất của mình. Mà bạn em thì đâu có hiểu biết hơn gì em về điều đó. Nhiều khi chúng em thấy lúng túng vì không phải chuyện gì cũng có thể nói hết với mẹ…". Còn Đỗ Lan Hương, HS lớp 9D thì mong muốn: "người lớn sẽ hiểu hơn đến suy nghĩ và tâm tư của lứa tuổi chúng em, chứ đừng có hơi một chút là mắng mỏ, quát tháo, cấm cản…". Tiến sĩ tâm lý học Đinh Đoàn (Trung tâm tư vấn tâm lý - tình cảm Linh Tâm - Hà Nội) cũng cho rằng, ở lứa tuổi này, các em có những biểu hiện tâm lý "dở dở, ương ương", lứa tuổi từ trẻ con muốn "đốt cháy giai đoạn" để trở thành người lớn nên tâm lý rất khó nắm bắt, thay đổi thường xuyên, yêu ghét không rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng nói là chính các em lại không nhận ra điều đó và cho rằng mọi suy nghĩ, hành động của mình là đúng và đủ chín chắn.

Tiến sĩ Đoàn cũng cho biết, có em nữ hỏi: "Cháu 15 tuổi mà ngực chưa phát triển, vậy có cần đi phẫu thuật thẩm mỹ không?". Có em lại hỏi: "Em ghét việc mỗi tháng có kinh một lần lắm, có cách nào làm nó... bớt đi không?"... Thống kê của Trung tâm tư vấn Linh Tâm cho thấy, có khoảng 1/3 các cuộc điện thoại cầu cứu đến chuyên gia tư vấn là về vấn đề giới tính, quan hệ tình dục của các em lứa tuổi học đường. "Nhiều học sinh lớp 9, lớp 10 đã gọi điện đến bày tỏ sự lo lắng khi đã phải nạo, phá thai tới mấy lần". Thực tế này cho thấy, việc giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay còn rất hạn chế. Tiến sĩ Đoàn nói: "Học sinh ở thành thị thường dậy thì sớm, dinh dưỡng tốt, áp lực học hành căng thẳng nhưng lại thiếu các sân chơi lành mạnh... Chính những điều này dẫn tới hiện tượng stress ở lứa tuổi học đường và các em dễ bị lạc lối vào những quan hệ tình dục quá sớm và thiếu an toàn, dẫn đến những hậu quả rất đáng lo ngại".

Lý giải về việc tại sao giáo viên vẫn tỏ ra ngại ngùng và lảng tránh những từ "nhạy cảm" trong giảng dạy về giới tính cho các em, bà Đặng Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng trường THCS Hoàng Liệt cho rằng trong môi trường sư phạm, giáo viên luôn được coi là người mô phạm trong mọi cử chỉ, lời nói nên việc ngại ngần này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bà Hà cũng thừa nhận: "Nếu tiếp tục lảng tránh và không tìm được một cách nói khéo léo hơn thì học sinh sẽ càng tò mò, sự tò mò này nếu không được giải đáp một cách thỏa đáng và đúng hướng thì sẽ rất dễ dẫn đến những sai lầm".

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.