Vụ ám sát Kennedy vẫn ám ảnh sau gần 50 năm

30/10/2010 23:44 GMT+7

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, vụ việc vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận Mỹ và thế giới.

Tháng 11 này, nước Mỹ sẽ kỷ niệm 50 năm ngày John F.Kennedy đắc cử tổng thống thứ 35 (8.11.1960) và 47 năm ngày ông bị ám sát (22.11.1963). Trong những tuần sắp tới, hình ảnh ông Kennedy và gia đình sẽ lại tràn ngập báo chí Mỹ và sẽ lại có những bài viết hồi tưởng về ông cũng như về vụ ám sát chấn động thế giới ở Dallas năm nào. Chắc chắn, dư luận Mỹ sẽ không thể không nhắc đến Lee Harvey Oswald, kẻ cho đến nay bị coi là thủ phạm một trong những vụ việc không bao giờ phai mờ trong lịch sử.

Nhưng có một người mà ít ai từng nghe nói đến: người suýt nữa có thể thay đổi lịch sử Mỹ trước cả Oswald. Tên ông ta là Richard Pavlick và đây là người đầu tiên bị bắt vì âm mưu ám sát ông Kennedy chỉ một tháng sau khi ông vừa đắc cử.

Nghi phạm 73 tuổi

Ngày 16.12.1960, một bản tin của AP phát đi từ West Palm Beach, bang Florida cho biết một nhân viên bưu chính về hưu “bị tống giam với cáo buộc âm mưu sát hại Tổng thống đắc cử Kennedy”. Bản tin viết: “Cơ quan mật vụ đã buộc tội Richard Pavlick, 73 tuổi, âm mưu đánh bom tự sát nhằm vào ông Kennedy”.  Pavlick bị bắt tại Palm Beach ngày 15.12.1960 cùng chiếc xe hơi chứa đầy thuốc nổ. Khi đó, ông Kennedy cùng phu nhân Jacqueline, con gái Caroline, và con trai John Jr. đang ở ngôi biệt thự của gia đình ở Palm Beach, chuẩn bị cho việc nhậm chức vào đầu năm sau.

Theo đài CNN ngày 24.10.2010, do Pavlick không ra tay vào ngày ông ta bị bắt nên câu chuyện không trở thành tin tức gây chú ý ở Mỹ. Thông báo về vụ bắt giữ Pavlick trùng với vụ 2 máy bay đụng nhau trên bầu trời thành phố New York, làm thiệt mạng 134 người. Đây mới là thông tin chiếm trang nhất của các tờ báo và đứng đầu trong các bản tin phát thanh và truyền hình khi đó.

Thật ra, vụ việc nghiêm trọng hơn bề ngoài nhiều và hầu hết giới truyền thông khi đó không biết rằng Pavlick đã tiến sát đến việc sát hại ông Kennedy như thế nào.

Câu chuyện hoàn chỉnh về âm mưu đầu tiên nhằm vào ông Kennedy chỉ được làm rõ trong những ngày sau đó. Pavlick, cư dân của bang New Hampshire, sống cô đơn trong tâm trạng bất mãn chính quyền và xã hội. Ông dành phần lớn thời gian viết thư sinh sự với các nhân vật công quyền và báo chí Mỹ. Theo Time, “một ngày trong tháng trước (tháng 11.1960 - NV), Richard Pavlick quyết định làm một cái gì đó gây chấn động và ông ta quyết định sát hại tổng thống đắc cử. Ông ta mua 10 khối thuốc nổ, một số dây mồi nổ và dây điện và bắt đầu theo dõi ông Kennedy. Ông ta dò xét cẩn thận căn biệt thự ở Hyannis Port, khảo sát căn nhà ở Georgetown và đến Palm Beach”. Time dẫn lời Pavlick: “Tiền của gia đình Kennedy đã mua Nhà Trắng cho ông ta. Tôi muốn dạy cho nước Mỹ biết rằng chức tổng thống không phải để bán”.

Thế nhưng vẫn còn một thông tin không được công bố khi đó và sau này do một quan chức cao cấp của mật vụ Mỹ tiết lộ: Ngày 11.12.1960, tức 4 ngày trước khi bị bắt, Pavlick lái xe đến nhà Kennedy trên đại lộ North Ocean ở Palm Beach. Ông ta cầm một công tắc nối với những khối thuốc nổ “đủ làm nổ tung một quả núi nhỏ”. Kế hoạch của Pavlick là đợi chiếc Limousine của Tổng thống đắc cử Kennedy rời nhà đi lễ, đâm vào xe của ông và kích hoạt thuốc nổ đã được chuẩn bị sẵn.

Điều gì đã ngăn chặn Pavlick?

Ông Kennedy khi đó không rời nhà một mình. Cùng đi với ông có bà Jacqueline, Caroline và John Jr., Pavlick sau đó khai với các nhà điều tra rằng ông không muốn làm hại bà Jacqueline và bọn trẻ. Ông ta chỉ muốn giết ông Kennedy.

Theo báo New Statement, khi đề ra kế hoạch đánh bom tự sát, Pavlick đã không tính đến vợ con của ông Kennedy. Thế nên khi thấy có phụ nữ và trẻ con trong xe, Pavlick hoãn thực thi kế hoạch, chờ hết cơ hội này đến cơ hội khác. Ông ta quay trở lại đại lộ North Ocean nhiều lần. Tổng cộng, Pavlick đã đậu xe trên con đường này trong 5 ngày. “Điều này nói lên tất cả những gì bạn cần biết về hiệu quả của đội mật vụ được cho là đang bảo vệ JFK (chữ viết tắt tên ông Kennedy)”, cây bút Philip Kerr của báo New Statement viết hồi năm 2000.


Joseph Adams Milteer (hướng mũi tên) xuất hiện ngay thời điểm Tổng thống Kennedy bị bắn  Ảnh: Theintelligence.de

CNN cho biết trong những ngày Pavlick chờ đợi cơ hội ra tay ở Palm Beach, một trưởng bưu cục ở New Hampshire, bực mình với những tấm bưu thiếp kích động mà Pavlick gửi cho chính quyền, đã báo động cho cơ quan mật vụ về ông ta. Từ biển số xe của Pavlick, nhà chức trách phát hiện ông ta đang ở Palm Beach và bắt giữ ông. “Tôi đã có ý tưởng điên rồ là muốn ngăn ông Kennedy trở thành tổng thống”, Pavlick nói với các nhà báo tại nhà tù nơi ông ta bị giam giữ. Pavlick sau đó bị đưa vào một bệnh viện tâm thần tại Springfield, bang Missouri. Sau nhiều lần chuyển viện, Pavlick được thả vào năm 1966 và qua đời vào năm 1975. Cho đến nay, không có hình ảnh nào được lưu giữ về con người suýt gây chấn động hồi năm 1960.

Vài năm sau khi âm mưu của Pavlick bị phanh phui, nhà báo Robin Erb đã viết trên tờ The Blade: “Nếu Pavlick thành công, vụ ám sát (Tổng thống Kennedy) của Oswald và việc nghi can này bị Jack Ruby sát hại sau đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu ông Kennedy bị giết, ông Lyndon B.Johnson sẽ nhậm chức tổng thống vào tháng 1.1961. Ông ấy sẽ xử lý ra sao với chiến tranh Việt Nam, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và phong trào dân quyền ở miền nam nước Mỹ?”.

Nghi vấn mới

Pavlick đã không “làm nên lịch sử” nhưng có thật Oswald đã ra tay với vị tổng thống thứ 35 của Mỹ theo kết luận của Ủy ban Warren hồi năm 1964 hay không?

Hồi tháng 8.2010, Don Adams, một nhân viên về hưu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Summit County, bang Ohio, nói với đài Fox News rằng Oswald không phải là thủ phạm. Adams khẳng định ông có bằng chứng để chứng minh tuyên bố của mình.

Theo Fox News, Adams lưu giữ hàng ngàn báo cáo và hồ sơ của Cơ quan Lưu trữ quốc gia. Tên ông xuất hiện trong nhiều văn bản, nhưng ông cho biết còn nhiều báo cáo khác đã bị chỉnh sửa hoặc thất lạc. Cựu binh lục quân Adams gia nhập FBI sau khi phục vụ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông được huấn luyện ở Washington DC và Quantico, bang Virginia rồi được điều đến văn phòng của FBI ở Thomasville, bang Georgia.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Adams là điều tra một phần tử cực hữu có liên hệ với tổ chức phân biệt chủng tộc Klu Klux Klan (KKK) tên là Joseph Adams Milteer. Kẻ này là đối tượng mà Adams cho là “một trong những tên bạo lực nhất nước”. Trong quá trình theo dõi, Adams phát hiện Milteer đứng trong đoàn người ở Dallas ngay thời điểm Tổng thống Kenndy bị bắn. Sau đó, đặc vụ này tiếp tục theo dõi nghi phạm nhưng cuộc điều tra bất ngờ bị bãi bỏ.

Vài năm sau, trong khi tìm kiếm tài liệu lưu trữ, Adams biết được Milteer đã dọa giết Tổng thống Kennedy vào ngày 9.11.1963, chỉ vài tuần trước vụ ám sát và rằng các nhân viên FBI đã nói dối về hành tung của Milteer sau khi biết về lời đe dọa của y. Ông Adams có một đoạn băng trong đó Milteer xác nhận với một tay trong của FBI rằng kế hoạch giết tổng thống bằng súng trường từ một cao ốc văn phòng “đang được chuẩn bị”. Ông cũng lưu một hồ sơ trong đó Milteer khẳng định sau vụ ám sát rằng y không hề nói đùa.

Adams đặt nghi vấn tại sao Milteer có thể tự do đến Dallas và còn xuất hiện trong tấm ảnh gần xe Limousine của Tổng thống Kennedy trước khi ông bị bắn chết và tại sao nó không được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Warren. Adams khẳng định có tới 11 phát đạn được bắn ra chứ không phải 3 phát như báo cáo điều tra. Khi ông báo chuyện này với cấp trên, ông nhận được cảnh báo: “Hãy cẩn thận với những gì mình nói”. Ngoài ra, Adams cho hay nhiều nhân chứng nói họ thấy Oswald đang ngồi ăn khi vụ ám sát xảy ra. Khi Adams đề cập vấn đề này, ông một lần nữa bị “bịt miệng”.

Hiện, người đàn ông 80 tuổi đang tiến hành đưa tất cả hồ sơ và tài liệu có được vào một cuốn sách và sẽ sản xuất một bộ phim tài liệu để nói lên sự thật về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Mục đích của ông là muốn Chính phủ Mỹ thành lập một ủy ban khác để điều tra lại cái chết của vị tổng thống thứ 35.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.