Tài tử chơi chim

22/10/2009 16:46 GMT+7

(TNTS) Đêm. Nhạc xập xình xen giữa tiếng kêu hoang dại phát ra từ máy hát của dân bắt chim rừng như xé toang bóng tối đặc quánh trên cánh đồng lênh láng ở vùng biên. Nằm trong căn nhà lá, Ba Dân tặc lưỡi: “Tụi nó đi làm ăn nữa rồi, bắt kiểu này con gì chịu nổi…”.

Mê mải chim rừng

Cái “lụp” cũ kỹ treo trên vách lá, mấy con cu đất “mồi”, đôi chích “cồ”, con cúm núm “cườm”… là tài sản hiện hữu có giá trị lớn nhất trong nhà của Ba Dân, căn nhà xập xệ nằm bên con đê ngăn lũ thuộc ấp Mẹt Lung, Vĩnh Phú (H.Kiên Lương, Kiên Giang). Mấy tháng trước, “tài sản” của anh còn có thêm đôi trích “cồ” khác, mà anh nói rằng mình rất “cưng”. Ba Dân kể như thể đang khoe đứa con của mình vừa bập bẹ nói câu gì đó hay ho: “Đợt mấy anh công an xã ghé nhà chơi, tôi “vỗ” nhạc lên là chúng tung cánh nhảy múa, mấy ảnh khoái quá trời!”.

Rằng, đôi chim chích này dạn dĩ với người còn hơn con chó, con mèo trong nhà. Anh ít khi nhốt chúng trong lồng, mà thả cho đi kiếm ăn ven bờ sông như nuôi gà vậy. Rồi một chiều chạy xe ôm về, anh không thấy đôi chim đâu nữa. Ba Dân tặc lưỡi tự trách. Anh biết đôi chim rừng này không bỏ chủ, mà có lẽ do chúng gặp người lạ chẳng tránh, nên bị người ta bắt mất. Bây giờ, anh còn lại đôi trích khác, cũng nuôi lâu năm, nhưng lại quá “hung hăng”, khi thả khỏi lồng là chúng lập tức tấn công chó, gà, thậm chí lao bổ vào người lạ. Ba Dân nói, vì vậy mà anh không dám thả chúng ra ngoài.

Một vùng đất rộng chạy dài dọc gần biên giới với Campuchia thuộc xã Vĩnh Điều, Vĩnh Phú (Kiên Giang), Vĩnh Gia (An Giang) có nhiều người nhập cư đến tìm sinh kế. Người ta nói đây là xứ cơ cầu, đất rộng, người thưa, dân lao động chân tay đến đây “siêng làm thì không sợ đói”. Ba Dân cũng xuôi về theo dòng người đó. Người ta ít quan tâm đến quá khứ của anh. Chỉ biết rằng anh xe ôm này có cá tính khẳng khái, thích chơi chim rừng. Chị Khuyên, vợ anh Dân kể: vì cuộc mưu sinh, mẹ con chị theo anh bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề, nhưng tới đâu anh đều phải mang theo những con chim cưng của mình, như thể chúng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. 

Ba Dân mê chim rừng đến mức, lúc từ Kiên Giang chạy xe máy về Cà Mau, trên đường qua vùng rừng U Minh Thượng, thấy người ta bắt được con cúm núm “cườm” (có mồng như gà), anh rề lại hỏi mua giá 2 triệu rưỡi, trong khi cúm núm thường, ở các chợ nhóm, người ta bán chỉ 120.000 đồng/ký. Nhưng lần này, Ba Dân gặp phải người biết chơi chim rừng, người chủ  nhất quyết không bán con cúm núm với bất cứ giá nào. Vậy mà lần sau có tiền trong túi, anh lại trở lại tìm gặp… vợ của anh ta. Sau khi bị làm công tác “vợ vận”, người chủ chim miễn cưỡng bán lại con chim cưng cho anh xe ôm Ba Dân. Chị lắc đầu “nhà nghèo mà chơi sang kiểu đó!”.

Nói vậy, nhưng lúc quá khó khăn, “nghề” chim này cũng giúp cho gia đình Ba Dân đắp đổi qua ngày. Dàn chim cu, chích cồ, cúm núm “cườm” của Ba Dân đã giúp bắt được nhiều chim hoang… Ba Dân tâm sự anh nuôi chim chủ yếu là để nghe chúng hót, “nhiều con hót nghe mê hơn là ca sĩ”, nhưng có khi thắt ngặt, anh từng mang chúng ra đồng, lên rừng dụ bắt chim đồng loại để bán. Qua thời đó, chị Khuyên lắc đầu, “mình phải chăm sóc lại chúng như mắc nợ phải trả vậy”. “Đây là đam mê, tôi không sống bằng nghề này”, Ba Dân nói như không phải để phân bua. Bởi, rồi đến mùa nước nổi, qua mùa chim thay lông, khi chim rừng về đồng kiếm ăn, khi chim đồng phải di trú lên vùng đất cao, những tiếng nhạc, những tiếng kêu không ngớt từ amply, cassette của dân bắt chim chuyên nghiệp dẫn dụ chim vào lưới, lại khuấy động suốt đêm này qua đêm nọ. Nghe tiếng kêu, lũ chim “mồi” của nhà Ba Dân lại háo hức cả đêm. Ba Dân nói nhiều đêm anh không ngủ được, khi lại “ngứa” nghề, khi thấy xót xa, khi vì tiếng rạo rực của lũ chim trong nhà… đáp lại tiếng máy lạnh lùng, rình rập.

“Cơm, ghe, bè, bạn”

“Chơi chim rừng là thú tiêu dao, nhưng cũng có người bắt chim chỉ để kiếm tiền”, trong căn chòi ọp ẹp, người đàn ông với vẻ cằn cỗi, chất phác nói say sưa về một thú chơi không chỉ dành cho người nhiều tiền. Nghèo xác xơ, nhưng tri kỷ của Đặng Liên Tùng lại là những người khấm khá, sở hữu những con chim trị giá có thể cất được… vài chục cái chòi giống như căn chòi của anh. Tùng bảo, ông “bạn già” của anh ở TP.HCM còn sưu tập dàn chim rừng chục triệu bạc mỗi con, thậm chí hơn thế nữa. Thỉnh thoảng, ông này lại đánh xe hàng trăm cây số xuống thăm anh, hoặc hẹn hò lên rừng nghe cu hát. Người ta thương Tùng vì anh lành tánh và cũng vì anh rất có nghề bắt chim rừng, nhưng không hề kiếm tiền bằng nghề này.

Thật không phải khi những giá trị tinh thần lại phải quy ra tiền, nhưng anh thợ cắt lúa mướn này nói anh còn mấy con cu đất treo trong những căn nhà sàn phía trên xóm, hay ngay con cúm núm cứ lăm lăm “vũ” vào bất cứ vật gì tới gần, nếu bán đi anh sẽ cất được căn nhà to hơn. So với con cúm núm mà Ba Dân vất vả mua, thì con này lại quý hơn nhiều: thân hình giọt mưa, cườm to, ngực nở…

 
Con cúm núm quý ở nhà anh Đặng Liên Tùng

Tùng nói, lên rừng một chuyến, mình có thể gặp rất nhiều loại, từ cúm núm, chằng nghịch, ốc cao cho đến gà rừng, chích chòe… anh đều có dụng cụ để bắt. Nhưng “bắt chúng thì dễ, mà hiểu chúng mới là khó”, Tùng nói những chuyến lên rừng của mình không phải chỉ để bắt chim. Có những lúc đi thật xa, xa tận những cánh rừng già bên kia biên giới, để tìm chim hay, đặc biệt là cu rừng.  Mà đi rừng không ai đi một mình cả, phải có bạn hợp tánh, cùng sở thích, phải chuẩn bị lương thực, nước uống. Tóm lại, phải có “cơm, ghe, bè, bạn” thì lên rừng mới vui.

Vào căn nhà của thầy giáo Đặng Liên Diễn, nằm kề bên trường Tiểu học Vĩnh Gia, khách như ở trong một thế giới hợp xướng của cu đất. Bắt nhịp cho từng con hót theo điệu thúc, kèm, bo, dập, chủ nhà say sưa: “Hay hơn nghe nhạc sống nhiều phải không?”. Anh Diễn kể, từ lúc nhỏ, anh em của anh thường đánh xe bò chở ông nội vào rừng gác cu. Ban đầu là đi theo chơi, sau “cảm” được tiếng của cu đất  rồi “nghiện” lúc nào không hay. Lấy cho tôi xem cái lụp (cái bẫy nhốt cu mồi, để cho cu rừng nghe tiếng kêu mà chui vào) có tuổi thọ 60 năm, anh Diễn khoe đó là kỷ vật của ông nội để lại cho anh em nhà anh. Cái lụp có “cầu lụp” bằng lỏi của cây me rừng trăm tuổi, được chạm trổ rất kỹ. Cả họ nhà anh, giờ chỉ có anh và anh Tùng là “mê” chim rừng, cái “nghề” không phải lúc nào cũng làm ra tiền. Bây giờ người ta nghĩ ra nhiều cách để bắt chim rừng thật nhanh, thật nhiều.

Chưa nói đến các kiểu bắt chim bằng tiếng nhạc, chỉ riêng gác truyền thống thôi cũng đã có nhiều kiểu bẫy khác nhau, như treo cái “tòn ten”, cái “rỏ rẻ” cùng cội, cùng cây, khi “bổi nhập tàn” (chim rừng sa vào tàn cây có chim mồi), chậm nhất 30 phút là bắt được, thậm chí loại bẫy như “lụp nhảy” (bẫy chân) còn bắt nhanh hơn, thời gian chỉ bằng rít hơi thuốc lá. Nhưng những “cao thủ” ở vùng biên này thường đi rừng với “lụp bò” (một loại bẫy có cửa thật hẹp, cu rừng nghe tiếng cu mồi tìm tới, phải rất khó khăn mới chui được vào bẫy, có khi không vào được). Trong thời gian đôi cu gặp nhau, chúng sẽ ra sức gáy, gáy “hết nước” (nhiều bài, nhiều điệu). Người gác phía dưới tha hồ thưởng thức những cung bậc rừng sâu, nghe sướng tai… Dù rằng cả ngày, cả tuần, có khi vài năm họ cũng không bắt được con cu nào hay ra trò. “Như thế cũng thỏa lắm rồi.

Nếu nghĩ vào rừng kiếm cơm thì không thể nào thưởng thức được rừng hay thế nào”, anh chàng nông dân thảnh thơi nói về những chuyến đi rừng. Những chuyến đi đã ít dần, vì lệnh cấm, vì bận bịu sinh kế, vì thiếu bạn tri âm… Lần gần nhất gặp tôi, Tùng hớn hở, anh “bạn già” của anh gọi báo sắp xuống. Mấy ngày nay, anh lại “o” chim để chuẩn bị cho một chuyến “cơm, ghe, bè, bạn”…

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.