Kinh nghiệm đi ăn tiệc cưới ở Sài Gòn

24/09/2005 20:48 GMT+7

Một người bạn của tôi từ ngoài Bắc vào TP.HCM sinh sống, đã tỏ thái độ rất bức xúc sau khi đi dự một đám cưới của đồng nghiệp mới: "Đám cưới ở đây lạ thật! Đến đúng giờ như trong giấy mời mà phòng cưới vắng hoe!". Mấy người bạn bèn cười to: "Đúng là ông chưa có kinh nghiệm đi ăn tiệc cưới rồi! Giờ giấc đám cưới trong này "dây thun" lắm đó!". Thì ra, đi "ăn cỗ" cũng phải cần có chút kinh nghiệm...

Nếu lần đầu tiên đi ăn cưới chắc bạn cũng sẽ có cảm giác hồi hộp và chờ đợi: mất cả tuần để "tư duy" về trang phục, kiểu tóc, giày dép, nhất là đối với phái nữ. Đến ngày đã định, cầm tấm thiệp mời thơm nức trong tay, chỉ sợ mình bị kẹt xe đến trễ thì phiền cho gia chủ quá... Thế nhưng, không ít người khi hăm hở tới nơi thì bị chựng lại vì đến đúng như thời gian trong thiệp mời song hội trường vắng hoe. Nhiều người đã kể rằng, không ít lần họ đến đúng giờ nhưng chẳng thấy cô dâu chú rể đâu, khiến phải chột dạ, không biết mình có nhầm giờ hay không... Người bạn tôi kể, anh đã phải... ngồi dài cổ đợi cô dâu, chú rể và quan khách. Cặp uyên ương dù đến trễ so với giờ đã định song vẫn phải đứng chồn chân mỏi gối để đón khách, mọi người đến rất thưa thớt. Cô dâu đi giày cao gót thỉnh thoảng phải ngồi xuống ghế và... lén thò tay xoa gót chân cho đỡ mỏi. Một phù dâu thỉnh thoảng dùng khăn mùi xoa chấm mồ hôi trên cổ cô dâu, cố chỉnh trang để khỏa lấp vẻ mệt mỏi do chờ đợi... Cuộc đón tiếp dềnh dàng, mất hơn 2 tiếng đồng hồ sau buổi lễ mới được chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, còn rất nhiều bàn trống. Nhưng kỳ lạ, sau màn phụt kim tuyến, rót champagne, các tiết mục văn nghệ và quan viên hai họ chúc tụng nhau xong, đúng tới khi tiệc được dọn ra, thì dân tình mới ồ ạt kéo đến, trong nháy mắt đã "lấp" kín hết các bàn còn trống.

Anh bạn nhẩm tính: tổng cộng anh đã mất gần 5 tiếng đồng hồ cho đám cưới, trong đó gần 3 tiếng ngồi chờ đợi các quan khách. Khổ nhất là cô dâu, trong trang phục váy áo cồng kềnh, hẳn là sẽ rất mệt mỏi khi phải chôn chân ở cổng chờ đợi khách khứa trong thời gian dài.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, hai người bạn của tôi đều từ ngoài Bắc vào lập nghiệp trong TP.HCM, yêu nhau và tổ chức đám cưới tại một khu du lịch. Họ cũng chẳng có nhiều bạn bè lắm, có tất cả khoảng 25 bàn. Đám cưới tổ chức vào 5 giờ chiều, chúng tôi là những người tới đầu tiên. Đến 7 giờ mà khách khứa rất thưa thớt. Cô dâu suýt khóc vì tủi thân, tưởng bạn bè bỏ rơi đôi uyên ương lạ lẫm nơi đất khách. Hai người hết đứng lại ngồi, lòng như lửa đốt, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên nét mặt họ. Phấn son trên mặt cô dâu đã bệch bạc đi rất nhiều sau mấy tiếng chờ đợi trong lo lắng, thấp thỏm. Tới 8 giờ tối, hôn lễ mới được cử hành. Lúc đó, cô dâu, chú rể, họ hàng thân thuộc và những người khách đến sớm đã mệt rã rời vì chờ đợi. Đám cưới tự nhiên kém phần hào hứng. Cô dâu sau đó phải hoãn tuần trăng mật vì bị ốm, riêng đôi chân nén hàng giờ liền trong đôi giày cao gót đã bị sưng phồng...

Không biết tự bao giờ người Sài Gòn gọi thời gian đám cưới là "giờ dây thun". Ngó thiệp mời hôn lễ cử hành vào 5 giờ chiều thì họ trừ phắt đi 2 - 2,5 tiếng: 7 giờ tối đủng đỉnh xách xe đi là vừa. 

Hầu hết mọi người đều phàn nàn về cái tệ co giãn và... xê dịch trong giờ giấc đám cưới Sài Gòn. Nhưng hầu hết mọi người, dù than hay không, đều tự rút ra bài học "trừ hao" giờ giấc. Vì thế, đi đám cưới trễ gần như đã thành lệ ở thành phố này. Nhiều người bực bội nhận xét: "Đi đám cưới trễ là hành động không tôn trọng bạn bè, một hành vi thiếu văn hóa. Chính vì cứ phải chờ đợi lẫn nhau đã trở thành một sự lãng phí rất lớn về thời gian". Khi đó, những người đi trễ hầu như chỉ có mục đích quan trọng nhất là có mặt để... ăn hơn là để chúc tụng hạnh phúc cho đôi uyên ương. Còn về phía nhà hàng, họ cũng phải có sự điều chỉnh đối với nhà bếp để có các món ăn nóng vừa chín tới cho các thực khách. Một chủ nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới ở đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, lúc đầu khi mới làm công việc tổ chức tiệc cưới, nhà hàng thường bị khách phàn nàn là đồ ăn không ngon. Sau đó, anh mới tìm ra nguyên nhân là vì đồ ăn nấu đúng giờ và phải để không 3, có khi là 4-5 tiếng đồng hồ, trước khi được dọn tiệc nên đã mất đi sự đậm đà...

Bây giờ người Sài Gòn khi nói đến ăn tiệc cưới cũng đều tự nói về "kinh nghiệm" đi trễ để khỏi lãng phí thời gian. Vì vậy, đến nay, chính các cặp uyên ương cũng phải tự trừ hao thời gian để họ đỡ phải mệt mỏi trong việc đợi chờ các quan khách. Và như vậy, mọi người đều... tự hài lòng, trừ những khách khứa lần đầu tiên đi ăn cỗ cưới ở Sài Gòn (!).

Sông Hàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.