Mỹ phẩm Việt “lép vế” trên sân nhà

10/12/2009 00:25 GMT+7

(TNO) Sáng 9.12, hội thảo “Người Việt dùng mỹ phẩm Việt an toàn” do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hiệp hội Mỹ phẩm TP.HCM tổ chức đã thu hút đông đảo đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng tham gia. Hội thảo nhằm tìm lời giải cho câu hỏi vì sao mỹ phẩm Việt quá “lép vế” trên sân nhà?

Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu (Hội Bảo vệ người tiêu dùng), hiện các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc nước ngoài chiếm 90% thị phần tại VN. Ở phân khúc hàng cao cấp, mỹ phẩm Việt chưa thể cạnh tranh với mỹ phẩm ngoại. Vì thế, phân khúc thị trường cho mỹ phẩm Việt là trung bình và thấp. Do thiếu đầu tư kinh phí quảng bá sản phẩm nên mỹ phẩm Việt chưa tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng, nhất là tầng lớp trung lưu.

Bà Nguyễn Kim Thoa - Chủ tịch Hiệp hội mỹ phẩm TPHCM - cho rằng tuy có nhiều cố gắng cải tiến công nghệ nhưng phần lớn DN mỹ phẩm trong nước thuộc diện vừa và nhỏ nên công nghệ khá khiêm tốn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Có không nhiều thương hiệu nội địa đến được với người tiêu dùng như kem nghệ Thorakao, nước hoa Sài Gòn, Cindy, Miss Saigon, dầu gội Fresh…

Theo bà Thoa, sự phát triển ngày càng mạnh của các DN mỹ phẩm nước ngoài tại VN với nhiều sản phẩm chất lượng cao, kênh phân phối rộng khắp, quảng bá mạnh đã khiến mỹ phẩm Việt dù có chất lượng không kém nhưng luôn mất lợi thế ngay sân nhà. Kết quả điều tra của tập đoàn Grey (Mỹ) cho thấy có đến 77% người tiêu dùng trong nước ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, trong khi đó con số này trung bình toàn châu Á là 40%.

Theo ông Hoàng Công Sơn - Chi cục Quản lý thị trường TP (QLTT), tình trạng đáng lo ngại hiện nay là trong khi nhiều người tiêu dùng sính hàng ngoại thì các loại mỹ phẩm giả ngoại, kém chất lượng, có độc chất, nhãn mác lập lờ tràn lan. Việc kiểm tra, xử lý chưa ngăn chặn hiệu quả. Mỹ phẩm nhập lậu nhiều nhất là từ Trung Quốc, thường là hàng chất lượng không rõ, nhái, giả các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài kể cả nhái, giả nhãn hiệu uy tín trong nước. Từ tháng 1-10.2009, QLTT TP xử lý 91 vụ vi phạm sản xuất kinh doanh mỹ phẩm với gần 1.650.000 sản phẩm dùng cho da, tóc, răng miệng. Hoạt động chống mỹ phẩm giả đang gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều DN chưa tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập.

Theo đại diện Sở Y tế, các DN sản xuất mỹ phẩm trong nước chưa thật sự quan tâm đến nâng cấp hệ thống sản xuất, thiếu vốn và thiếu chuyên môn. Các nhà sản xuất chưa chú trọng nâng cao chất lượng, công dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, Phó chủ tịch Hiệp hội tinh dầu - hương liệu mỹ phẩm VN, thẳng thắn: “VN là quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có nguồn tinh dầu, hương liệu từ thực vật khá phong phú, nhưng chưa được đầu tư khai thác trong sản xuất mỹ phẩm hiệu quả nên đã không đạt giá trị kinh tế như mong muốn”.

Một tiểu thương là bà Lưu Thị Thiên Hương (chợ Phạm Văn Hai) nói: “Qua nhiều năm buôn bán mỹ phẩm, tôi nhận thấy VN có nhiều mỹ phẩm chất lượng không thua hàng ngoại, nhưng mẫu mã thiếu sự đầu tư, chăm chút. Việc phân phối ở các kênh bán lẻ còn lơ là. Đây là sự bỏ ngỏ mà tôi cảm thấy thật sự tiếc”. 

     Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.