Tăng vốn, nỗi lo của các CTCK

26/12/2008 23:22 GMT+7

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi công văn yêu cầu các công ty chứng khoán (CTCK) báo cáo việc tăng vốn để duy trì điều kiện về vốn pháp định. Điều này khiến cho nhiều CTCK đứng ngồi không yên.

Không đủ vốn

Theo Nghị định số 14/2007 ban hành ngày 19.1.2007 quy định cụ thể về vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, môi giới chứng khoán thì vốn pháp định cần có là 25 tỉ đồng, tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỉ đồng, tự doanh chứng khoán là 100 tỉ đồng và bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỉ đồng. Để thực hiện cả 4 nghiệp vụ trên thì vốn pháp định phải là 300 tỉ đồng. Nhưng hầu hết CTCK đều đang có mức vốn pháp định thấp hơn nhiều so với mức quy định.

CTCK Hoàng Gia (ROSE) hiện chỉ có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng hoạt động bao gồm cả môi giới, tư vấn đầu tư và tự doanh. Hay CTCK Đà Nẵng (DNSC) cũng thực hiện đầy đủ cả 3 nghiệp vụ trên nhưng vốn chỉ 50 tỉ đồng. Nhiều CTCK khác chưa đủ vốn pháp định cho các nghiệp vụ đang hoạt động như CTCK Cao su, CTCK Phú Gia… Ngay cả một số CTCK lớn cũng chưa đủ vốn pháp định theo quy định, như CTCK Đại Việt hiện có vốn 250 tỉ đồng, thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ chứng khoán bao gồm cả bảo lãnh phát hành, tự doanh chứng khoán, môi giới và tư vấn đầu tư; CTCK Tân Việt có vốn 128 tỉ đồng…

Tình hình hiện khá căng bởi theo quy định, với những CTCK được thành lập trước khi Luật Chứng khoán ra đời thì thời hạn tăng vốn cuối cùng là ngày 1.1.2009. Riêng đối với các CTCK mới thành lập thì tùy theo số vốn đăng ký sẽ được cấp phép nghiệp vụ hoạt động tương ứng. Đa số các CTCK mới ra đời trong năm 2008 chỉ chọn 2 nghiệp vụ cơ bản là môi giới và tư vấn đầu tư.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc CTCK SJC - nhận định thị trường chứng khoán hiện nay chỉ tập trung vào môi giới và tư vấn đầu tư là chính. “Tự doanh thì khó có CTCK nào có lời. Còn bảo lãnh phát hành thì cũng đâu có doanh nghiệp nào thực hiện được khi nhà đầu tư không mấy mặn mà. Khi nào thị trường phát triển mạnh hơn thì chúng tôi sẽ thực hiện tăng vốn và xin bổ sung thêm nghiệp vụ cũng sẽ không muộn”, ông Tuấn nói. Đại diện CTCK Gia Quyền cho rằng trong tình hình thị trường hiện tại, việc không có nghiệp vụ bảo lãnh phát hành cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy công ty này chỉ thực hiện 3 nghiệp vụ môi giới, tư vấn và tự doanh với số vốn đăng ký là 135 tỉ đồng.

Cắt giảm nghiệp vụ kinh doanh

Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM có vốn dưới 50 tỉ đồng cho biết việc huy động vốn hiện nay để tăng vốn theo quy định rất khó. Nếu phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng thì trong tình hình thị trường hiện nay sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư tham gia. Ngay cả bản thân các cổ đông sáng lập cũng không mạnh dạn bỏ thêm vốn vào vì e ngại. “Bản thân công ty chúng tôi cũng có một lộ trình tăng vốn để đáp ứng được quy định.

Nhưng không ai ngờ được trong vòng 2 năm qua – thời gian quy định để các CTCK tăng vốn - thị trường sụt giảm mạnh như vậy. Do đó cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự thay đổi về chính sách cho phù hợp với thực tế của thị trường”, ông này nói. Ông cũng đề nghị nên hoãn thời gian tăng vốn theo quy định đến sau năm 2010. Bởi theo ông, khi đó kinh tế Việt Nam mới bắt đầu tăng trưởng mạnh và thị trường chứng khoán cũng sẽ ổn định. Việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ khả thi hơn hiện nay.

Đối với nhiều CTCK chưa đủ vốn, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và tự doanh sẽ được cắt giảm theo thứ tự ưu tiên. Thế nhưng, vướng mắc hiện nay nếu bỏ nghiệp vụ tự doanh thì những CTCK đã có danh mục chứng khoán đầu tư sẽ phải thực hiện như thế nào? Nhiều CTCK rơi vào trường hợp này khi được hỏi không đưa ra được giải pháp mà chỉ mong được hoãn thời gian tăng vốn. Một trong những hướng xử lý vấn đề này là các CTCK này ngưng tự doanh, không mua vào nữa mà chỉ bán ra danh mục CK đã có.

Theo đại diện một CTCK tại TP.HCM, nếu xử lý như vậy thì CTCK không thể cơ cấu lại danh mục đầu tư và bắt buộc họ phải bán ra. Khi thị trường đang yếu về thanh khoản thì áp lực bán ra đó cũng sẽ tác động không tốt đến cung cầu của thị trường. Riêng đối với vấn đề giải thể và sáp nhập thì có lẽ câu chuyện sẽ được bàn đến sau cùng vì sẽ không có CTCK nào muốn và các cổ đông cũng không mặn mà. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.