Công nhận để hòa giải

09/11/2010 01:19 GMT+7

Kế hoạch của Chính phủ Úc tiến hành trưng cầu dân ý về việc công nhận thổ dân thiểu số trong hiến pháp là nỗ lực mới nhằm hòa giải giữa người bản xứ và người nhập cư. Công nhận vị thế pháp lý của họ trong hiến pháp thì mới thực sự đảm bảo bình đẳng và đây là điều kiện không thể thiếu cho hòa giải dân tộc.

Có ba lý do chính khiến chính phủ của Thủ tướng Julia Gillard thúc đẩy quá trình hòa giải. Thứ nhất, dư luận bên ngoài sẽ không để yên cho chính quyền Canberra nếu người bản xứ thiểu số tiếp tục bị phân biệt đối xử.

Thứ hai, chỉ có hơn 550.000 người bản xứ, chiếm 2,7% dân số, nhưng tất cả những chỉ số về phát triển và thịnh vượng của họ đều thấp hơn nhiều so với người nhập cư. Tỷ lệ thất nghiệp và tội phạm, nghiện ma túy và bệnh tật lại rất cao. Thổ dân đã trở thành vấn đề về phát triển và xã hội ở Úc mà nếu không giải quyết sớm thì sẽ cản trở sự phát triển chung và uy tín của nước này.

Thứ ba, họ ít người vậy thôi nhưng cũng là diện cử tri không nhỏ cần được tranh thủ. Trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 8, đã có người bản xứ đầu tiên là ông Ken Wyatt được bầu vào Hạ viện, đánh bại cả ứng viên của Công đảng cầm quyền đảng Bảo thủ.

Sửa đổi hiến pháp để công nhận người bản xứ là chuyện không tránh khỏi nếu thực sự muốn hòa giải. Chỉ có thể hòa giải thực sự khi tôn trọng chứ không phải thương hại, khi bình đẳng chứ không phải phân biệt đối xử. Và chỉ nhờ hòa giải thì vấn đề dân tộc và sự hài hòa về văn hóa, lịch sử mới được giải quyết ở nước này.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.