Vi khuẩn có bị lão hóa?

02/11/2011 09:26 GMT+7

(TNO) Một tế bào vi khuẩn phân chia thành hai tế bào con và hai tế bào này lại phân chia thành bốn tế bào con khác... cứ tiếp tục như thế để rồi hình thành một quần thể vi khuẩn bất diệt. Nói cách khác, vi khuẩn không già đi - ít nhất không già như các sinh vật.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc ĐH California (Mỹ) vẫn thắc mắc về luận thuyết lâu đời này. Trong một báo cáo đăng trong số mới nhất của chuyên san Current Biology, họ kết luận rằng vi khuẩn thật sự có già đi, nhưng khả năng già đi cho phép vi khuẩn cải thiện sức mạnh tiến hóa của quần thể bằng cách đa dạng hóa việc “đầu tư sinh sản” giữa vi khuẩn già và những đứa con trẻ hơn của chúng.

“Sự lão hóa ở các sinh vật thường là hậu quả của việc tích lũy nhiều tổn hại, chẳng hạn như các protein bị ô-xy hóa theo thời gian”, giáo sư sinh học Lin Chao thuộc ĐH California cho biết.

Đáp án của các nhà nghiên cứu là các vi khuẩn để một tế bào con chịu nhiều tổn hại hơn - tế bào này đã “hóa già”, còn tế bào còn lại chịu ít tổn hại hơn nên ít già đi hơn, hiện tượng được các chuyên gia gọi là “sự trẻ lại”. Đây là kết quả phân tích từ máy tính mà Chao và các cộng sự đã thực hiện dựa trên hai cuộc nghiên cứu thử nghiệm vào các năm 2005 và 2010.

Mặc dù cuộc nghiên cứu năm 2005 cho thấy bằng chứng về sự lão hóa ở vi khuẩn nhưng cuộc nghiên cứu năm 2010 lại cho thấy vi khuẩn không già đi. “Chúng tôi đã phân tích các dữ liệu này từ cả hai cuộc nghiên cứu bằng mô hình máy tính và nhận thấy chúng cho kết quả tương tự. Trong một quần thể vi khuẩn, sự hóa già và sự trẻ lại xảy ra đồng thời, vì thế tùy vào cách đo lường, bạn có thể bị lạc hướng và cho rằng vi khuẩn không già đi”, chuyên gia Chao cho biết.

Theo báo Science Daily, trong một cuộc nghiên cứu riêng rẽ, các chuyên gia này đã quay phim các quần thể vi khuẩn E.coli đang phân chia thành hàng trăm thế hệ và khẳng định các tế bào con mới được phân chia phát triển chiều dài ở những tỷ lệ khác nhau. Điều đó cho thấy một tế bào con đã nhận tất cả sự tổn hại từ tế bào mẹ trong khi tế bào con còn lại chịu ít hoặc không phải bất kỳ sự tổn hại nào.

Nhóm nghiên cứu cho rằng dù vi khuẩn E.coli có thể phân chia chính xác thành hai tế bào con, nhưng việc phát hiện hai tế bào này có chiều dài khác nhau khi lớn lên cho thấy các vi khuẩn không phân chia đối xứng như đa số các nhà sinh học vẫn nghĩ, sự phân bào của chúng thật sự bất cân xứng trong tế bào.

“Nếu các vi khuẩn phân bào một cách đối xứng thì sẽ không có sự lão hóa. Nhưng do có sự bất đối xứng nên một tế bào con chịu nhiều tổn hại hơn sẽ già đi, còn tế bào con ít bị tổn hại sẽ trẻ lại”, ông Chao nhấn mạnh.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.