Định vị chuẩn mực blogger

30/10/2010 14:44 GMT+7

Đi cùng với sự phổ biến của Internet là sự phát triển mạnh mẽ của blog và mạng xã hội trên toàn cầu. Những web tương tác này giúp cư dân mạng có thể thiết lập mối quan hệ rộng khắp tại bất cứ nơi đâu trong thế giới ảo. Thế nhưng, ngoài những tiện ích trên, blog và các trang mạng xã hội đang trở thành công cụ phục vụ cho những đối tượng xấu gây nên những tác hại trong xã hội.

Những vụ tai tiếng

Giữa năm nay, sau vụ điều tra của Hội đồng châu u, cả thế giới giật mình trước thông tin đại dịch cúm A/H1N1 chỉ là sự thổi phồng của các hãng dược phẩm lớn trên thế giới nhằm đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ trong thời khủng hoảng kinh tế. Góp phần cho thông tin thổi phồng này là các trang mạng xã hội được lập ra dưới hình thức phổ biến thông tin về đại dịch cúm, gây hoang mang cho hàng triệu triệu người dân.

Cũng thông qua những trang mạng xã hội, những vụ tự tử tập thể ngày càng trở nên phổ biến tại một số quốc gia, trong đó có Anh, Trung Quốc, Nhật Bản… Họ hưởng ứng lời kêu gọi của thế giới ảo để cùng tham gia những “trò chơi” gây cảm giác mạnh như tự hành hạ thể xác của mình bằng việc rạch tay chân, uống thuốc ngủ quá liều hoặc lập ra những hướng dẫn chỉ tường tận cách tự tử như thế nào. Còn trong thế giới blog, nơi các blogger có thể tự do bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình ngày càng xuất hiện những thông tin không lành mạnh, chưa được kiểm chứng.

Tại Trung Quốc vừa xảy ra vụ xét xử blogger gây nhiều tranh cãi Tống Tổ Đức, người chuyên đưa thông tin chuyện hậu trường của các sao Trung Quốc. Tòa án Bắc Kinh tuyên án Tống phạm tội phỉ báng, bôi nhọ và phải bồi thường cho một diễn viên bị anh ta đưa thông tin sai lệch trên blog cá nhân trên 100.000 NDT (15.000 USD).

Ở nhiều nước khác, cũng xảy ra nhiều vụ bắt giữ, xét xử phạt tiền blogger. Đầu năm nay, tòa án Ai Cập đã kết án 3 năm tù đối với blogger Suleiman, 22 tuổi với tội phỉ báng đạo Hồi và 1 năm tù về tội phỉ báng tổng thống.

Tại Mỹ, Công ty Internet Traffic-Power đang khởi kiện một blogger vì những bình luận của độc giả viết trên blog của anh ta, trong đó có những bình luận, theo Traffic-Power, tiết lộ bí mật thương mại. Nhiều ngôi sao Hollywood cũng đâm đơn kiện một số trang blog đăng tải thông tin, hình ảnh của họ mà không được sự cho phép của chủ nhân bức ảnh cũng như những bình luận, thông tin sai lệch về họ.

Ở Ý, nổi lên vụ blogger 59 tuổi Roberto Mancini bị phạt 16.900 USD vì tội phỉ báng những tờ báo địa phương với những từ ngữ chế nhạo, thô lỗ. Năm 2008, giới showbiz Hàn Quốc cũng chấn động với sự kiện Choi Jin Sil, nữ diễn viên tài năng của “xứ kim chi” đột ngột tự tử vì không chịu được sức ép được nảy sinh từ những thông tin bôi nhọ cô của một blogger tên Baek. Blogger này sau đó đã bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ.

Đạo đức cho blogger

Hiện nay, không thể phủ nhận việc thông tin lan nhanh trong thế giới ảo với tốc độ nhanh chóng thông qua các trang mạng xã hội và blog. Chính những trang web phổ thông có tính tương tác với người vào trang là nơi phát sinh ra nhiều nguy cơ cho những người nổi tiếng, thông qua các bình luận nặc danh mang tính đả kích nhiều hơn xây dựng. Hiện nhiều người vẫn quan niệm “blog là nhật ký của riêng tôi nên tôi có quyền làm gì thì làm”. Chính vì thế, những thông tin không lành mạnh, chưa được kiểm chứng vẫn xuất hiện nhan nhản trên blog.

Trước sự xuất hiện những thông tin sai lệch trên blog ngày càng nhiều, trang web CyberJournalist của Mỹ đã đưa ra “Bộ chuẩn mực đạo đức blogger” dựa trên các nguyên tắc đạo đức của báo chí. Sau khi bộ chuẩn mực được đăng tải đã xuất hiện nhiều thông tin trái chiều. Nhiều blogger cho rằng họ không cần thiết tuân theo một chuẩn mực nào cả, vì họ không phải là nhà báo. Nhưng với những blogger có trách nhiệm, họ hiểu rằng họ đang cần đảm bảo những yêu cầu về mặt đạo đức.

Chuẩn mực đầu tiên mà CyberJournalist đưa ra cho các blogger là trung thực và công bằng trong việc thu thập, dịch và đăng tải thông tin. Không đưa thông tin sai lệch về một sự kiện hay một nhân vật. Không sao chép thông tin và ý tưởng của người khác nếu chưa được cho phép, phải trích dẫn nguồn tin đáng tin cậy. Nên đặt nguồn tin ngay cạnh đầu đề bài viết...

Khi đăng tải một nội dung thông tin liên quan đến một nhân vật, điều bắt buộc phải luôn nghĩ cho người khác. Một blogger có đạo đức là người tôn trọng nguồn tin, nhân vật trong bài viết và người đọc. Chính vì vậy blogger cần phải hạn chế tối đa sự nguy hại với những người có liên quan, phải tôn trọng chuyện riêng tư của người khác, chỉ được đăng khi có sự cho phép của họ. Biết chịu trách nhiệm, thừa nhận và sửa sai một cách nhanh chóng, kịp thời. Giải thích, bình luận, tranh luận đúng mực, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức. Bên cạnh đó phải biết vạch trần và dẹp bỏ những cuộc tranh luận thiếu lành mạnh, những tranh luận nhằm mục đích xấu và về đời tư của người khác, không để nhà quảng cáo, nhà tài trợ chi phối nội dung của blog...

Biện pháp

Để đối phó, tại nhiều nước trên thế giới đã tăng gấp đôi lực lượng kiểm tra trực tuyến trên các cổng Internet nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những kẻ xúc phạm đời tư và phẩm giá người khác trên mạng. Hiện nay rất nhiều quốc gia đã và đang có ý định quản lý blog, họ đưa ra những quy định về đạo đức mà các blogger bắt buộc phải chấp hành.

Tại Hàn Quốc, Ủy ban Thông tin Hàn Quốc (KCC) ban hành quy định những người sử dụng Internet sẽ bị buộc phải công bố danh tính thật khi post các bình luận lên mạng hoặc tham gia các cuộc thảo luận trên những trang web phổ thông. Điều này có nghĩa người vào mạng phải đánh máy số đăng ký nơi cư trú hay số chứng minh nhân dân. Hệ thống kiểm tra lý lịch đã can thiệp vào 37 trong số các cổng vào Internet lớn nhất nước, có số lượt truy cập hơn 200.000 mỗi ngày một cổng. KCC cho biết sẽ mở rộng việc kiểm tra đến cả những cổng có hơn 100.000 lượt truy cập.

Tại Trung Quốc cũng đã ban hành quy định, các nhà quản lý website phải tiết lộ danh tính blogger bị buộc tội tấn công ảo theo yêu cầu của cảnh sát hoặc nạn nhân đang tìm kiếm hành động pháp lý. Trung Quốc cũng yêu cầu các trang web mở dịch vụ blog phải có trách nhiệm “khuyến khích” người sử dụng đăng ký tài khoản dưới tên thật. Đây là thỏa thuận thứ hai của Trung Quốc về việc yêu cầu người sử dụng dùng tên thật khi đăng ký.

Trước đó, chính phủ nước này cũng ra những quy định tương tự cho những nhà cung cấp tên miền (domain) và host. Sau 2 thỏa thuận này Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có chính sách quản lý blog chặt nhất thế giới hiện nay. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì lượng người đang sử dụng mạng Internet tại đất nước tỷ dân này rất lớn, hơn 200 triệu người. Nếu để bất kỳ một thông tin kích động, phản động hay không hợp thuần phong mỹ tục lan truyền nhanh chóng, có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, blog và các mạng xã hội lại là một thế giới ảo khổng lồ, rất khó để kiểm soát được hoàn toàn. Vì vậy, nhận thức đạo đức của những người sở hữu blog và mạng xã hội mới là điều quan trọng nhất.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.