Đi tìm dấu vết bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những cánh rừng H’Re

18/11/2005 22:47 GMT+7

Kỳ 2: Tìm nơi chị Trâm ngã xuống Sau đêm trú lại ven đèo Ải, chúng tôi tìm đến UBND xã Phổ Cường rồi khom mình bước vào ngôi nhà nhỏ của chị Tạ Thị Ninh. Hồi chiến tranh, nhà bị lợp đi lợp lại cả chục lần do Mỹ đốt. Đây là điểm dừng chân của chị Đặng Thùy Trâm mỗi lần xuống núi, từng ghi sâu biết bao kỷ niệm. Sau một ngày kết nối, bàn bạc, phương án tìm đến nơi chị ngã xuống cách nay 35 năm được duyệt lần cuối và hôm sau chúng tôi xốc ba lô, lên đường...

 

Ngoài anh Võ Ngọc Ký, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường và chị Tạ Thị Ninh, nguyên y tá chiến đấu và là em kết nghĩa của chị Đặng Thùy Trâm, đoàn còn có những người từng khiêng thương và công tác tại vùng rừng núi Ba Tơ như ông Huỳnh Đình Thê, nguyên trưởng công an xã và ông Lê Sáu, nguyên y tá tổ điều trị phía sau - học viên của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở bệnh xá Hố Cao. Chăm lo hậu cần cho đoàn là anh Nguyễn Hữu Hòa, dân bám trụ trước 1975, nay lại trụ bám tại Hóc Nghì để phủ xanh 50 ha rừng đồi đèo Ải...

Lộ trình chuyến đi được phác thảo ngược hướng hành quân của các đơn vị từ khu căn cứ xuống cánh bắc khi xưa, tức đi từ quốc lộ 1 về hướng tây băng qua đường sắt, theo bờ hồ Ông Thọ, qua Cây dừa Bà Được - còn gọi "Cây dừa Ba Cô" - nổi tiếng từ Bắc chí Nam do nơi đây có 3 nữ "chiến binh Bắc Việt" bị Mỹ bắn chết. Sau này, do địa hình nơi này trống trải, Mỹ thường dùng những "lô cốt di động" là xe "nồi đồng" (bản đồ quân sự ghi Water Tank) để mai phục quân giải phóng. Tất nhiên, đây cũng là nơi từng in dấu chân bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

 

Sau hơn một giờ hành quân bộ, đoàn qua suối Lò Bỏ, đến làng Ông Hai. Trong chiến tranh, những ngôi làng của đồng bào H'Re như làng Ông Thường, làng Ông Thiêng, làng Nước Đang, làng Ông Hai là "cơ sở hậu phương" tích cực hỗ trợ quân dân Ba Tơ, Đức Phổ cho đến ngày giải phóng miền Nam. Nhiều trai tráng của làng cầm súng lên đường theo cách mạng và không ít người đã hy sinh. Theo chị Ninh, khoảng 10 ngày sau khi chị Đặng Thùy Trâm hy sinh, chính người làng Ông Hai trong vai người buôn cau, trầu tìm xuống xuôi báo tin "chị Trâm đã bị Mỹ bắn chết" cho anh Nguyễn Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường (em kết nghĩa của chị Thùy Trâm, hy sinh năm 1971) biết và người của làng đã đắp mộ chị Đặng Thùy Trâm tại chỗ. Họ là ai? Chắc rằng trong ký ức họ còn chứa đựng nhiều thông tin chưa ai từng biết.

 

Nhưng thật buồn và rất tiếc, khi chúng tôi vào làng thì ông Hai đã mất vài năm. Vợ lớn của ông thì đã qua đời trước ông. Còn anh Phạm Văn Đế, con trai ông Hai thì không biết gì do lúc xảy ra sự việc, anh còn quá nhỏ.

 

Cuối cùng, chúng tôi tìm ra người em nuôi của anh Nguyễn Hữu Hòa. Đó là cựu chiến binh Phạm Văn Đe, 52 tuổi, nay là cán bộ thôn. Anh Đe nguyên họ Đinh, sau đó như bao người H'Re khác ở Quảng Ngãi, đã đổi theo họ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Anh Đe là em vợ của ông Hai, lấy vợ người Kinh, có 6 con. Khi chúng tôi hỏi anh Đe, con gái thứ của anh, năm nay 22 tuổi, buông vội đứa con 5 tuổi của mình xuống đất và chạy vào núi gọi cha.

 

Biết lòng thành và nhiệt huyết của chúng tôi, anh Đe nhiệt tình: "Chỗ chị Trâm hy sinh à! Mình biết mà, đi lên giông chừng tiếng rưỡi thôi. Ngày đó, ông Hai đưa mình đi rừng, ngang chỗ đó lúc nào cũng chỉ cho mình. Gần đây ít đi nhưng mình vẫn nhớ. Chỗ đó có hai cây dầu rái mà!". Chị Ninh đột ngột phản ứng: "Không phải! Chỗ đó chỉ có một cây cầy (kơ-nia), không phải dầu rái". Chị Ninh có lý riêng bởi chính chị là một trong năm người du kích Phổ Cường đã lên núi vun cao nấm mộ của chị Đặng Thùy Trâm hồi cuối tháng 6 năm 1970. Bốn người kia là anh Nguyễn Thuận (Bí thư Xã ủy Phổ Cường, chị Trâm nhắc rất nhiều trong nhật ký), Châu Thời Chín (Dũng sĩ diệt Mỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang), Trương Văn Mười (chồng sắp cưới của chị Ninh), Nguyễn Văn Tẩn (người du kích đeo súng ngắn trong loạt hình của anh Nguyễn Văn Giá) đều đã lần lượt hy sinh sau đó...

 

"Thôi cứ đi đã, đoàn bây giờ có anh Đe dẫn đường, yêu cầu đặt ra là đường nhanh nhất, dễ đi" - Tuấn nói. Đường càng lên cao, qua làng Ông Thiêng, chúng tôi được người làng bổ sung vài chiếc "gậy Trường Sơn". Đường đi quá gập ghềnh, bất trắc, chưa kể "coi chừng có mìn còn sót lại" (?) như cảnh báo của dân làng. Vậy rồi, một sự cố xảy ra, qua con suối đá thứ nhất, Tuấn làm rơi ướt chiếc máy ghi âm Sony. Qua suối đá thứ hai, nước cao tới thắt lưng, anh Hòa ướt cái điện thoại di động. Một trong hai chiếc máy ảnh số của tôi cũng có vấn đề do ẩm ướt. Và rồi, một thung lũng nhỏ phì nhiêu chợt hiện ra với vài nếp nhà sàn. Ông Thê dừng lại, sững sờ: "Trường Đảng đây mà! Chính khoảnh ruộng này anh em tôi từng làm tăng gia nè! Trước khi về công an xã, tôi làm giáo vụ ở đây".

 

 Sau gần hai tiếng rưỡi, ba lần lên hai lần xuống dốc, chúng tôi đặt chân đến khu rừng tái sinh xen kẽ những vạt rừng keo được trồng theo chương trình 135. Ngang dọc đây đó là những con đường mòn cùng dấu vết các hầm than dã chiến của "tiểu lâm tặc", vài loại bẫy thú của thợ rừng rải rác đó đây...

 

"Đến rồi!", anh Đe nói gọn lỏn. Cả đoàn thở phào song chưa vơi căng thẳng, vạch bước theo cái gọi là đường mòn năm xưa. Đến chỗ cao hơn, thấy trước mắt hiện ra một cây kơ-nia đã bị đốn ngã. Thân cây to hơn một vòng tay người ôm, nằm chắn ngang đường, anh Đe đoán nó đã hơn 70 - 80 năm tuổi. Quan sát phần ngọn và vết cưa đã mục, Tuấn bảo có lẽ cây kơ-nia đã bị đốn cách đây phải hơn chục năm. Không rõ vì lý do nào các thợ rừng không mang ra khỏi rừng. Bên cạnh cây kơ-nia là một cây dầu rái chừng 20 năm tuổi vươn thẳng lên trời với tán lá rộng mà từ giông bên kia chúng tôi đã làm mốc để định hướng đi. Như vậy, chị Ninh đúng mà anh Đe không hẳn sai. Bước tiếp... Đằng sau phần gốc cây kơ-nia cao hơn mét rưỡi, một vệt hố đất vừa một người nằm hiện ra. Im lặng... Cả đoàn nhìn nhau, hầu như ai cũng nhẹ nhõm. Tuấn và tôi nhủ thầm, đúng chỗ chị Trâm hy sinh rồi!

 

Bí thư Ký hít một hơi dài. Đôi lông mày rậm của anh chau lại. Anh ngồi xuống và vốc lên tay một nắm đất. Chị Ninh nói nhỏ: "Khoan đã... Nhìn xem có tấm tôn ngày ấy anh Thuận đã viết tên và ngày mất của chị Trâm. Rồi còn mấy cục đá to mà phải mang từ nơi khác đến để làm mộ chí". Chị giải thích do chung quanh đây không có đá nên lúc đó anh em phải khiêng đá từ xa đến. Chợt Tuấn cảm nhận nơi anh đang đứng có một cái gì đó... Và quả thật, khi anh lấy tay sục xuống lớp đất mỏng, hiện ra bốn tảng đá to. Tấm tôn thì tìm mãi không ra. Ông Thê, ông Sáu nói: "Chắc khi bốc mộ về Phổ Hòa, người ta đã bỏ đâu rồi". Bỗng chị Ninh bật khóc tức tưởi. Trong năm người lên núi vun cao thêm nấm mộ chị Đặng Thùy Trâm ngày ấy, giờ đây chỉ còn mình chị thôi!

 

Dưới sự chủ trì của anh Ký, chúng tôi đốt nhang, giấy tiền giấy bạc, tưởng niệm chị Thùy. Rừng chiều xào xạc, những áng mây bàng bạc góc trời. Tuấn cầu xin hương hồn chị để được mang về TP.HCM một mảnh đá vỡ làm kỷ vật chuyến đi. Cả đoàn chầm chậm chia tay chị.

 

...Bốn tiếng đồng hồ, với hơn chục cây số đường rừng, chúng tôi đã tìm được đúng nơi hy sinh của chị Trâm ghi trong báo cáo tình báo quân sự của quân đội Mỹ. Ngày ấy, theo đồng bào H're, do chúng phục lại đến 7 ngày đêm nên sau đó đồng bào đã phải đắp nổi nấm mộ "y tá Trâm" ngay tại chỗ đúng với tư thế đang nằm sau khi viên đạn Mỹ xuyên vào trán chị (còn tiếp).

 

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.