Cái giá của sự tùy tiện

19/09/2006 00:05 GMT+7

Cầu Thanh Trì được xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Công trình gồm nhiều hạng mục như cầu chính, đường dẫn phía bắc, phía nam... Đương nhiên, các phương tiện muốn lưu thông được trên cầu thì đường dẫn phải hoàn thành đồng thời với cây cầu. Dự án cầu Thanh Trì lại đi ngược với quy trình trên. Cầu sẽ được thông vào tháng 11 tới đây nhưng đường dẫn hai bên cầu thì đến... tháng 3/2008 mới hoàn thành.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cách làm của Ban quản lý dự án (BQL) Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải).

Vì muốn để các nhà thầu trong nước trúng thầu, BQL Thăng Long đã tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh một số nội dung của hồ sơ mời thầu. Việc thay đổi tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu được phía ngân hàng cho vay vốn (JBIC) biết, và họ yêu cầu phải tăng năng lực tối thiểu của các cá nhân nhà thầu trong hồ sơ. Theo yêu cầu của JBIC, toàn bộ hồ sơ của các nhà thầu đã nộp cho BQL Thăng Long đều không đạt. Chính việc tuyển thầu lại đã làm chậm tiến độ triển khai dự án đường dẫn hai bên cầu.

Trước sức ép của hiện trạng giao thông Hà Nội, người dân đang từng ngày, từng giờ mong chờ cây cầu Thanh Trì hoàn thành, giảm tải cho cầu Chương Dương, BQL Thăng Long buộc phải đưa ra một phương án khác để kết nối, khai thác cầu. Theo đó, sẽ làm đường dẫn tạm ở hai đầu cầu. Tổng chi phí cho hạng mục phát sinh lên tới gần 1 triệu USD (14,91 tỉ đồng). Để làm đường dẫn tạm dẫn lên cầu, người ta phải thuê hơn 10.000m2 đất trong hai năm. Như vậy, sau khi đường dẫn của cầu hoàn thành, đường dẫn tạm sẽ bị đập bỏ, hoàn trả lại mặt bằng cho người dân. Gần 1 triệu USD bị bỏ đi ! Với tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành giao thông như hiện nay, số tiền trên đủ để trả lương cho gần 4 vạn công nhân trong vòng ba tháng liền. Còn nếu dùng để xây dựng nhà cho các đối tượng chính sách, gần 1 triệu USD cũng xây được khoảng 300 căn.

Điều đáng nói là, tiền xây cầu là tiền vay của nước ngoài, kể cả gần 1 triệu USD làm đường dẫn tạm. Cách làm tùy tiện trên đã gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Nếu không quy trách nhiệm, không xử lý nghiêm, chắc chắn kiểu gây thất thoát này sẽ còn tồn tại lâu dài.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.