Xét tuyển chuyên ngành tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Phải lượng đúng sức mình

20/11/2005 21:57 GMT+7

Sau khi hoàn tất 3 học kỳ đầu tiên, trong tháng 11 này, tất cả sinh viên khóa 30 và các SV khóa 29 (diện ngừng học đã hoàn tất trả nợ học phần và đủ điều kiện xét học tiếp vào giai đoạn chuyên ngành) hệ ĐH chính quy Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (ĐHKT) đều phải đăng ký xét tuyển chuyên ngành.

Nhà trường sẽ cho SV đăng ký nguyện vọng ở 21 ngành và chuyên ngành với tổng cộng 4.760 chỉ tiêu. Theo một số SV, cách xét tuyển này "thiếu khoa học, không kích thích tinh thần học tập của SV vì SV có kết quả học tập tốt có thể ngậm ngùi nhìn SV có kết quả học tập kém hơn mình chiếm chỗ học ngành mình yêu thích".

Trao đổi về việc trên, thạc sĩ Trương Hồng Khánh (Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo - Quản lý sinh viên ĐHKT) cho biết: "Việc xét tuyển vào học ngành, chuyên ngành ở ĐHKT đã được nhà trường áp dụng từ nhiều năm trước. Chỉ tiêu tuyển vào các ngành, chuyên ngành được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: nhu cầu nhân lực chung của xã hội, khả năng đào tạo của các khoa trong trường và nguyện vọng của SV. Mỗi SV được đăng ký 2 nguyện vọng, xét tuyển theo nguyên tắc lấy điểm trung bình chung học tập (ĐTBCHT) từ cao đến điểm chuẩn tối thiểu của từng ngành, chuyên ngành".

ĐTBCHT để xét vào ngành, chuyên ngành đào tạo là điểm thi kết thúc học phần ở lần thi thứ nhất (không tính điểm ở lần thi lại), các học phần Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất cũng không tính điểm. Riêng 2 chuyên ngành Ngoại thương và Kinh doanh quốc tế phải có thêm điều kiện điểm trung bình môn Ngoại ngữ giai đoạn đại cương đạt từ 6,00 trở lên. Trường cũng tổ chức phát phiếu thăm dò để SV đăng ký thử và căn cứ trên thăm dò này để xây dựng chỉ tiêu. Cách xét tuyển của Trường ĐHKT gần giống như xét tuyển các nguyện vọng thi ĐH-CĐ. Nếu số chỉ tiêu đào tạo nhiều hơn nguyện vọng đăng ký thì SV được xét tuyển 100%. Trường hợp số SV đăng ký cao hơn, trường sẽ được xét tuyển cho đủ chỉ tiêu, số SV còn lại sẽ được xét chuyển sang nguyện vọng 2. Cuối cùng, nếu nguyện vọng 2 cũng đã xét đủ chỉ tiêu, SV sẽ được đăng ký lại với các ngành, chuyên ngành còn chỉ tiêu.

Về ý kiến phản ánh của một số SV nêu trên, thạc sĩ Trương Hồng Khánh cho rằng việc đăng ký nguyện vọng 1 thi tuyển sinh ĐH-CĐ là khi thí sinh chưa biết điểm thi trong lúc việc đăng ký xét tuyển chuyên ngành ở ĐHKT thì SV đã biết ĐTBCHT của mình. Vấn đề ở đây là SV phải biết lượng sức mình (thông qua ĐTBCHT đã được biết) để chọn chuyên ngành phù hợp thay vì chỉ chọn các chuyên ngành mình yêu thích mà trình độ học tập của mình không tương xứng. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, SV cũng còn có cơ hội chuyển đổi ngành nghề khi trở lại trường học văn bằng 2, một số học phần đã học có thể được miễn giảm để sớm có thêm một văn bằng đúng ngành nghề mình yêu thích.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.