Vợ nguyên viện trưởng Viện KSND huyện hầu toà

01/04/2014 20:45 GMT+7

(TNO) Ngày 1.4, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần thứ 2 vụ án Nguyễn Thị Sạnh (54 tuổi, vợ nguyên Viện trưởng Viện KSND H.Hớn Quản, nay là cán bộ Viện KSND tỉnh Bình Phước) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(TNO) Ngày 1.4, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 2 vụ án Nguyễn Thị Sạnh (54 tuổi, vợ nguyên Viện trưởng Viện KSND H.Hớn Quản, nay là cán bộ Viện KSND tỉnh Bình Phước) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 
Bị cáo Sạnh tại phiên tòa

Trước đó, vụ án đã bị hoãn 3 lần và 1 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung do các bị hại yêu cầu sự có mặt của 2 nhân vật quan trọng là ông Trần Hoàng Sơn, nguyên Viện trưởng Viện KSND H.Hớn Quản, hiện đang công tác tại Viện KSND tỉnh Bình Phước và bà Trần Thị Thắm, con gái bị cáo.

Đây là hai người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan đến vụ án lừa đảo của bà Sạnh.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2006 đến 31.12.2010, lợi dụng vào nhiều mối quan hệ, bà Sạnh đã hỏi mượn tiền cho đồng nghiệp đáo hạn ngân hàng để liên tiếp vay tiền của các mối quen và bà con hàng xóm.

Nhiều lần vay mượn tiền bà Sạnh đều thỏa thuận miệng với người cho vay với lãi suất từ 2-9%. Sau khi huy động tiền, bà Sạnh bất ngờ đóng cửa cây xăng tại thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành) và tuyên bố phá sản với số nợ của 23 người lên đến hơn 21 tỉ đồng.

Bị người dân đòi tiền, bà Sạnh đã cùng chồng mình là ông Trần Hoàng Sơn làm thủ tục phân chia tài sản.

Ngày 29.9.2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Sạnh về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Đến ngày 24.9.2012, Công an tỉnh Bình Phước thay đổi quyết định chuyển đổi tội danh thành "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại phiên toà sơ thẩm lần 2, nhiều bị hại lại tiếp tục yêu cầu hoãn do chỉ mỗi mình ông Sơn có mặt còn bà Thắm thì không thấy đâu.

Sau khi hội ý, HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vì cho rằng lời khai của bà Thắm đã có trong hồ sơ vụ án. Hơn nữa theo luật, HĐXX không có quyền áp giải bà Thắm.

Trong phiên xét xử lần này, các bị hại đều tỏ ra bức xúc trước hành vi của bị cáo. Nhiều người cho rằng, để có thể lừa đảo được số tiền lớn như vậy, bị cáo Sạnh phải có sự trợ giúp của người khác.

Nhiều bị hại cho rằng gia đình bà Sạnh, ông Sơn đã thông đồng trong việc chiếm đoạt toàn bộ số tiền này và khi vụ việc vỡ lở thì bà Sạnh tìm cách tẩu tán tài sản. Các bị hại đề nghị HĐXX xử lý nghiêm hành vi của bị cáo Sạnh, đồng thời tuyên buộc bị cáo Sạnh cùng ông Sơn hoàn trả toàn bộ số tiền vay cho các bị hại.

Khi được HĐXX thẩm vấn, bị cáo Sạnh trả lời một cách vòng vo, cho rằng mình mượn tiền là để trả lãi suất nhưng lại chỉ chứng minh được một khoản rất nhỏ, còn số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng mượn của các bị hại thì không chứng minh được đã "đầu tư" vào khoản nào.

Kết thúc phần xét hỏi, các bị hại đề nghị được đối chất với ông Sơn, đại diện Vietinbank, chi nhánh Bình Phước và Agribank huyện Chơn Thành về các khoản vay của vợ chồng ông Sơn, bà Sạnh.

Trước đề nghị này, HĐXX đã trích đọc những bút lục lời khai các hợp đồng tín dụng trong quá trình làm việc giữa cơ quan điều tra với vợ chồng ông Sơn và các ngân hàng để các bị hại được rõ và đưa ra ý kiến.

Ngày 2.4, dự kiến tòa sẽ tuyên án.

Phước Hiệp

>> Bắt thêm 7 nghi phạm trong đường dây lừa đảo qua điện thoại
>> Giả danh cán bộ môi trường đi lừa đảo
>> Xét xử vụ lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng ở Tây nguyên
>> Bắt 2 kẻ lừa đảo 'đội lốt' cán bộ y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.