Voi rừng VN: Có nguy cơ không còn nữa!

09/12/2005 22:14 GMT+7

Báo động nói trên sẽ là hiện thực đáng buồn nếu ngay từ hôm nay chúng ta không thực hiện những biện pháp mạnh và cấp bách cho chủ trương bảo vệ, bảo tồn loài voi rừng Việt Nam, chủ yếu tập trung ở phía nam Trường Sơn, tỉnh Đắk Lắk.

Voi Việt Nam thuộc loài voi châu Á (Elephas maximus), chỉ có voi đực có ngà và không cao to như voi châu Phi. Động vật quý hiếm này được ghi trong Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam năm 1992 với cấp độ bảo vệ cao nhất. Tiếc thay, voi rừng Việt Nam, voi rừng Đắk Lắk ngày càng vắng bóng ngay cả trong những vùng rừng vốn tập trung loài động vật cấp cao này. Cao nguyên Đắk Lắk là nơi sinh sống từ lâu đời của loài voi châu Á, tập trung ở vùng rừng nguyên sinh dọc dãy núi lớn Chư Yang Sin thuộc huyện Lắk và Krông Bông, đặc biệt có nhiều hơn ở vùng rừng trải dài từ huyện Ea Súp đến Buôn Đôn giáp biên giới Campuchia, thuộc Vườn quốc gia Yôk Đôn với diện tích rừng rộng nhất nước: hơn 115.000 hecta. Đắk Lắk cũng là nơi nổi tiếng từ lâu đời với địa danh Bản Đôn của đồng bào M'Nông - Lào chuyên săn bắt và thuần dưỡng voi. Nơi đây đã có nhiều người trở thành dũng sĩ với tên gọi grú, chuyên săn bắt voi rừng và 2 người được vinh danh là vua voi, như Ama Thu, Ama Kông đã săn bắt hàng trăm con voi từ rừng núi Yôk Đôn bên kia dòng sông lớn Sêrêpôk. Để bảo tồn loài voi quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên - Việt Nam, từ vài năm trước, Nhà nước đã không còn cho phép săn bắt voi rừng và trong cuộc sống mới có sự giao lưu rộng mở đầy đủ tiện nghi hơn, chính đồng bào bản địa cũng giảm bớt nhu cầu nuôi dưỡng và dùng voi vận chuyển hằng ngày, đã thuận lòng bỏ truyền thống săn bắt voi.

Năm 1975, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 400 con voi rừng và voi nhà (voi nhà cũng từ voi rừng săn bắt được). Đến năm 1990, Đắk Lắk chỉ còn khoảng 200 con voi nhà và voi rừng. Số lượng động vật quý hiếm ngày càng quý hiếm hơn, xuống thấp từng năm đến đau lòng: Năm 1997, cả tỉnh Đắk Lắk còn 115 voi nhà (đực 46 con và cái 69 con), voi rừng lại càng ít hơn, chỉ trên dưới 30 con dọc theo vùng rừng các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Chư Jút, Đắk Mil, Đắk R'Lấp và vùng rừng núi lớn Chư Yang Sin thuộc địa bàn huyện Lắk, Krông Bông giáp tỉnh Lâm Đồng hầu như không còn thấy dấu vết hiện diện của voi rừng nữa. Đến năm 2000, voi nhà còn 84 con (đực 29 con và cái 55 con) và năm 2004, chỉ còn 62 voi nhà (đực 19 con và cái 43 con). Cùng thời gian này, voi rừng tỉnh Đắk Lắk càng xuống thấp, chỉ còn khoảng 10-15 con xê dịch qua lại không an toàn quanh khu vực rừng đã thưa thớt dần dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn và các huyện Chư Jút, Đắk Mil của tỉnh mới Đắk Nông. Hiện nay, cuối năm 2005, đàn voi của tỉnh Đắk Lắk đa số là voi nhà tập trung chủ yếu tại các huyện Lắk, Ea Súp và Buôn Đôn chỉ còn không quá 50 con, trong đó voi đực đếm được hơn 10 đầu ngón tay, đồng thời voi rừng còn ít ỏi quá, nhất là voi đực có ngà đang bị những họng súng đêm ngày rập rình săn bắn cho thấy nguy cơ vắng bóng hẳn loài voi trên cao nguyên này vào những năm tới.

Nhiều biện pháp bảo vệ và bảo tồn voi nghiêm ngặt được đưa ra từ đầu năm 1992, trong đó có Chỉ thị cấp bách của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, Chương trình hành động bảo tồn voi do Tổ chức quốc tế FFI và Bộ NN-PTNT triển khai, Hội thảo bảo tồn voi châu Á tại Đông Dương, tạo sinh cảnh sống cho voi rừng tại Vườn quốc gia Yôk Đôn, ban hành nhiều văn bản cấm săn voi... Tất cả ngần ấy sự quan tâm vẫn không bảo vệ và bảo tồn được loài voi.

Dự án bảo tồn voi đã và đang đặt ra không chỉ là sự kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các dự án bảo tồn, kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp voi nhà có khả năng sinh sản mà biện pháp chính trước mắt là bảo vệ - bảo tồn - phát triển rừng tự nhiên, trả lại môi trường sống thích nghi yên lành và đầy đủ cho loài voi.

Nguyễn Hoàng Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.