Ông Chín Chồn siêu thơ!

20/10/2008 22:47 GMT+7

Ở Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam), ai cũng biết ông Chín, còn gọi với biệt danh là ông Chín Chồn. Hàng nghìn bài thơ, bài vè phê phán những thói hư tật xấu, ca ngợi quê hương của ông được mọi người thuộc nằm lòng!

Đi bộ đội từ năm 18 tuổi cho đến ngày về hưu vì mất sức, cũng là lúc tài năng thiên phú về vè trỗi dậy nơi ông. Vốn sống khái tính, ông nổi tiếng ở làng quê Đại Hồng vì làm thơ cực nhanh, chỉ cần thấy sự việc là lập tức thơ "nhảy" ra khỏi miệng và lan truyền trong người dân nhanh như cơn gió. Cái gì ông cũng biết, mà biết chính xác từ chuyện ăn chia, hành dân của "quan trên" ở xã nhà, đến chuyện làng chuyện xóm thành ra cũng không ít kẻ đem lòng ghen ghét. Ghét nhưng vẫn nể nên thơ của ông cứ lan truyền nhờ phương pháp truyền miệng - dễ nghe, dễ đọc và dễ nhớ.

Biệt danh Chín Chồn cũng vì vậy mà có, bởi chồn không chỉ là loài giỏi quan sát, mà còn nhanh nhạy và thông minh. Ở cái tuổi ngoài 60, ông vẫn đọc vanh vách từng bài, từng bài một, nói rõ nguồn cơn xuất xứ của những bài vô cùng thú vị. Thơ vè của ông, giọng điệu châm chọc nhẹ nhàng nhưng những "nhân vật chính" trong bài nghe rất đau. Trong làng, trong xóm, vè của ông con nít chạy đọc ê a cả làng, người lớn ý nhị truyền miệng cho nhau và nhớ như in, dù có những bài đã gần 20 năm.

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chứng kiến cảnh người ta xây dựng bệnh xá, khởi công từ năm 77 mà xây mãi 4-5 năm không xong, ông lập tức sáng tác:

"Thưa ông y tế huyện nhà/Đại Hồng bệnh xá xây đà xong chưa/Người đau kẻ bệnh xin thưa/Khởi công 77 nhưng chưa hoàn thành".

Rồi tiếp:

"Tiền dân nộp đủ như in/Chính quyền đoàn thể có nhìn thấy không/Honda đường nhựa cứ dong/Kiểm tra đôn đốc ông không nói gì/Người đau kẻ bệnh nhờ chi?".

Chợ Đại Hồng xây xong, nhưng không có người mua, người bán vì chợ nằm ở vị trí không hợp lý. Tiền xây hết 2 tỉ đồng. Sau, chợ Đại Hồng được cho một xí nghiệp may thuê lại. Người ta thấy khó coi là vậy, nhưng cũng chỉ nói ra nói vào sau lưng vì ngại, còn ông, ông đọc luôn:

"Chợ Đại Hồng không bán chẳng mua/Làm nơi may vá thêu thùa cho chị em".

Còn cây xăng ở Đại Hồng, lấy đất dân, cấp cho mấy quan chức, xây dựng xong thì có vấn đề nội bộ lục đục, để hoang phế đó nhiều năm liền, tức khí, ông đọc:

"Đất của dân bán cho quan/Cây xăng quan dựng bảng đề: hết xăng".

 
Hằng ngày, với chiếc xe đạp hơn 30 năm tuổi này, ông đi khắp nơi, gặp gì lập tức ứng tác vè đọc cho người trong làng nghe - Ảnh: Bảo Nguyên

Có dạo, ở thôn bên làm đường giao thông nông thôn, bị hao hụt đến 5 tấn xi măng (sau này ông trưởng thôn là người bị kỷ luật), nhân sự kiện một trận bóng đá giữa thôn ông và thôn này, thôn ông bị thua một trái, đội bạn chạy khắp xóm cùng thôn la ré mừng, ông thủng thẳng đọc ngay:

"Xi măng 5 tấn im re/Ăn một quả bóng chạy khoe cả làng".

Nghe ông đọc xong, đội bạn tắt tiếng, không dám hào hứng, mừng rỡ nữa.
Có dạo, người ta chia lim để cho cán bộ, người có công làm nhà, ông vốn cũng trong chế độ vì trước công tác huyện đội, lại là thương binh hạng nặng, nhưng chờ, xin năm này qua năm khác, vẫn không được nhận lim. Lim toàn về tay những quan chức trong xã, vậy là ông ứng khẩu:

"Nhà ông lim ngắn lim dài/Nhà tôi mưa nắng dột hoài ông coi!".

Ông đặc biệt được người dân yêu mến, nhưng những người "được" ông nhắc đến là không chịu được. Cũng có người đến khuyên răn ông bớt hăng đi, bớt lo chuyện chính quyền mà chuyên tâm sống như một người dân bình thường, ông bác đi, bảo quen tính rồi, không thể sửa, mà ông có làm chi sai đâu mà sửa. Nhắc vài lần, thấy ông bình chân như vại, riết thành quen, chẳng ai dám nói gì.
Mà ông không chỉ đả kích thói hư tật xấu, ông rất yêu quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên, nên song hành cùng hàng ngàn bài "trái tai" thì ông cũng sáng tác ngần ấy bài ca ngợi mảnh đất nơi mình ở, trong đó dài nhất và nhiều người nhớ lâu nhất là bài:

"Đại Hồng ơi chợ Hà Duy, Hà Dục/Thuốc lá trắng tàn, mùa dưa hấu có còn không/Đất 2 - 3 Mỹ chết xác đầy đường/Máy bay Mỹ làm cầu khe Ngang còn đó/Đại Lãnh ơi cũng dạo này năm trước/Băng Chấn Sơn ta về lại Trước Hà/Để cùng đêm với đồng chí của ta/Tung dây thép cho chi khu diệt ác.../Có mẹ già run run bảo nhỏ/Mẹ gói bánh tét nhiều, về ăn Tết nhớ nghe con/Đại Hồng ơi quê hương đầy yêu mến/Đất dâu tằm mía mọc ấm lòng ta/Thuyền về Vĩnh Điện lại qua/ Hò khoan ấm giọng nên ta nhớ nhiều".

Ở thôn Dục Tịnh (xã Đại Hồng) nơi ông ở, hàng chục năm nay, tất cả các đám cưới đều khởi đầu bằng câu nổi tiếng của ông "Gió đưa trái mít cù queo/Làm dâu Dục Tịnh có nghèo vẫn vui". Sau, bài vè được sửa lại "làm dâu Đại Lộc" để nhân rộng lên cấp huyện và ngày càng nhiều người biết đến. Thanh niên Đại Lộc sau này, cũng dùng câu đó để đi tán tỉnh con gái các nơi.

Làm thơ, nói vè giỏi, nhiều người nghĩ chắc ông phải học cao, nhưng thật ra, do thời buổi loạn lạc, ông chỉ mới hoàn thành xong chương trình tiểu học, chưa biết cả luật bằng trắc của thơ, ông chỉ làm theo quán tính, theo suy nghĩ riêng của mình.

Kho tàng thơ phú của ông Chín Chồn càng ngày càng trở nên giàu có, nhưng ông chưa bao giờ chép ra giấy để lưu lại. Hỏi ông thì ông cười xòa, ứng tác cho bà con đọc cho vui, cho mấy ông chính quyền nhìn lại mình, chớ ghi lại làm chi.

Bảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.