Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 11

15/10/2006 23:21 GMT+7

Mượn máy in để in tiền cho Nhà nước Đầu những năm 1980 nạn lạm phát tăng nhanh, khoảng 30-50%/năm, đến cuối năm 1985 lên 587,2% và siêu lạm phát lên đến đỉnh cao 774,7% vào năm 1986. Ông Ba Châu kể, việc đầu tiên ông đề nghị với người tiền nhiệm - ông Nguyễn Duy Gia, là bàn giao kho tiền mặt dự trữ.

Nhưng tiền mặt dự trữ hầu như không có. Đang "siêu lạm phát" mà lại không có tiền mặt. Tiền mặt thiếu đến mức lương cán bộ công nhân viên cả nước trả không đúng hạn, người gửi tiết kiệm rút tiền không có để trả, thậm chí nhiều nơi mua nông sản của nông dân phải ghi giấy nợ.

Tiền mặt dự trữ không có, tiền trong lưu thông thì thiếu nghiêm trọng. Hồi đó Nhà nước chủ trương không phát hành tiền mặt nhiều vì sợ tăng lạm phát. Ông Ba Châu nói điều đó không đúng, và ông chứng minh ở miền Bắc từ năm 1960 đến năm 1974, khối lượng tiền phát hành trong lưu thông chiếm 20 - 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, nhưng tại thời điểm năm 1986 tỷ lệ này chỉ còn 6%. Tỷ lệ đó là quá thấp đối với một xã hội quen dùng tiền mặt. Ông Ba Châu và tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị nâng lãi suất tiết kiệm để huy động tiền mặt trong dân và phát hành thêm tiền. Giải pháp đó phải đi song song với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất hàng tiêu dùng, với việc mở rộng bảo lãnh nhập hàng trả chậm...

Phương án phát hành thêm tiền được cấp trên đồng ý. Việc trước hết là in tiền. Trước đây ta in tiền tại Liên Xô, do không có tiền trả tiền in cho họ, họ không in nữa. Sang thương lượng với Cộng hòa dân chủ Đức, in tại đây được một thời gian cũng không có tiền trả, nên bị "cắt" luôn. Nước ta thì chưa có nhà máy in tiền. Nhà máy in tiền lúc đó không có, nói đúng hơn là mới có được cái mặt bằng thôi, chưa xây dựng. Giải quyết sao đây?

Ông Ba Châu kể, bí quá không biết làm sao, mới sang bàn với Bộ Văn hóa - Thông tin, nhờ Nhà in Tiến Bộ cho mượn máy để in tiền. Tiền thì phải in bằng máy in chuyên dụng mới có thể chống làm giả, còn máy in của Nhà in Tiến Bộ thì chỉ là máy in offset thường, nhưng bí quá không có cách nào khác. Nhà in Tiến Bộ cho mượn máy in và cho mượn luôn một xưởng riêng để in tiền. Ban đầu giấy in tiền còn ở Liên Xô mang về in, sau đó cạn dần, mua giấy của nước ngoài thì không có tiền. Phải chạy vào một nhà máy xeo giấy ở Vĩnh Phú, tìm một loại giấy tốt để in. Giấy này chiều ngang dai nhưng chiều dài bị bở, không đảm bảo. Lại sang Liên Xô năn nỉ mua chịu giấy... Hồi đó chỉ dám in tiền mệnh giá nhỏ tại Nhà máy in Tiến Bộ thôi, in mệnh giá lớn nếu bị làm giả thì rất nguy hiểm. May là tiền giả hồi đó rất ít thấy.

In tiền là chuyện quốc gia đại sự, sao có thể nhếch nhác như vậy được! Phải có một nhà máy in tiền riêng. Nhưng xin mua một cái máy in hai màu, một triệu mấy đô la thôi, Chính phủ cũng không cho, đơn giản vì không có tiền. Ông Ba Châu kể tiếp. May quá, trong một chuyến đi công tác TP.HCM ông gặp ông Đoàn Duy Thành. Ông Thành trước làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, được điều về Trung ương làm Bộ trưởng Ngoại thương cùng lúc với ông, là chỗ thân quen. Ông nhờ ông Thành "cứu bồ". Ông Thành hỏi: "Làm sao giúp đây ?". Ông Ba Châu nói: "Tôi biết trong kho của Bộ Ngoại thương có dự trữ nhiều cà phê, ông cho tôi mượn 500 tấn để bán lấy ngoại tệ mua máy in tiền, nợ tôi trả sau". Ông Đoàn Duy Thành đồng ý ngay và viết một giấy tay đề nghị Bộ Ngoại thương xuất cà phê cho Ngân hàng Nhà nước mượn. Mượn được cà phê, ông lập tức cho mở L/C xuất và liên hệ nhập máy.

Nhưng từ khi xuất cà phê đến khi đưa máy in về phải mất 2-3 tháng. Trong thời gian đó tiền làm sao in được, trong khi nhu cầu tiền để phát hành lại quá bức xúc? Lại bí. Ông nghe nói TP.HCM vừa nhập một cái máy in hai màu, hình như nhập về cho Sở Văn hóa - Thông tin, ông mừng quá, đến gặp ông Mai Chí Thọ, lúc đó làm Chủ tịch thành phố. Ông hỏi ông Mai Chí Thọ mượn luôn cái máy in đó, khi máy ông nhập về ông sẽ trả. Ông Mai Chí Thọ đồng ý luôn. Ông lấy ngay cái máy đó, mang về ráp tại 17 Bến Chương Dương, lập một xưởng in tiền.

Cuối cùng thì ông cũng xin được tiền của Chính phủ "trả sòng phẳng" cho Bộ Ngoại thương và mua thêm máy in 4 màu, làm một nhà máy in tiền nhỏ ở Chùa Bộc (Hà Nội). Có được máy in dĩ nhiên là rất quan trọng, nhưng những người thực hiện quan trọng hơn. "Tôi không bao giờ quên công lao của các nghệ nhân vẽ mẫu, không bao giờ quên công lao của tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy in Ngân hàng I và II. Họ làm việc rất sáng tạo và rất có trách nhiệm", ông Ba Châu nói... (Còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.