Bi hài văn hóa pháp đình - Bài 7: Làm sao giữ được vẻ tôn nghiêm?

17/10/2010 02:15 GMT+7

Trước thực trạng bát nháo diễn ra ở tòa, vấn đề được đặt ra là làm sao giữ được vẻ tôn nghiêm? PV Thanh Niên đã trao đổi, ghi lại một số ý kiến của những người công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Nâng cao văn hóa người tham gia tố tụng

Viện trưởng Viện KSND quận 5 (TP.HCM) Trần Vi Hải cho rằng không thể chấp nhận một phiên tòa mà luật sư, kiểm sát, quan tòa nói ngọng, nói lắp; người nắm cán cân công lý ăn mặc luộm thuộm, đầu tóc bù xù xuất hiện trước công chúng; những câu thẩm vấn, lý lẽ tranh tụng xúc phạm đến nhân cách con người, cho dù họ là những bị cáo đứng trước vành móng ngựa; người dự khán ăn mặc thiếu chỉnh tề, đứng ngồi lộn xộn... Theo ông Hải, nguyên nhân dẫn đến cảnh lộn xộn ở tòa có phần do cách đánh giá chứng cứ còn thiếu khoa học, dẫn đến oan sai trong xét xử, làm sút giảm niềm tin vào HĐXX.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, tình trạng ứng xử thiếu văn hóa ở tòa là do những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng đôi khi cảm nhận vị trí của mình quá cao nên cho mình cái quyền được hành xử thái quá, dẫn đến ứng xử thiếu văn hóa.

Theo ông Chu Hải Thanh, Phó giám đốc Học viện Tư pháp, trình độ văn hóa chung của đội ngũ cán bộ pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn còn khá thấp, do học hành chắp vá, tuyển dụng không kỹ. Trong khi ở các nước khác, người ta tuyển dụng người trên toàn quốc còn ở ta vẫn theo kiểu người của địa phương nào thì địa phương đó đôn lên nên sẽ không tránh khỏi những hạn chế. Mặt khác, việc đào tạo về văn hóa pháp đình cho cán bộ tư pháp nói chung đến nay vẫn còn rất yếu. “Lấy ví dụ, tại Học viện Tư pháp chúng tôi, việc đào tạo văn hóa cho thẩm phán hoặc kiểm sát viên chỉ vỏn vẹn có 10 tiết”, ông Thanh nói.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng chấn chỉnh văn hóa pháp đình cũng là nhằm hướng đến mục tiêu cơ bản của việc cải cách tư pháp, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan, sai. Trong đó, nên đặt ra việc cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, mà một trong những cải cách là cần nhập chức năng điều tra tội phạm vào chức năng công tố, buộc tội của Viện kiểm sát. Theo luật sư Công, điều tra là hoạt động quan trọng bậc nhất của tố tụng và khi công tố viên ngồi buộc tội ở tòa phải căn cứ vào kết quả xác thực của các hoạt động điều tra. Vì vậy, hoạt động điều tra phải gắn chặt hoặc ít nhất là dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Viện kiểm sát. Nếu công tố viên không trực tiếp điều tra hoặc không chỉ đạo điều tra thì không đủ lý lẽ, không nắm được mọi ngóc ngách của tội phạm mà xét hỏi, buộc tội. Việc cải cách này sẽ giảm được thời gian tố tụng kéo dài từ khi ra kết luận điều tra đến khi ra cáo trạng (thực tế nội dung cũng chẳng khác nhau là mấy). Còn HĐXX chỉ nên đóng vai trò trọng tài trung gian ngồi lắng nghe và kết luận có tội hay không có tội, sẽ bảo đảm dân chủ và tính nghiêm minh của phiên xử.

L.N

“Trước tòa, người thẩm phán phải thể hiện tư cách là nhà nước, chứ không phải là cá nhân, nhưng do văn hóa thấp nên anh thích cư xử, mắng mỏ ai là quyền của anh. Điều này rất tai hại dẫn đến pháp luật thực thi không nghiêm, người dân không tôn trọng pháp luật”, ông Thanh nhìn nhận.

Cần chế tài mạnh

Ông Ngô Hồng Phúc, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao, cho rằng việc xảy ra những “hạt sạn” trong công tác xét xử hay còn gọi là văn hóa pháp đình mà Báo Thanh Niên đề cập, dù không phải là phổ biến nhưng rất đáng lo ngại. “Tòa án là một không gian đặc biệt mà bất cứ ai đến đây cũng phải chấp hành theo pháp luật, theo những quy trình, quy định nhất định. Để xảy ra những hành vi, cách ứng xử thiếu chuẩn mực tại các phiên tòa phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng: thứ nhất là những người có trách nhiệm tại phiên tòa nhiều khi vẫn còn xuê xoa, hiểu chưa đúng hoặc cố tình không thực hiện đúng quy định pháp luật; thứ hai là các chế tài, quy định để điều chỉnh những hành vi này hiện vẫn còn bất cập, việc áp dụng thiếu khả thi”, ông Phúc nói.

Không chỉ bất cập, theo một số thẩm phán, thực tế khi gặp phải trường hợp đương sự gây rối, làm mất trật tự ở tòa thì chỉ biết yêu cầu những người này rời phiên xử, nhưng nếu những người này không chịu ra thì cũng đành “bó tay”. Nếu đương sự “quậy” thì chỉ biết lập biên bản ghi nhận lại sự việc để… báo cáo lãnh đạo. Cùng lắm thì nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ can thiệp để lập lại trật tự bằng cách đưa người này rời… tòa. “Ở Mỹ, người gây rối xấc láo, coi thường tòa ngay trước mặt quan tòa sẽ bị tòa lệnh cho bắt giam ngay lập tức. Sau đó, người vi phạm có thể bị xử phạt đến 1 năm tù. Còn tại Canada, người vi phạm sẽ bị giam tối đa 2 năm tù cộng với phạt tiền. Tại Anh, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 1 tháng đến 2 năm hoặc phạt tiền. Trong khi đó, tại VN mức phạt từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng theo Thông tư 03 năm 1990. Rõ ràng, mức phạt này chưa đủ mạnh để răn đe đối với người gây rối làm mất trật tự tại phiên tòa. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những chế tài mạnh hơn. Bên cạnh đó, luật vẫn chưa có quy định việc đương sự sau khi xử xong không đồng ý với phán quyết của tòa la lối, chửi bới ở ngoài phòng xử án thì xử lý ra sao và ai có thẩm quyền xử phạt”, một thẩm phán chia sẻ.

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn luật sư TP.HCM, đề xuất để lập lại trật tự ở tòa cần có lực lượng công an riêng (cảnh sát bổ trợ tư pháp có công cụ hỗ trợ) để thiết lập trật tự, xử lý những hành vi vi phạm trật tự ngay tức khắc theo lệnh của chủ tọa phiên tòa nhằm thiết lập ngay trật tự và thấy được tính uy nghiêm của phiên tòa. Còn ông Nguyễn Văn Tùng, kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND tối cao, cho rằng trong tranh tụng giữa công tố và luật sư thì công tố viên phải biết lắng nghe, thẳng thắn xin lỗi nhìn nhận nếu có sai sót. Cộng với thái độ khiêm tốn, bình tĩnh sẽ làm cho không khí tranh luận bớt căng thẳng, giữ được văn hóa trong phiên tòa…

Thái Sơn - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.