Đường ta, ta cứ đi

26/11/2006 23:35 GMT+7

Một khi vấn đề là lợi ích kinh tế và an ninh, một khi mục tiêu mang ý nghĩa chiến lược lâu dài thì không chỉ các nước lớn, mà đến cả các nước thuộc đẳng cấp khác, cũng hành xử theo phương châm "đường ta, ta cứ đi". Cứ xem Trung Quốc và Nga cũng đủ thấy.

Sức mạnh quân sự của Israel phụ thuộc gần như hoàn toàn vào viện trợ quân sự và hợp tác an ninh của Mỹ. Mỹ và Ấn Độ có thỏa thuận hợp tác mới về hạt nhân bất chấp Ấn Độ không tham gia Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân. Trung Quốc và Pakistan đã trở thành đồng minh an ninh chiến lược của nhau thông qua những thỏa thuận hợp tác mới mà hai bên ký kết nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Và mới đây nhất, Nga đã bắt đầu cung cấp cho Iran hệ thống phòng thủ tên lửa Tor-M1. Mỗi động thái kiểu ấy của một trong số 3 nước lớn này đều khiến hai nước kia lo ngại, nhưng dù vậy cũng chẳng thể ngăn cản được. Những lợi ích riêng của họ được coi trọng và ưu tiên hơn là sự quan tâm đến những tác động và hệ lụy của các quan niệm chính sách của họ đối với an ninh và ổn định, tương quan lực lượng quân sự cũng như cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực.

Những lợi ích riêng này quá quan trọng, có tầm quan trọng chiến lược lâu dài đối với cả hai bên, không chỉ đơn thuần là những hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỉ USD cho Mỹ, Nga hay Trung Quốc, mà còn là hình thức ràng buộc lợi ích của các đối tác kia vào ba nước lớn này. Các đối tác kia cũng không lo ngại mối quan hệ của họ với các nước lớn còn lại bị ảnh hưởng. Cả ba nước lớn đều có cách đi riêng và vì thế không ai trong số ấy lại có thể lên tiếng phê trách cách đi riêng của kẻ khác.

Vì lẽ đó mà Ấn Độ không lo ngại nhiều về sự hợp tác quân sự an ninh giữa Trung Quốc và Pakistan. Mỹ và Israel có hậm hực, nhưng cũng chẳng thể cản được việc Nga và Iran tăng cường hợp tác quân sự mà sự cung ứng hệ thống phòng thủ tên lửa mới chỉ là một bộ phận.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.