Doanh nhân Việt kiều: Đồng lòng vì một giá trị mới cho Việt Nam

21/09/2006 22:47 GMT+7

Gần 100 doanh nhân Việt kiều, 50 doanh nhân trong nước, lãnh đạo 15 tỉnh thành phố và các bộ ngành đã tham dự hội nghị "Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam" tổ chức tại Đà Nẵng hôm qua 21.9. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh VN chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm chung tay tạo một giá trị mới cho Việt Nam.

Cánh cửa mở rộng, nhưng đường còn hẹp!

Các doanh nhân Việt kiều đông nhất là về từ Mỹ (21 người), Pháp (13), Canada (6), Nhật (5), Úc ( 9), Ucraina (5), Cộng hòa Czech (4) và các nước khác... Chương trình thảo luận theo hai nhóm đầu tư - sản xuất và dịch vụ - thương mại đã cho thấy họ đều có hy vọng và tin tưởng vào chủ trương "coi cộng đồng kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận và một nguồn lực của dân tộc" như phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người VN ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình. Tuy vậy cũng có nhiều ý kiến lo lắng: ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Home Deco (Canada) cho rằng, sở dĩ nói cánh cửa mở rộng nhưng đường còn hẹp vì chính sách và luật pháp nhiều khi bị vô hiệu do phải chờ các thông tư hướng dẫn.


Các đại biểu trao đổi tại hội nghị

Ông Đặng Xuân Nghĩa (Việt kiều Mỹ) đầu tư một khu du lịch làng quê, tái hiện không gian làng miền Trung thế kỷ 19 ở Hội An bức xúc vì chuyện chính quyền địa phương xử lý không rốt ráo, nhập nhằng giữa luật và tình cảm trong vụ tranh chấp của 31 hộ dân đòi mở con đường xuyên qua khu du lịch đã được cấp giấy phép thuê đất 50 năm. Ông Hồ Quang Đặng, Giám đốc Công ty Dân Trí kể: "Tôi hỏi một cán bộ thuế đến thanh tra cơ quan tôi là có khi nào đi thanh tra mà không tìm thấy sai sót ở một đơn vị hay không? Vị cán bộ này trả lời rằng không bao giờ, bởi vì thanh tra có luật của thanh tra, còn kế toán công ty làm theo luật của kế toán. Luật ở VN là như thế! Nghe trả lời như thế tôi xin chào thua". Các doanh nhân Việt kiều Pháp, Hà Lan đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng than phiền về thủ tục visa, thủ tục cấp bằng lái xe, thẻ tạm trú tại địa phương... Trong khi đó, ông Phan Thành (Việt kiều Canada) người về đầu tư trong nước cách đây đến 20 năm nói rất xúc động: "Cái giá phải trả lớn nhất khi quyết định về quê hương làm ăn chính là cái giá về thời gian.

Chúng tôi mất quá nhiều thời gian để thích nghi với một bộ máy hành chính mà người dân nói vui là "hành là chính", một bộ máy làm nản lòng không ít nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có rất đông Việt kiều. Vì vậy những người còn trụ lại đến ngày hôm nay là có thừa kiên nhẫn và tình yêu với quê mẹ". Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ cũng nói: "Đến nay số Việt kiều về đầu tư trong nước thành công cũng có, thất bại cũng  nhiều. Tuy nhiên tất cả họ đều gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, có khi phải trả bằng nước mắt và những chua xót, đắng cay...".

Chung tay tạo một giá trị mới cho đất nước Việt Nam

“Cái giá lớn nhất chúng tôi phải trả khi về quê hương làm ăn chính là thời gian. Chúng tôi mất quá nhiều thời gian để thích nghi với một bộ máy hành chính mà người dân nói vui là "hành là chính", vốn làm nản lòng không ít nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có rất đông Việt kiều”.
Ông Phan Thành
(Việt kiều Canada)

Đa số doanh nhân Việt kiều tỏ ra khá hồ hởi với một hội nghị có ý nghĩa này. Bà Cécille Phạm (Pháp) đưa ra những kinh nghiệm làm ăn ở thị trường nước ngoài mà Việt kiều ở các nước đó có thể làm cầu nối với doanh nhân trong nước nhờ biết rõ luật lệ, tập quán kinh doanh và lưu ý các doanh nhân khi VN gia nhập WTO, cần quan tâm đến các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế ILO đối với  người lao động. Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân VN tại Nga Nguyễn Bá Anh nhấn mạnh: "Thị trường Nga không quá khó tính, nhưng thông tin về thị trường và hàng hóa VN hụt hẫng hàng chục năm nay là rào cản lớn cho xuất khẩu hàng VN vào thị trường đầy tiềm năng này. Do vậy, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước nên có chung "sàn giao dịch" mang tính toàn cầu cho doanh nghiệp VN để hỗ trợ, bổ sung cho nhau về mọi khía cạnh khi tham gia thị trường thế giới, tạo một giá trị mới cho đất nước Việt Nam".

Ông Trịnh Trung, Giám đốc nhóm Tài nguyên VN, Giám đốc điều hành phòng Thương mại Mỹ - Việt tại Hoa Kỳ, nơi có trên 1,2 triệu người Việt sinh sống (năm 2004) đề xuất nên thành lập sớm Hiệp hội các doanh nhân người Việt tại nước ngoài, bởi thời cơ thuận lợi đã đến: "Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị VN tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nhân Việt tại Mỹ tăng các cơ hội thương mại, dễ dàng về thăm quê hương, giúp đỡ bà con; trong đó nhiều doanh nhân có ước mong về hưu được trở về sinh sống ở quê cha đất tổ".

T.Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.