Mùa lạnh, đừng chủ quan khi da ngứa

24/12/2011 09:48 GMT+7

Tại Bệnh viện da liễu Quốc gia và Bệnh viện Da liễu Hà Nội trung bình mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị, số ca khám da bị ngứa, gãi có chỗ rách chảy máu tăng đột biến.

Tại Bệnh viện da liễu Quốc gia và Bệnh viện Da liễu Hà Nội trung bình mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị, số ca khám da bị ngứa, gãi có chỗ rách chảy máu tăng đột biến.

Càng gãi càng ngứa

Theo BS Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia, các hiện tượng ngứa da khi trời lạnh và bệnh nhân thường “càng gãi càng ngứa” thuộc nhóm bệnh viêm da cơ địa. Viêm da cơ địa gồm hai loại: Urtica (hay còn gọi là nổi mày đay) và da khô mọc mụn, đóng vẩy (á sừng). Nhóm bệnh này không nguy hiểm lắm nhưng có tỷ lệ dị ứng cao. Nguyên nhân là do cơ địa, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, môi trường tác động thì dễ xuất hiện như: môi trường ô nhiễm, thay đổi thời tiết, trời lạnh, nóng, hoặc khi ăn các thức ăn lạ….

Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu Quốc gia cho biết trời lạnh cũng làm bệnh mày đay cấp tính phát triển. Bệnh mày đay cấp tính xảy ra đột ngột khi gặp lạnh và xuất hiện ở bất kỳ vùng da, niêm mạc nào trên cơ thể, biểu hiện các nốt sẩn, phù nề màu đỏ như vết muỗi đốt. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Nốt sẩn ngứa kéo dài vài ba phút đến vài ba giờ rồi lặn. Bệnh có thể biểu hiện viêm đường ruột gây đau bụng, nôn, tiêu chảy, viêm phổi gây khó thở hoặc hen, thậm chí xảy ra ở tổ chức não gây phù nề rất nguy hiểm. Mày đay mạn tính xảy ra khi bệnh xuất hiện kế tiếp nhau nhiều lần hoặc cách quãng, không kể số lượng nốt sẩn nhiều hay ít. Nguyên nhân là do trời lạnh, chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô. Chính vì vậy mà mùa đông, thường có nhiều người bị ngứa bởi căn bệnh này cao hơn các mùa khác.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là bệnh rất hay gặp trong thời gian này. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với zona hay giời leo và dẫn đến điều trị sai lầm. Vào mùa thu đông có nhiều côn trùng bay buổi đêm và tối. Chính chúng là thủ phạm gây cho nhiều người lo lắng khi ngủ dậy bị các đám da đỏ, phù nề và thường có mủ. Đa số trường hợp bị ở vùng da hở, nhất là ở mặt. Các vết này thành đám hoặc vệt dài. Đây là một loại viêm da tiếp xúc kích ứng. Có những năm thành dịch bệnh ở Hà Nội và một số tỉnh/thành phố khác gây hoang mang trong nhân dân. Đến nay, các bác sĩ da liễu đã biết rõ về bệnh này và cách điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa biết cho nên có những trường hợp bị biến chứng bội nhiễm, gây loét và để lại vết sẹo, hoặc vết thâm rất lâu khỏi.


Bác sĩ Nguyễn Thành kê đơn thuốc cho bệnh nhân bị viêm da cơ địa Ảnh: Th.Hà

Người da khô dễ mắc bệnh hơn

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, bình thường da tiết ra những chất hữu cơ như axít organic cùng với mồ hôi. Các axít hữu cơ có tác dụng giữ cho da nhờn, mềm mại, đàn hồi bền bỉ, chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các axít hữu cơ, thêm vào đó khi sưởi ấm, hoặc mắc một số bệnh như dị ứng, suy tuyến giáp, viêm da, làm cho độ ẩm của da đã ít lại bốc hơi nhanh nên da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa. Khi thời tiết giá rét ít ngày, da vẫn tiết ra đủ các axít hữu cơ giữ cho da ẩm, mềm, nhờn và đàn hồi tốt, thì cơ thể bình thường. Nhưng gặp đợt lạnh và khô hanh kéo dài, khả năng tiết mồ hôi và các chất hữu cơ của da giảm hẳn, da sẽ bị khô nẻ, ngứa. Khi đến giới hạn an toàn của cơ thể, da không căng giãn thêm, không tiết mồ hôi và các axít hữu cơ để bảo vệ da thì lớp biểu bì da ngày càng mỏng, mất đàn hồi và nứt nẻ gây ngứa. Càng gãi càng rách da thêm và ngứa càng tăng. Hiện tượng ngứa do da khô xảy ra phần lớn ở người cao tuổi do một chất giữ cho da khỏi khô bị giảm do tuổi tác.

Những khuyến cáo

Vì thế các chuyên gia da liễu khuyến cáo vào mùa lạnh, nên tắm nhanh với nước vừa đủ ấm, dùng những loại sữa tắm ít làm mất chất nhờn của da. Tốt nhất là không nên dùng sữa tắm hoặc chỉ dùng ở những vùng nhiều mồ hôi như nách, háng, khuỷu tay, khuỷu chân. Mỗi ngày chỉ nên tắm một lần. Sau khi tắm, nên thoa da bằng những loại kem dưỡng da toàn thân để giúp da bớt khô. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, mặc dù bệnh này không nguy hiểm nhưng nếu bị ngứa trong thời gian dài không khỏi thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị theo sự hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa. Như vậy sẽ tránh được các hiện tượng nhiễm trùng, biến chứng nguy hiểm khác.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.