Tuyên chiến với lãng phí - Bài 1: Câu chuyện từ một tòa cao ốc

05/10/2005 23:21 GMT+7

Tại trung tâm TP.HCM, số 1 & 5 đường Lê Duẩn, có một công trình rất lạ. Đó là tòa cao ốc 23 tầng được xây dựng trên một mặt bằng hơn 4.000m2 đất, loại đất đắt giá nhất Việt Nam. Đây có lẽ là một trong những tòa nhà to nhất và đắt tiền nhất được xây bằng tiền của Nhà nước, song đây cũng là công trình thuộc cỡ "vô địch thiên hạ" về thời gian thi công - hơn 10 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trong hai "kế hoạch 5 năm" đó, có 2 cơ quan thay nhau làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư hiện nay là Tổng công ty Dầu khí. Cả hai thời kỳ, tòa cao ốc số 1 & 5 Lê Duẩn đều là chứng tích thất bại của cuộc đấu tranh chống lãng phí.

Những khách hàng đặc biệt của Vietnam Airlines

Tòa cao ốc được khởi công tháng 12.1995, ban đầu nhằm phục vụ cho một mục đích rất tốt đẹp mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau. Đến tháng 8.1997, sau khi xây dựng xong phần thô và lắp đặt hệ thống thang máy, điện lạnh và một số trang thiết bị với tổng vốn thực hiện lên tới trên 153 tỉ đồng, công trình bị tạm dừng thi công. Tháng 5.2000, công trình dở dang này được bàn giao cho Tổng công ty Dầu khí.

Theo một cựu quan chức của Văn phòng Chính phủ, dù không sử dụng cho mục đích ban đầu, nhưng việc giao cho Tổng công ty Dầu khí tiếp tục hoàn thiện để làm việc và kinh doanh cũng là quyết định đúng đắn của Chính phủ.  Bởi dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đứng thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ  4  Đông Á. Dành một vị trí trung tâm đẹp đẽ của thành phố cho Tổng công ty là một cách giải quyết thỏa đáng. Hơn nữa, và đây là điều quan trọng nhất, hầu như toàn bộ các cơ sở dầu khí đều nằm ở phía Nam, nên đặt trụ sở Tổng công ty Dầu khí tại TP.HCM là hợp lý nhất. Ngành dầu khí Việt Nam, cả về tiềm năng và thời gian bắt đầu, đều không thua kém bao xa so với Malaysia, nhưng tòa Tháp đôi cao ngất ngưởng thế giới tại nước này là của ngành dầu khí.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Tổng công ty Dầu khí lại không mấy "mặn mà" với công trình này. Trước hết, tòa cao ốc số 1 & 5 Lê Duẩn hiện giờ, như tấm biển giới thiệu của nó, chỉ là "Trung tâm điều hành dầu khí phía Nam", chứ không phải dùng làm trụ sở chính của tổng công ty. Thứ hai, có thể nói gần như công trình được nhận bàn giao rồi... để đó, vì từ tháng 5.2000 cho đến nay đã hơn 5 năm mà công trình vẫn chưa hoàn thiện xong. Người ta cứ thi công "lai rai", không biết đến bao giờ mới đưa vào sử dụng.

Tổng công ty Dầu khí là một doanh nghiệp. Là doanh nghiệp thì đương nhiên phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình. Nếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì không có chuyện gì phải bàn. Nhưng Tổng công ty Dầu khí là doanh nghiệp cực lớn của Nhà nước. Tài sản của Tổng công ty, cụ thể ở đây là tòa cao ốc số 5 Lê Duẩn, là tài sản của Nhà nước, nghĩa là của dân, giao cho để kinh doanh, thì không thể không "bàn" được. Hẳn Tổng công ty có đầy đủ các lý do để giải thích cho sự chậm trễ này. Nhưng dù lý do gì đi chăng nữa cũng không chính đáng, không đủ sức thuyết phục đối với người dân.

Người ta bảo rằng không có ngày nào là không có "người của dầu khí" đi trên các chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM - Hà Nội và ngược lại. Điều này là dễ hiểu, vì ai cũng biết hầu như toàn bộ các cơ sở dầu khí đều ở phía Nam, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đều diễn ra ở phía Nam, hàng vạn cán bộ, nhân viên, công nhân đều làm việc ở phía Nam, thế nhưng trụ sở của Tổng công ty - "tổng hành dinh" của ngành dầu khí - lại đóng tại Hà Nội. Cán bộ lãnh đạo của Tổng công ty đến cơ sở làm việc, dĩ nhiên phải đi máy bay. Cán bộ, nhân viên các đơn vị về hội họp, báo cáo, làm việc với Tổng công ty, cũng đi máy bay. Mỗi ngày có bao nhiêu người bay ra bay vào, mỗi năm tốn bao nhiêu tiền vé máy bay, nếu làm một cuộc khảo sát sẽ thấy ngay một con số lãng phí khổng lồ. Chúng tôi dám chắc với bạn đọc rằng không có một tập đoàn kinh tế tư nhân nào trên thế giới lại có thể phung phí tiền của đến mức đặt trụ sở làm việc cách xa cơ sở sản xuất hàng ngàn cây số như Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong khi hoàn toàn có đủ điều kiện đặt ngay bên cạnh. Đó là điều lạ lùng không ai hiểu nổi.

Cao ốc không bằng lãnh địa


Một góc công trình dang dở (ảnh: Duy Bùi)

Trở lại mục đích khởi thủy của công trình. Giữa những năm 1990, với quyết tâm chống lãng phí cao độ, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ tiến hành khảo sát việc sử dụng nhà đất của các ngành tại TP.HCM. Một báo cáo tổng hợp năm 1995 cho thấy có tới 57 bộ, ngành của trung ương đang quản lý, sử dụng một diện tích lên tới trên 6 triệu mét vuông nhà đất, gồm 311 biệt thự, 1.244 nhà phố, 178 cao ốc, 453 chung cư và 150 công trình khác. Trừ các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, doanh trại quân đội và công an cùng những diện tích làm việc hợp lý khác, còn lại phần lớn đều không sử dụng hết công năng hoặc để lãng phí nghiêm trọng, chưa kể đất đai bị xà xẻo, biến của công thành của tư.

Thường trực Chính phủ lúc đó đã ra một nghị quyết "gom" tất cả các cơ quan hành chính của các bộ, ngành tại TP.HCM vào một nơi làm việc. Đây là chủ trương chống lãng phí hết sức đúng đắn và hoàn toàn khả thi.  Tòa cao ốc số 5 Lê Duẩn ra đời nhằm mục đích đó. Nó sẽ là trụ sở làm việc chung cho cơ quan bộ, ngành tại phía Nam. Dự kiến sau khi "gom" các cơ quan vào trụ sở, Chính phủ sẽ thu hồi tất cả các mặt bằng sử dụng không có hiệu quả, không đúng mục đích vào hoạt động công ích có hiệu quả hơn, những diện tích dư thừa sẽ được bán đấu giá hoặc cho thuê lấy tiền phục vụ quốc kế dân sinh. Tiền xây dựng tòa nhà này cũng không cần lấy từ ngân sách mà lấy từ tiền bán những công trình không sử dụng.

Một cựu quan chức Văn phòng Chính phủ bức xúc nhớ lại: "Lúc đó đang xây dựng ào ào thì đùng một cái không thi công nữa" (tháng 8.1997). Lý do ban đầu được giải thích là thiếu tiền thi công. Có người "hiến kế" đem bán đấu giá một số diện tích nhà không sử dụng của các bộ cũng thừa tiền để hoàn thiện công trình. Nhưng tòa cao ốc vẫn không được hoàn thiện để phục vụ cho mục đích tốt đẹp ban đầu của nó. Nguyên nhân chính là một số cơ quan bộ, ngành không muốn được "gom" về một chỗ. Mỗi bộ lúc đó đều muốn có "lãnh địa riêng".

Đó là một trong những biểu hiện của tình trạng "trên bảo dưới không nghe" của  bộ máy hành chính chúng ta mà Thủ tướng Phan Văn Khải thường phê phán.

Đến giờ thì một số bộ đã được nhập lại, một số bộ được tách ra, bộ máy hành chính tuy có gọn nhẹ và hiệu quả hơn, tình hình nhà đất tuy đã có sự dịch chuyển đáng kể, nhưng những "lãnh địa riêng" tại TP.HCM của mỗi bộ, ngành vẫn không thay đổi.

Và như đã nói, tòa cao ốc được xây dựng dở dang dầm mưa dãi nắng suốt 5 năm rồi giao cho Tổng công ty Dầu khí làm chủ đầu tư, rồi dầm mưa dãi nắng thêm 5 năm nữa. Theo dự kiến, nếu tòa nhà hoàn thành trong năm 1997 thì kinh phí chỉ tốn 217 tỉ đồng. Còn hiện nay, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng với hàng loạt các thiết bị lắp đặt chưa sử dụng đã lỗi thời hoặc hư hỏng. Những người trong cuộc ước tính rằng, giá trị hoàn công của tòa cao ốc theo thiết kế được duyệt hiện nay sẽ không dưới 700 tỉ. Đó mới chỉ là một bài toán số học về giá trị thiệt hại của bản thân tòa nhà. Tổn thất lớn nhất xung quanh công trình này là một chủ trương, một mũi tiến công của cuộc đấu tranh chống lãng phí bị thất bại.

Cần nhớ, chúng ta đánh thắng giặc Pháp chỉ mất có 9 năm. Thế mà một tòa nhà thi công đến 10 năm vẫn chưa xong...

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.