Hoa hậu mang tên các loài hoa

21/12/2007 09:01 GMT+7

(TNO) Những ngày qua, TP Đà Lạt “nóng” lên với sự hiện diện của 48 người đẹp đến từ các dân tộc trong cả nước tham gia cuộc thi chung kết hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất.

Sau hơn 6 tháng tuyển chọn từ 1.500 thí sinh của các dân tộc trong cả nước, Ban tổ chức và Ban giám khảo đã chọn được 48 người đẹp bước vào vòng chung kết tại Đà Lạt (từ 11 - 21.12) và đêm chung kết sẽ diễn ra vào đêm 21.12. Những người đẹp đến từ 24 dân tộc: Kinh, Nùng, Chơ ro, Khơ me, Hoa, Tày, Mường, Thái, Chăm, Gia rai, H’mông, Chứt, Sán chay, Cơ tu, Giáy, Dao, La Chí, M’nông, Lô Lô, Ba na, Ê đê, Cơ ho, Mạ và Lào.

Đây là cuộc thi nhằm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những vẻ đẹp về hình thể, tâm hồn, trí tuệ, tài năng… cũng như giới thiệu nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của tất cả các dân tộc anh em trong lãnh thổ nước nhà đến với mọi người trong và ngoài nước.

Hai sơn nữ đến từ dân tộc Lô Lô và H’Mông

Dù đêm chung kết chưa diễn ra, nhưng có thể nói, cho đến giờ cuộc thi đã là một sự thành công của những người làm chương trình. Bà Hứa Thị Sắc - Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban Dân tộc Tôn giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: “Cuộc thi này nhằm tôn vinh các em ở các dân tộc khác nhau. Tạo điều kiện cho các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được giao lưu, học hỏi, tăng thêm tình đoàn kết, giúp các em tự tin trong việc tham gia các hoạt động giao lưu và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập”.

Những người đẹp dự thi lần này có đặc điểm là ít được tham gia các hoạt động cộng đồng, từ nhỏ đến lớn chưa một lần đi ra khỏi buôn làng, gia đình, chưa đi giày cao gót, chưa một lần bước lên sân khấu. Nhưng đến với cuộc thi, họ trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn khi là đại diện quảng bá hình ảnh, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với mọi người.

Bà Hứa Thị Sắc: Cuộc thi có ý nghĩa rất lớn, một số thí sinh dân tộc ít người có cơ hội tham gia học hỏi, nâng cao kỹ năng nhận thức trong cuộc sống để có những đóng góp vào sự phát triển của dân tộc mình; muốn quảng bá dân tộc mình có thế mạnh gì trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quan trọng hơn, không chỉ các em mà các bậc phụ huynh và cộng đồng dân tộc ở các địa phương sẽ thấy được niềm tự hào của dân tộc mình

Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Nhung - 21 tuổi, dân tộc Tày (Thái Nguyên) xúc động: “Em cảm thấy tự hào vì được đại diện cho dân tộc mình tham gia cuộc thi, giới thiệu những nét văn hóa, bản sắc của dân tộc em đến với tất cả mọi người. Em sẽ cố gắng hết sức mình để làm được những gì tốt nhất mang lại sự thành công cho cuộc thi”.

Là giáo viên mầm non, thí sinh Nguyễn Thị Hương, 21 tuổi, dân tộc Giáy (Hà Giang) cho biết: “Là giáo viên nhưng em chưa bao giờ được lên sân khấu. Nhân dịp này em sẽ “tranh thủ” quảng bá những hình ảnh, những nét văn hóa của dân tộc em đến với mọi người trong nước và thế giới”…

Trong đêm chung kết, sau màn trình diễn áo dài, trang phục truyền thống, trang phục thể thao, trang phục dạ hội, Ban giám khảo sẽ chọn ra 17 thí sinh đẹp nhất để từ đó chọn ra 7 người vào vòng thi ứng xử. Kết thúc đêm chung kết sẽ là lễ trao 3 danh vị: hoa hậu các dân tộc Việt Nam, 2 á hậu. Cuộc thi còn có 4 danh hiệu: hoa hậu thân thiện, tài năng, du lịch và hoa hậu miền sơn cước.

Các người đẹp với phần thi áo tắm ở thác Prenn (Đà Lạt)

Bên cạnh đó, 10 giải thưởng khác cũng được trao gồm: Người đẹp hoa sen (người có khuôn mặt khả ái nhất), người đẹp hoa tulip (người có làn da đẹp nhất), người đẹp hoa đào (người có phong cách trình diễn hay nhất), người đẹp hoa mimoza (người có nụ cười đẹp nhất), người đẹp hoa hồng (người có thân hình đẹp nhất), người đẹp hoa phong lan (người ăn ảnh nhất), người đẹp hoa hướng dương (người góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc), người đẹp hoa mai (người có trang phục ấn tượng nhất), người đẹp hoa cẩm chướng (người có đôi mắt đẹp nhất), người đẹp hoa cúc (người năng động nhất).

Gia Bình - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.