Các tỉnh chủ động ứng phó bão số 9

08/11/2008 23:44 GMT+7

* Vẫn còn gần 1.000 tàu thuyền đánh cá trên biển * 8 trường hợp ở Hà Tĩnh dương tính với phẩy khuẩn tả Theo thông tin nhanh của Phòng Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng), Bộ đội biên phòng 16 tỉnh thành tuyến biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau đã huy động gần 2.000 cán bộ chiến sĩ và 146 tàu, xuồng, ô tô các loại sẵn sàng tham gia phòng chống bão số 9.

Các đồn biên phòng ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau đã bắn pháo hiệu báo bão. Tính đến 18 giờ ngày 8.11, Bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo và kêu gọi được 24.563 tàu với 118.629 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 để chủ động di chuyển phòng tránh. 

Quảng Ngãi: Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến 16 giờ ngày 8.11, tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển là 849 chiếc với gần 6.000 lao động. Trong đó, riêng khu vực vùng biển Trường Sa có 398 chiếc với hơn 3.000 lao động. Đến sáng 8.11, hầu hết các tàu thuyền trên biển đã nắm bắt thông tin về cơn bão số 9. Các đài trực canh biên phòng giữ vững liên lạc với các tàu thuyền, đồng thời cũng đã kêu gọi được 142 tàu thuyền với gần 800 lao động về địa phương tránh bão an toàn.

Quảng Nam: Sáng 8.11, Bộ đội biên phòng tỉnh đưa 145 tàu thuyền với 722 lao động đang đánh bắt trên biển vào đất liền. Các đồn biên phòng cảng Kỳ Hà, Cửa Đại, Cù Lao Chàm giúp dân neo đậu tàu thuyền tránh bão. Đến chiều qua, cả tỉnh vẫn còn 48 phương tiện với 182 lao động hoạt động trên biển. Tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) các địa phương khẩn trương xác định các điểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, triển khai phương án di dời dân đến nơi an toàn... 

Đà Nẵng: Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng chiều 8.11 cho biết, hiện vẫn còn 234 tàu với 1.528 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 1 tàu đánh cá với 12 lao động nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão nhưng đang trên đường về đất liền, 31 tàu khác với 319 lao động đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, nơi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão trong 1, 2 ngày tới.

Thừa Thiên - Huế: Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến 17 giờ ngày 8.11 đã kêu gọi được 45 phương tiện với 296 lao động đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn. BCH PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra và dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu hộ, cứu nạn..., trong đó lưu ý tổ chức dự trữ lương thực đủ sử dụng trong 15 ngày đối với các địa bàn xung yếu, vùng dễ bị chia cắt; yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động cho học sinh nghỉ học khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng. 

Quảng Bình: Tại H.Lệ Thủy, mưa to kéo dài ở vùng thượng nguồn trong 2 ngày 7 và 8.11 khiến mực nước sông Kiến Giang dâng cao xấp xỉ báo động 2, lượng mưa đo được là 200 mm gây ngập cục bộ một số vùng thấp trũng như thôn Quy Hậu (xã Liên Thủy), xã Hồng Thủy và những nhà dân sống dọc bờ sông ở thị trấn Kiến Giang; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị ngập từ 0,3-0,5m. Chiều 8.11, Văn phòng BCH PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho hay tất cả tàu thuyền của địa phương đã vào bờ và tìm nơi trú ẩn. Mực nước sông Gianh, sông Nhật Lệ cũng đang dâng cao, dự báo sẽ tiếp tục lên.

Hà Tĩnh: Sau khi phát hiện một ngư dân vào trú thuyền tại xã Thạch Kim bị tả, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 8 người mang phẩy khuẩn tả. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh, đến sáng 8.11, ở Hà Tĩnh có 14 người bị tiêu chảy cấp, trong đó phát hiện thêm 4 trường hợp có mẫu bệnh phẩm dương tính với phẩy khuẩn tả. Hiện tại số người mắc các chứng tiêu chảy đang tăng lên, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển như Thạch Bằng (H.Lộc Hà), Thạch Trị (H.Thạch Hà), Kỳ Ninh (H.Kỳ Anh). Hiện tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động khoanh vùng dập dịch... Ngoài ra, chiều 8.11, đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng vào Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo xử lý.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông báo: lúc 16 giờ chiều qua 8.11, bão số 9 mạnh cấp 9, tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ vĩ bắc, 115 độ kinh đông trên khu vực bắc biển Đông. Dự báo, trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển chậm với tốc độ 5 km/giờ hướng về phía giữa bắc và bắc tây bắc.

Khoảng 16 giờ chiều nay 9.11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 260 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km. Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão số 9 có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng giữa nam và nam tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. 16 giờ ngày 10.11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km. Trong 48 - 72 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa nam và nam tây nam. Đến 16 giờ ngày 11.11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (phía bắc quần đảo Trường Sa) khoảng 210 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống còn cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa biển Đông, bao gồm cả phía đông nam quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; biển động rất mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; biển động mạnh. (Q.Duẩn - Mai Vọng)



Bản đồ Dự báo đường đi của bão số 9 Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương

Quang Duẩn - Hồ Trọng -  Phương Thảo - Minh Phương - Quang Nam - Hạnh Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.