Sốt xuất huyết tấn công người lớn

30/11/2008 23:17 GMT+7

Khác với mọi năm, sốt xuất huyết (SXH) ở TP.HCM không những không giảm vào thời điểm cuối năm, mà còn diễn biến phức tạp khi tấn công nhiều người lớn.

Ngày 27.11, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), nơi tập trung chữa bệnh SXH cho người lớn, có khoảng 150 bệnh nhân đang nằm viện. Tại khoa Nhiễm D (bệnh nhân SXH nam) và C (bệnh nhân nữ), người bệnh phải nằm tràn ra ngoài hành lang do quá đông so với số giường bệnh hiện hữu.

TS-BS Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết: “Thời gian này, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận mới từ 30-50 bệnh nhân SXH là người lớn. So với cùng thời điểm năm ngoái và những năm trước đây thì số ca mắc cao gấp 2-3 lần. Phần lớn bệnh nhân ở các quận Q.2, Q.7, Q.Tân Bình... Từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, bệnh viện tiếp nhận 9.600 bệnh nhân SXH, cả người lớn và bệnh nhi, trong đó người lớn chiếm khoảng 70%".

Các týp virus gây SXH biến đổi phức tạp

Theo TS Vũ Sinh Nam, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) có 4 týp virus gây dịch SXH là: D1, D2, D3 và D4. Những năm 1995-1996, týp D1 và D2 gây dịch SXH chiếm ưu thế. Năm 1998 xảy ra dịch lớn do týp D3. Đến thời điểm này, nguyên nhân gây bệnh trở lại týp D1 và D2. Trước đây, số mắc SXH ở miền Nam chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi (khoảng 95%), nhưng nay người lớn mắc SXH đã tăng lên, chiếm khoảng 20-30% tổng số bệnh nhân. Nguyên nhân có thể là do các týp virus gây dịch liên tục thay đổi, những người đã có miễn dịch với týp này vẫn có thể nhiễm bệnh với týp khác. Một người có thể mắc 4 lần SXH với 4 týp gây bệnh khác nhau. Trong cùng một týp lại có những chủng virus có độc lực khác nhau. Gần đây, các nhà khoa học còn nghĩ tới một týp virus Dengue mới - nguyên nhân khiến SXH gia tăng và diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay.

L.Châu

Đáng lo ngại, theo TS-BS Trần Tịnh Hiền, trước đây bệnh SXH ở người lớn thường ở lứa tuổi khoảng 18 - 19, cao nhất cũng khoảng 25 tuổi, nhưng hiện nay bệnh xảy ra ở cả những người 40 - 50 tuổi. Trong khi đó, không ít người chủ quan, khi mắc bệnh cứ nghĩ bị cảm cúm, nhiễm siêu vi do có nhiều triệu chứng tương tự, nên tự mua thuốc điều trị hoặc đi khám ở những phòng mạch được chẩn đoán không chính xác... dẫn đến bệnh chuyển nặng.

Chị M.N (50 tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh) bị sốt, người mệt mỏi, tưởng mắc bệnh cảm cúm nên ra phòng mạch tư khám, lấy thuốc uống. Hôm sau bệnh không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn, đến bệnh viện xét nghiệm kiểm tra mới biết mắc bệnh SXH và phải nhập viện khẩn cấp để chữa trị. Tương tự, bệnh nhân Đ.T.N (21 tuổi, tạm trú ở Q.Thủ Đức) bị sốt, đau đầu, tiêu chảy..., ra một cơ sở y tế công ở Q.9 khám, được bác sĩ chẩn đoán sốt siêu vi, cho thuốc về nhà uống. Uống thuốc hai ngày bệnh không giảm, mà nhiệt độ cơ thể vẫn cao, người mệt đừ, nên quay trở lại khám thì được xét nghiệm phát hiện mắc SXH, được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chữa trị hôm 24.11. Mới nhất là bệnh nhân B.T (20 tuổi, nhà ở P.4, Q.4) vừa nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hôm 26.11. Trước đó chị B.T bị sốt 3-4 ngày và có đến một phòng khám đa khoa nhưng bác sĩ không phát hiện ra bệnh. Uống thuốc mấy ngày vẫn còn sốt, nên sáng 26.11 chị vào bệnh viện và được xác định SXH, phải nằm viện điều trị nội trú...

Theo TS-BS Trần Tịnh Hiền, thường bệnh SXH biểu hiện ở người lớn là sốt cao 39 - 40 độ C, nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt mà nhiệt độ vẫn không hạ, kế đó là đau đầu, đau cơ, đau hốc mắt, xuất huyết dưới da, chảy máu răng... Nếu không được chẩn đoán, chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm khi xảy ra xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, suy thận... Đã có nhiều trường hợp SXH ở người lớn khi mới vào viện một, hai ngày là rơi vào tình trạng nặng như: viêm não, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa... Từ đầu năm đến nay đã có 5 bệnh nhân SXH người lớn bị tử vong. "Người lớn đang mắc SXH mà truyền dịch nhiều là rất nguy hiểm. Thế nhưng, thực tế không ít trường hợp vào viện trong tình trạng nặng, hoặc tử vong là do trước đó có truyền dịch ở phòng mạch, hay tuyến trước", TS-BS Trần Tịnh Hiền cảnh báo.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.