Khởi tố, bắt giam nguyên giám đốc Lê Minh Hoàng

04/10/2005 00:10 GMT+7

* Tạm đình chỉ nhiệm vụ và quyền hạn của Đại biểu QH đối với ông Hoàng Sau gần 4 tháng âm ỉ, những “ung nhọt” tại Công ty Điện lực TP.HCM đã được mổ xẻ... đến nơi đến chốn khi hôm qua 3.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đồng thời khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM để điều tra về hành vi “cố ý làm trái...”.

Khoảng 16 giờ 45 phút hôm qua 3.10, xe đặc chủng của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã áp giải ông Hoàng về nhà riêng tại Cư xá Điện lực (góc ngã ba Thái Văn Lung - Nguyễn Siêu, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) để thực hiện lệnh khám xét trong sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo đài và người dân sống trong khu vực.

Ở cư xá này, nhà ông Hoàng “to” nhất, đến 120m2 trong khi các căn hộ khác chỉ 60m2. Điều đặc biệt ở căn hộ này là chủ hộ có thể ra vào bằng 2 cổng ở 2 đường Thái Văn Lung hoặc Nguyễn Siêu. Theo nhân viên trên, cổng “VIP” ởã đường Thái Văn Lung thường dành cho các "sếp", còn nhân viên thì đi cổng phụ đường Nguyễn Siêu. Vì nghe thoáng "thông lệ" đó mà rất nhiều phóng viên đã tập trung tại cổng "VIP" để ghi hình trong khi ông Hoàng lại được tổ công tác của Cơ quan CSĐT đưa vào nhà bằng... cổng phụ. Sau đúng một giờ thực hiện lệnh khám xét, 17 giờ 45 phút, tổ công tác của Cơ quan CSĐT đưa ông Hoàng từ nhà riêng về trụ sở Công ty Điện lực TP.HCM (ĐLTP) ở số 12 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, để tiếp tục thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc. Ông Hoàng có vẻ rất bình tĩnh khi chậm rãi bước từ cầu thang xoắn xuống đường, dù lúc này nhiều người thân của ông không cầm được nước mắt.


Đông đảo phóng viên và người dân theo dõi việc khởi tố, bắt giam ông Hoàng. Ảnh: D.Đ.M
Khoảng 5 phút sau, 17 giờ 50, ông Hoàng đã được áp giải đến trụ sở Công ty ĐLTP. Chừng 10 phút sau thì ông Trần Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã có mặt và kịp thời trao cho ông Hoàng một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là Nghị quyết số 968/NQ/UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch QH Nguyễn Văn An ký ngày 3.10, về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH đối với ông Hoàng (ông Hoàng là đại biểu QH khóa XI). Ngay sau khi ông Hoàng nhận nghị quyết trên, tổ công tác của Cơ quan CSĐT đã tiếp tục tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định. Các lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với ông Hoàng đều có sự phê chuẩn của Viện KSND tối cao. Việc khám xét nơi làm việc của ông Hoàng kéo dài đến 18 giờ 50 mới kết thúc, ông Hoàng được đưa ra xe áp giải về trại tạm giam của Bộ Công an.

Thực ra, sự kiện này đã được dự báo trước vì khi khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can là cấp dưới của ông Hoàng (trong đó có ông Lê Văn Hoành, nguyên Phó giám đốc Công ty ĐLTP), Cơ quan CSĐT đã xác định được vai trò cũng như hành vi của ông Hoàng trong vụ án. Theo tài liệu điều tra, trong tổng số 13 hợp đồng mua ĐKĐT giả của Công ty Likton Vina, ông Hoàng đã đặt bút ký đến 10 hợp đồng. Song điều đáng nói là toàn bộ số hàng trên là do "công ty gia đình" (có cổ phần của ông Hoàng) sản xuất. Điều ấy lý giải vì sao Linkton Vina đã được Công ty ĐLTP ưu ái bỏ qua hàng loạt các sai sót, thậm chí phía Công ty ĐLTP còn làm trái các quy định của Chính phủ về quy chế đầu thầu để giúp Linkton Vina vượt qua rất nhiều đối thủ khác, trở thành nhà "cung cấp độc quyền" ĐKĐT cho Công ty ĐLTP.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vụ sai phạm tại Công ty ĐLTP gây hậu quả hết sức nặng nề cho Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội của người dân. Bởi lẽ, 312.000 chiếc ĐKĐT "dỏm" với giá 171 tỉ đồng trên không thể đưa vào sử dụng vì chất lượng kém, đối với những ĐKĐT đã lắp đặt cho người dân, giờ phải thay ra và lắp đặt điện kế cơ.

Tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng: 14 đoàn thanh, kiểm tra vẫn không phát hiện sai phạm!

Ông Đào Văn Hưng (ảnh), Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết như vậy khi trả lời PV Thanh Niên một số vấn đề về trách nhiệm của EVN đối với vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở Công ty Điện lực TP.HCM. Ông Hưng nói:

- Hiện nay, ngành điện phải phục vụ 24/24 giờ cho khoảng 80 triệu người và EVN phải quản lý và phân cấp quản lý lên tới 327 đơn vị (từ Cà Mau tới Hà Giang). Do công tác điều hành của EVN ở quy mô lớn như vậy nên phải tiến hành phân cấp, tự chủ cho doanh nghiệp cấp dưới. Và EVN không thể làm thay cho các đơn vị được phân cấp về ký hợp đồng mua bán vật tư, thiết bị, mà EVN chỉ vạch ra những đường hướng phát triển cần làm đối với các đơn vị.

* Trách nhiệm là cơ quan chủ quản, EVN vẫn phải thường xuyên giám sát, kiểm tra các dự án, các hợp đồng lớn của các đơn vị đó chứ, thưa ông, vậy tại sao sai phạm lớn ở Công ty Điện lực TP.HCM không được phát hiện?

- Nếu kiểm tra định kỳ lần lượt 327 đơn vị, mỗi đơn vị 2 ngày thì mất 2 năm mới kiểm tra hết. Do vậy cần phải có các đoàn thanh tra cấp Nhà nước làm việc tới 2-3 tháng mới ra được vấn đề. Nên EVN yêu cầu các đơn vị phải tự thanh tra, phải chấp hành các chủ trương của EVN giao cho họ. Từ năm 2001-2005 đã có 14 đoàn thanh tra, kiểm tra vào làm việc với Công ty Điện lực TP.HCM, nhưng chỉ phát hiện ra các sai phạm nhỏ mà không phát hiện được sai phạm nghiêm trọng. Riêng năm 2004, tại Công ty Điện lực TP.HCM đã có 5 đoàn kiểm tra vào làm việc, gồm: Cục Thuế TP (kiểm tra các hoạt động kinh tế, giá thành, doanh thu, lãi-lỗ); Sở Công nghiệp TP (kiểm tra về chức năng quản lý điện lực trên địa bàn); Đoàn của EVN kiểm tra về công tác đầu tư, xây dựng cơ bản; Công ty Kiểm toán VACO (theo hợp đồng với EVN) vào kiểm tra hoạt động tài chính, đánh giá hoạt động kinh doanh; Đoàn EVN kiểm tra về chỉ tiêu tổn thất điện của công ty. Nhưng cả 5 đoàn đều không phát hiện vụ ĐKĐT.

* Về mặt phân công trách nhiệm thì rõ ràng giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM Lê Minh Hoàng phải chịu trách nhiệm. Nhưng về phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản là EVN thì ông nghĩ thế nào?

- Trong vụ việc này, tôi vẫn nghĩ rằng một nhóm cán bộ tại Công ty Điện lực TP.HCM đã có ý đồ che đậy hành vi sai phạm đối với cấp trên. Sai phạm chính là sau khi được EVN duyệt gói thầu ĐKĐT số lượng 40.000 chiếc với giá 340.000đ/chiếc thì ông Hoàng lại tự ý phê duyệt đấu thầu 10.000 chiếc với giá 580.000 đ/chiếc, sau đó ký hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT (trị giá 171 tỉ đồng). Việc ông Hoàng thay đổi số lượng, giá đấu thầu và mua ĐKĐT mà không báo cáo với EVN là sai phạm lớn.

* Được biết, mới đây Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã yêu cầu lãnh đạo EVN trong kỳ họp tới phải đứng ra nhận trách nhiệm trước Quốc hội?

- Về vụ việc này, mới đây, tập thể ban lãnh đạo EVN vừa làm bản tường trình, nghiêm túc kiểm điểm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nếu Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ra trình bày trước kỳ họp tới của Quốc hội thì cũng là tạo điều kiện cho ngành điện trình bày tất cả các vấn đề về công tác quản lý của một doanh nghiệp. Cái chúng tôi mong muốn nhất là cơ chế quản lý và sự phối hợp quản lý để làm sao tránh được những thất thoát tương tự.

Việt Chiến
(thực hiện)

Minh Thuận - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.