Căng sức giữ rừng

18/03/2014 10:24 GMT+7

Nắng nóng kèm gió mạnh đang làm những cánh rừng U Minh Hạ kiệt nước. Dưới những gốc tràm già cỗi, lớp thực bì khô quéo, bạc dần theo cái nắng tháng 3…

Căng sức giữ rừng
Kiểm tra nước dưới chân rừng - Ảnh: Hằng Ny

Cạn nước chân rừng

Đầu mùa khô 2014 đến nay, trên 42.000 ha rừng tràm tại Cà Mau chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng đã có hàng ngàn ha khô hạn. Trong đó, ở khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ có gần 3.500 ha tràm dự báo cháy cấp 3 và đang chuyển sang cấp 4 (cấp nguy hiểm). Các khoảnh rừng lân cận cũng bắt đầu kiệt nước và dự báo cháy cấp 2.

Trên tháp canh lửa trung tâm (cao 26 m) của VQG U Minh Hạ, dễ dàng nhìn thấy mực nước dưới các con kênh đang kiệt dần. Những cây tràm bắt đầu rụng lá, cành nhánh bạc dần theo nắng gắt. Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG U Minh Hạ Lê Thanh Dũng sốt ruột: “Những ngày tới sẽ tiếp tục nắng nóng kèm gió mạnh, phần diện tích rừng đã kiệt nước sẽ tăng cấp báo cháy nhanh hơn”.

Cùng lúc, phần rừng giáp ranh giữa xã Khánh Bình Tây Bắc, VQG U Minh Hạ và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ cũng kiệt nước. Trên độ cao gần 20 m, anh Phan Chí Cường, Trạm quản lý bảo vệ rừng T21-90 (VQG U Minh Hạ) chăm chú dõi mắt qua ống dòm về những vạt rừng úa lá, cho biết mùa mưa năm 2013 kết thúc muộn nhưng cường độ nắng khốc liệt hơn mọi năm nên nước bốc hơi quá nhanh. “Với đà này, chưa hết tháng 3 nhiều con kênh sẽ không còn đủ nước chữa cháy”, anh Cường lo lắng.

Tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ, lãnh đạo đơn vị luân phiên giám sát việc canh lửa. Đưa cho chúng tôi xem bản dự báo cháy rừng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Trần Văn Hiếu cho biết có trên 1.500 ha tràm ở khu vực U Minh 1 và Trần Văn Thời đang khô hạn nặng, dự báo cháy cấp 3 (nguy cơ cháy cao). Có lẽ đến cuối tháng 3 các thửa rừng còn lại cũng khô hạn hoàn toàn.

Sẵn sàng ứng phó

Để chủ động phòng chống cháy rừng, ngoài lực lượng tại chỗ và tăng cường, các chủ rừng còn hợp đồng thêm lực lượng bổ sung cho các trạm, chốt và chòi canh lửa. Từ đầu mùa khô 2014, các đơn vị này còn xây dựng thêm lực lượng là dân cư sinh sống ở vùng đệm và xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các đơn vị giáp ranh, sẵn sàng hỗ trợ khi có cháy.

Hiện tại, các đơn vị đã đắp hơn 100 đập lớn, nhỏ giữ nước; xây dựng 126 chòi canh lửa, dự báo cháy rừng và thông tin dự báo cấp cháy. Ngoài ra, các chủ rừng còn chuẩn bị 51 máy bơm công suất lớn và 28 máy công suất nhỏ với trên 63.820 m vòi chữa cháy (bình quân 800 m/máy bơm); vận động người dân phát dọn tạo đường băng ngăn lửa; xây dựng lực lượng phòng, chống cháy rừng hơn 3.800 người theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ).

Anh Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc VQG U Minh Hạ, cho biết đơn vị đã chuẩn bị 35 máy bơm, hàng ngàn mét vòi chữa cháy, hơn 50 bộ vỏ máy với lực lượng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng tràm gần 200 người; phân công trực 24/24 và nghiêm cấm mọi người vào khu bảo vệ nghiêm ngặt.  Anh Trần Văn Hiếu cho biết: “Đơn vị đã triển khai 20 tổ máy bơm xuống các chốt canh. Mỗi chốt - chòi canh lửa được bố trí cách nhau khoảng 0,5 - 3 km để kịp thời hỗ trợ nhau khi có tình huống xấu”. 

Theo ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, các đơn vị cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền phòng chống cháy rừng trong dân, dựng bảng cảnh báo xung quanh khu vực rừng tràm, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các đơn vị và chủ rừng và giữ thông tin liên lạc thông suốt. “Khi rừng dự báo cháy cấp 3, 4, các đơn vị sẽ đưa lực lượng xuống các chốt trực nhằm đảm bảo đủ lực lượng tiếp ứng kịp thời khi có cháy và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Thức cho biết thêm.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết đến hết ngày 16.3, lâm phần rừng tràm U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai có gần 24.000 ha bị khô hạn, nguy cơ cháy cao. Trong đó, trên 11.000 ha rừng dự báo cấp 4 và cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Hằng Ny

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.