Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam: 2006 là năm của Việt Nam

16/11/2006 23:41 GMT+7

Hơn 1.000 lãnh đạo, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đến từ 30 nền kinh tế đã tham gia vào Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam 2006 vào hôm qua 16.11. Nhiều ý kiến quan trọng được đưa ra nhằm mục đích tăng cường cơ hội kinh doanh mới của Việt Nam thời hậu WTO.

Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt, Phó chủ tịch điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, bà Virginia Foote đánh giá năm 2006 là "Năm của Việt Nam". Theo Derek Williams, Chủ tịch Công ty Oracle, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, Việt Nam là ngôi sao đang lên tại khu vực châu Á và là câu chuyện thành công về ngành dệt may. Christoph Wiesner, đại biện lâm thời của Ủy ban châu u tại Việt Nam đánh giá Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc mở cửa thương mại với giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2006 tương đương trên 60% GDP của cả nước, cao hơn nhiều quốc gia ASEAN khác. Tuy nhiên, mặc dù có cải thiện, Việt Nam vẫn còn dựa vào một số sản phẩm chủ lực như dệt may, dầu mỏ, do đó nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu những mặt hàng trên gặp khó khăn. Ông đề nghị cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, như cảng biển, đường sá, giảm chi phí giao thông (chi phí giao thông tại nước ta còn cao hơn so với các nước khác). Một số đại biểu cho rằng hạn chế về cơ sở hạ tầng đã khiến Việt Nam mất ưu thế so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Những người tham gia thảo luận đều đồng ý lực lượng lao động là một trong các thế mạnh chủ lực giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Tổng giám đốc Intel tại Việt Nam, Lào, Campuchia Thân Trọng Phúc đưa ra báo cáo khảo sát so sánh lực lượng lao động của Việt Nam với các nước khác trong khu vực. Kết quả là 60% lao động tại Intel Việt Nam nằm trong số 25% lao động đứng đầu Intel trong cả khu vực. Ông còn nhấn mạnh nhân lực Việt Nam thỏa mãn rất tốt yêu cầu của Intel. Chaker Chahrour ở hãng sản xuất động cơ máy bay GE, đối tác lớn của Việt Nam Airlines, nhận xét chưa bao giờ nhận thấy sự năng động và tập trung cao độ của người dân trên thế giới như tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần đưa nhân viên Việt Nam lên mức cao hơn, ví dụ như phát triển lực lượng lao động có khả năng nói tiếng Anh và trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Khuyến khích các sinh viên chọn những ngành về kỹ thuật, công nghệ chứ không nên chỉ đổ xô vào các ngành dịch vụ như tiếp thị và kinh doanh. Một điều mà các nhà thảo luận tập trung xoáy sâu là Việt Nam nên lập tức đẩy mạnh hiện đại hóa chương trình giảng dạy trong các trường đại học, nâng cao khả năng ứng dụng chứ không thiên về lý thuyết như hiện nay. Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể về giáo dục. Theo lãnh đạo Intel, tập đoàn này đã xây dựng 20 chương trình giảng dạy tại các đại học Mỹ và trong tương lai gần sẽ chọn 5 trường đại học tại Việt Nam để áp dụng các chương trình này.

Một trong những vấn đề được các đại biểu rất quan tâm trong diễn đàn là thị trường vốn nội địa và phát hành trái phiếu trong nước. Giám đốc quản lý và trưởng bộ phận Fixed Income của Citigroup tại châu Á, Jeremy Amias đề nghị Việt Nam cần phải đưa ra khung hành động cụ thể để phát triển thị trường trái phiếu nội địa. Theo ông, hiện nay người nước ngoài gặp khó khăn khi mua trái phiếu mặc dù họ rất muốn đầu tư vào thị trường nước ta qua kênh trái phiếu. Hệ thống pháp lý của Việt Nam phải được sửa đổi để phù hợp với sự hoạt động của thị trường tiềm năng này.

Tr.B - T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.