Người kể chuyện làng: “Nhạc sĩ vườn”

18/10/2008 20:25 GMT+7

Khi còn ở làng, học trường xã, không khí chống Mỹ đang nóng lên từng ngày, những ca từ của "nhạc sĩ vườn" Hoàng Đình Luyện đã giúp thế hệ chúng tôi đứng vững: "Dù trăm địch họa, dù ngàn thiên tai, càng trong gian khổ mới biết sức trai Lệ Thủy".

Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi từ chiến trường trở về Hà Nội học tiếp 2 năm cuối khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp. Mùa hè năm 1976, tôi vào thăm quê Lệ Thủy - Quảng Bình. Một chàng cựu chiến binh xe tăng mới ra khỏi cuộc chiến tranh từ thế chiến thắng tuyệt đối, một sinh viên "tổng văn" Hà Nội về quê chiêm trũng Lệ Thủy - hoành tráng lắm, kiêu sa lắm. 24 tuổi, tôi, như bao chàng trai trưởng thành khác cũng thủ sẵn "một bé hương đồng gió nội". Bé kê kiểng xinh giòn lại có giọng. Tôi về, chờ bé hội diễn văn nghệ huyện hai ngày. Bé mời, tôi cười: "Ở thủ đô về lại đi xem văn nghệ "xóm" có mà hâm tỉ độ". Đêm, ngồi tắm trăng hóng gió bên dòng Kiến Giang, bé chưa hết hào hứng với thành công hội diễn cứ hồn nhiên kể, câu chuyện bắt vào những đam mê của một người đội trưởng văn nghệ, một nhạc sĩ vườn "cha căng chú kiết" nào đó xem ra đã đứng tuổi. Ban đầu tôi coi khinh không để ý. Nhưng bé kể mãi, kể mãi làm nổi lên một chân dung, một nhân cách làm tôi giật mình. Có người như thế ư? Thiếu sinh quân, giảng viên đại học, "nhân văn giai phẩm"... vỗ tuột về quê, coi khinh danh vọng, cày ruộng trồng khoai nuôi con và... hát. Đội văn nghệ nào từ cấp xóm đến cấp cơ quan, xí nghiệp tìm tới ông đều nhận đỡ đầu miễn phí, thảo thơm thì cơm ăn ba bữa, nước uống cả ngày. Đội thiếu củi nấu nước chè, ông dỡ luôn hàng rào nhà mình đun.

Chuyện đến vậy thì lòng tự ái của tôi không chịu được, suýt nữa đổ bể cả cuộc tình. Hết kỳ nghỉ hè tôi phới ra Hà thành.

Đất của tôi là... Thăng Long, văn khoa, đối tác của tôi là Đại học m nhạc (Nhạc viện), là hệ dây, hệ gõ... Một buổi trà dư tửu hậu ở quán gió, giới nhạc sĩ học chuyên tu người Bình - Trị - Thiên đàm tiếu và hát giọng nhạo báng về những "huyện ca" thời chống Mỹ, đại loại như: "Trai Lệ Thủy", "Gái Kiến Giang", "Gửi về Ngư Thủy", những ca từ rất mộc mạc: "Trai Lệ Thủy đạp bằng sóng gió vượt lên, xông lên! Dù trăm địch họa, dù ngàn thiên tai, càng trong gian khổ mới biết sức trai Lệ Thủy". Và nữa: "Gái Kiến Giang tuy bé nhỏ anh nờ/nhưng lòng thương bộ đội thì vô bờ anh ơi!". Mộc mạc thiệt thà như khoai sắn, như dân quân: "Tranh tre mây lạt mau gửi về Ngư Thủy, gửi tấm lòng ta thương nhau - gian nan có Bác Hồ, có Đảng có mối tình cách mạng ăn sâu". Hãy hình dung những ca từ ấy được thốt ra từ miệng những sinh viên đại học đang luyện những công-cec-tô, những sô-nát... thì thừa độ hài hước cho những trận cười hợp ca trên mặt hồ công viên Thống Nhất.

Cũng ăn mặc tươm tất thời thượng, cũng chén ga-tô, ăn lạc mặn uống bia hơi, cũng cười thành tiếng nhưng tôi bỗng chạnh lòng: Té ra những ca khúc quê kiểng này rất quen đối với cả một thế hệ thiếu niên sinh thời 5X của thế kỷ XX như tôi. Khi còn ở làng, học trường xã, không khí chống Mỹ đang nóng lên từng ngày, những ca từ này đã giúp thế hệ chúng tôi đứng vững. Những ca từ đứt đoạn ấy tôi thuộc từ tấm bé nhưng danh xưng nhạc sĩ thì tới lúc đó tôi mới nghe, buồn thay lại với giọng miệt thị của mấy anh chàng gọi là có học.

***

Tốt nghiệp, tôi nhào về Huế làm báo, lâu lâu lại dự một cuộc liên hoan văn nghệ toàn tỉnh. Chương trình của huyện quê tôi bao giờ cũng dính giải. Trong câu chuyện với các thành viên của đoàn tôi vẫn phải nghe những lời ca ngợi, thán phục "ông bầu" và cũng biết được ông vẫn có vẻ khốn khó thế nào ấy: không được cấp đất, bứng nhà đi hết nơi này đến nơi khác, con đông, phụ cấp ít ỏi và... đói - đó là Hoàng Đình Luyện!

Mãi tới 20 năm sau, cái hình bóng "hư hư thực thực" khiến tôi ghen bóng ghen gió kia mới hiện hữu. Đó là một lần hội ngộ của cựu học sinh trường thiếu sinh quân Liên khu 4. Người cầm càng chính là “nhạc sĩ vườn” Hoàng Đình Luyện. Té ra ông chẳng có gì để người khác phải ghen tuông cả: thấp đậm, mắt gần mù (di chứng của một lần y tá bệnh viện lấy nhầm thuốc đánh răng thay thuốc điểm mắt), lời lẽ hết sức chân thành, thuyết phục. Cả hội trường vỗ tay như sấm khi ông kết thúc tiết mục "diễn lại" bài diễn văn của tướng Nguyễn Sơn trong buổi tấn phong quân hàm thiếu tướng thời chống Pháp. Thì ra, ông từng là "chiến hữu", từng nhận được nhiều ân sủng của tướng Nguyễn Sơn - tư lệnh Liên khu 4 khi còn là cây văn nghệ có hạng ở trường thiếu sinh quân. Câu chuyện "nhân văn giai phẩm" chắc chỉ là chuyện "theo đóm ăn tàn" nhưng cũng đã làm anh từ bục giảng trường đại học sư phạm phải biếm "hồi hương bàn quán" làm anh nhạc sĩ không chuyên, không lương.

Nhưng ông là người yêu đời, yêu người, yêu vợ con vô hạn. Những ca khúc cấp huyện của ông cả tiết tấu lẫn ca từ đều vang lên cung bậc của lòng lạc quan, yêu dòng sông - bến nước - con đò, ruộng lúa bờ mương của quê hương hai huyện (Lệ Thủy, Quảng Ninh), dẫu đang trong vòng tuyến lửa đạn bom từ Hạm đội 7 và không lực Mỹ hằng ngày tưới xuống. Sau này quen nhau, mỗi lần gặp lại tôi, ông hay nhương nhướng cặp "nhãn" 2/10 đầy âu lo: Sao trông bạn hơi xanh? Có đau ốm chi không?! Rồi ông cho tôi một lọ dầu vạn năng có tên gọi là "dầu của mẹ" chữa bách bệnh. Huyệt đạo hiệu quả nhất là "nhân trung". Tôi bôi lên mũi và hiểu ra "dầu của mẹ" chữa bách bệnh là dầu "tràm" - một cách đặt tên thuốc được đúc kết cho cả một thiên niên kỷ.

Cái ngày cách nay 32 năm khi nghe cô bé "tấm cám" ca ngợi ông từng dỡ hàng rào cho đội văn nghệ đun nước, tôi đã đi kiểm tra, đã mục sở thị đoạn hàng rào bị dỡ, đã cuồng lên ghen tuông, cho đến thời trước khi ông mất, nhà vẫn nằm ven sông, có được xây cất nhưng cửa rả tuềnh toàng, sài môn, rào thưa. Lối vào vườn nhà ông (như cách nói của Tư Mã Thiên) là đường vào nhà bậc thức giả, nghèo nhưng không hèn, thấy hằn nhiều vết bánh xe của bậc quyền quý. Ngày lễ tết, các vị lãnh đạo huyện vẫn đến thăm và có chút quà. Bạn chiến đấu, bạn "nhân văn giai phẩm", khách đường xa nghe danh cũng ghé lại. Nhiều người làm quan, phú ông phởn chí đến khoe sang, giàu, người tuyệt vọng, gái chửa hoang cũng tìm đến ông than thở. Ông tiếp tất cả, làm vừa lòng tất cả chỉ bằng một liều thuốc vạn năng: tấm lòng nhân hậu, vị tha.

Nghe tin ông mất khi chưa kịp chớm thất thập tôi bàng hoàng cả mấy ngày. Đất Lệ Thủy thiếu ông sẽ ra sao đây, tiếng hát đồng chiêm và giọng hò khoan, mái nhì mái đẩy có còn vang trên mặt nước Kiến Giang? Hoàng Đình Luyện chết rồi! Một "danh nhân văn hóa làng" đã ra đi, căn nhà ông đã bán, con trai ông tốt nghiệp đại học văn khoa năm lần bảy lượt xin việc vẫn trầy trật.

Mỗi lần về quê qua cầu Xuân Phong nhìn vào khu vườn, căn nhà ông nay đã thành quán "bê thui", tôi thấy lòng hoang hoải, nhìn thấy nơi đầu cầu như ông đang đứng, một bức chân dung rất giống hình đồng dạng phối cảnh của một nguyên thủ Trung Quốc, nhấc cặp kính, nhương nhướng đôi mắt thị lực 2/10 mà hỏi: "Sao trông bạn có vẻ xanh? Mình có lọ thuốc chữa bách bệnh". Rồi ông vén áo lôi ra một lọ dầu có tên "dầu của mẹ". 

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.