Lướt qua vùng khủng hoảng

04/12/2011 00:38 GMT+7

Những ngày trung tuần tháng 11, trong cơn bão nợ công ở Hy Lạp, cuộc sống của người dân Athens vẫn diễn ra sinh động với nhiều lo toan, thắt thỏm…

Những ngày trung tuần tháng 11, trong cơn bão nợ công ở Hy Lạp, cuộc sống của người dân Athens vẫn diễn ra sinh động với nhiều lo toan, thắt thỏm…

Từ bất cập đến phản kháng

Người dân Hy Lạp thông minh và thân thiện; sự cần cù cũng là truyền thống. Vào mùa đông, các cửa hàng vẫn mở cửa từ sáng sớm đến tận 10 giờ đêm. Bạn có thể an tâm vì nguồn thực phẩm an toàn khi đến đất nước giàu truyền thuyết này; dù kinh tế nông nghiệp không phải là thế mạnh so với du lịch, kinh tế biển hay một số ngành công nghiệp khác.

Khủng hoảng thâm hụt Hy Lạp có thể nói như một điều tất yếu, hệ quả kéo dài từ năm ngoái đến nay của nhiều yếu tố quản lý, điều hành đất nước. Không chỉ là những số liệu không trung thực về tài chính công trong quá trình gia nhập EU mà còn là chi phí an ninh cao, bộ máy ăn lương lớn - khoảng hơn 1 triệu người, chiếm 1/10 dân số; lương công chức quá cao - cao hơn cả lương công chức đồng cấp của nước Đức. Bộ máy hành chính nặng nề ấy không chỉ làm nặng quỹ lương mà còn chồng chéo, không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, các chuyên gia còn quy một phần trách nhiệm gây ra khủng hoảng bởi nền “kinh tế chợ đen” và nạn trốn thuế.

 
Cảnh sát Hy Lạp canh chừng biểu tình ở khu shop du lịch gần Acropolis - Ảnh: Q.T

Biểu hiện dễ thấy của sự sa sút một nền kinh tế là sức mua giảm dần và đời sống người lao động ngày một sụt giảm. Theo ông Thodoris Hionis, Bí thư T.Ư Đoàn TN Cộng sản Hy Lạp, tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 43%, tình trạng thanh niên công nhân bị sa thải và tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở mức báo động. Tổ chức những người Cộng sản trẻ Hy Lạp đã kiên trì tổ chức nhiều hình thức đấu tranh vì dân chủ, dân sinh, vì một nền kinh tế cần phải cấu trúc lại; trong đó có những cuộc đình công, biểu tình rầm rộ.

Sau thời điểm cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu u, ông Lucas Papademos, được chỉ định làm Thủ tướng mới của Chính phủ Liên hiệp Hy Lạp, có lúc, hơn 7 ngàn cảnh sát đã được tung ra để ngăn chặn hàng vạn người biểu tình chống tăng thuế, cắt giảm lương và một số chính sách thắt lưng buộc bụng. Người biểu tình chọn những đại lộ trung tâm, những quảng trường, công viên lớn; không phá phách tài sản chung và của người khác, không làm điều gì ảnh hưởng đến khách du lịch. Thách thức không chỉ của ông Lucas, mà còn của cả eurozone và Quỹ IMF, bởi câu chuyện không chỉ đơn giản là  những gói “cứu trợ” tiền tỉ euro mà cần sự đồng thuận chính trị, sự đoàn kết quốc gia cần thiết để vượt qua khủng hoảng.

Chuyện Việt trên xứ người

Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp được thành lập tròn một năm nay, công việc tất bật không chỉ chuyện ngoại giao mà còn là xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, chăm lo cho kiều bào... Theo Đại sứ Vũ Bình, công tác tổ chức Phân hội người Việt tại Hy Lạp vừa hoàn thành, ông đang chuẩn bị các bước để thành lập Phòng Thương mại  Việt Nam - Hy Lạp nhằm gia tăng hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản, thủy hải sản, hàng dệt may và một số sản phẩm công nghiệp khác.

Cộng đồng người Việt tại Hy Lạp khoảng gần 600 người, hơn phân nửa sống tại thủ đô Athens, nhập cư trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đa số chọn việc kinh doanh nhà hàng, quán ăn, buôn bán nhỏ để mưu sinh. Thành “đại gia” thì chưa có ai, nhưng nhìn chung hầu hết có cuộc sống ổn định. Quá trình hội nhập của bà con thuận lợi vì người dân nước sở tại không kỳ thị, tận tình giúp đỡ khi cần; cũng có khó khăn vì học tiếng Hy Lạp -  một nhánh độc lập của hệ ngôn ngữ Ấn-u, có bảng chữ cái khác hẳn so với tiếng La tinh. Ít người có điều kiện cho con học hệ tiếng Anh ở các trường quốc tế vì chi phí cao, từ 9 đến 12 ngàn euro mỗi năm học.

Việc khủng hoảng nợ công tác động gián tiếp vào đời sống của cộng đồng người Việt khi lượng khách hàng có phần nào sụt giảm; dù sao, cũng có thể “cầm cự được qua ngày”, nói theo cách của anh Phạm Văn Truyền , chủ nhà hàng Golden Phoenix ở Chalandri. Người Hy Lạp thích các món chiên, nướng, nói chung là ăn khô nên món phở Việt không có cơ hội được phổ biến rộng rãi.

Ở một góc nhìn khác, người dân Hy Lạp nói chung đều bày tỏ sự quý mến, trân trọng đối với kiều bào ta và cả với khách du lịch người Việt. Trong tâm thức của họ, đặc biệt là những người độ tuổi trung niên trở lên, hai tiếng Việt Nam gắn liền với truyền thống anh hùng, với sự cởi mở và năng động. Thực sự xúc động khi nghe những lời chân thành như thế từ bà Katepina, chủ một quán nhỏ bán thức ăn nhanh trên phố Kifissias khi chúng tôi trao đổi với bà sự chia sẻ đời thường về câu chuyện khủng hoảng kinh tế. Tặng chúng tôi một ít bánh trái , bà biểu lộ thân tình một cách dí dỏm: “Các bạn luôn đủ sức để tạo ra những kỷ niệm buồn cho các thế lực xâm lược...”.

“Giao lưu văn hóa giữa hai nước là một nhu cầu thực sự khi chúng ta có được thuận lợi về sự hiểu biết và quý mến từ các bạn Hy Lạp như thế” - Đại sứ Vũ Bình chia sẻ. Sang năm 2012, điều kiện có thể thuận lợi hơn để tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến thương mại, những ngày Văn hóa VN tại Hy Lạp mà sự hiện diện của các nhà doanh nghiệp trẻ cùng các nghệ sĩ trẻ nước ta chắc chắn sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong chính giới và người dân Hy Lạp.

Có qua vùng khủng hoảng, mới cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của sự ổn định. Không chỉ thế, việc tăng cường hiểu biết và hợp tác cùng nhau trong lúc khó khăn lại càng thêm ý nghĩa… 

Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.