Thư bạn đọc tuần qua (5 - 11/12)

12/12/2005 09:07 GMT+7

Niềm vui, niềm tự hào lớn lao trước thành công rực rỡ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 23 vẫn không thể che khuất nỗi thất vọng của các fan bóng đá sau chiếc huy chương bạc của môn bóng đá nam. Sau những ý kiến bạn đọc đăng trên Thanh Niên ngày 8/12 vừa qua, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận các thư có nội dung liên quan đến việc xác định nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm quý báu để phát triển nền bóng đá nước nhà.

Thư bạn Minh Nguyễn (lucky_saigon@yahoo.com): "Sau thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam, vẫn chưa thấy mọi người nói đến trách nhiệm của HLV trưởng, và ông ấy cũng đã đá trái banh trách nhiệm ra chỗ khác một cách nhẹ nhàng khi nói rằng chúng ta thua vì Thái Lan mạnh hơn. Đúng là Thái Lan mạnh hơn, nhưng nếu lúc nào đội mạnh hơn cũng thắng thì đó không phải bóng đá. Nếu ai xem giải ngọai hạng Anh vào tối thứ bảy vừa rồi, sẽ thấy đội Arsena hùng mạnh đã phải thất thủ trước Bolton. Trở lại trận chung kết, chúng ta thua không chỉ vì Thái Lan mạnh hơn, mà còn vì đấu pháp của ta dở tệ. Nhìn xem các trận đấu của U23-VN dưới sự dẫn dắt của HLV Riedl đến nay, có thể thấy là chúng ta chỉ thi đấu với một đấu pháp duy nhất và buồn tẻ: có banh liền đưa ra hai biên cho cầu thủ chạy cánh dốc xuống gần biên ngang rồi tạt vô, không hề có bất cứ một miếng đánh trung lộ nào cả. Ngòai ra, khi bóng đang ở cánh nào là các cầu thủ chỉ loay hoay chuyền cho nhau ở cánh đó, mà thiếu hẳn những đường chuyền lật cách để tạo đột biến. Một đấu pháp quá đơn điệu và không hề thay đổi cũng đã góp công giúp Việt Nam thua Thái Lan một cách toàn diện. Ngòai ra, cũng cần phải nói đến trách nhiệm của các CLB bóng đá trong nước. Không hiểu họ huấn luyện cầu thủ thế nào mà cứ mỗi khi tập trung vô đội tuyển thì lại phải dợt thể lực cho cầu thủ để họ đủ sức đá 90 phút. Đội tuyển quốc gia giống như là nơi để tập thể lực cho cầu thủ vậy, lẽ ra phải làm ngược lại là CLB huấn luyện cầu thủ mọi thứ, còn đội tuyển chỉ "xài ké" thôi".

Việc bình chọn cầu thủ xuất sắc cũng tiếp tục nhận được các ý kiến khác nhau:
Thư bạn Nguyễn Hữu Trí (p_s_a@hcm.vnn.vn): "Xin góp ý về cầu thủ xuất sắc. Một số cầu thủ tiền đạo và trung phong hay lạm dụng kỹ thuật các nhân dẫn đến mất bóng. Nhưng điều này không có nơi Tài Em. Do đó, đâu cứ phải là người đá vào lưới đối thủ mới là cầu thủ suất sắc. Vì vậy, tôi xin đề xuất Nguyễn Văn Tài Em là cầu thủ suất sắc vì đã làm tốt vai trò của mình ở trung tâm, không cá nhân mà luôn chuyền tốt cho đồng đội ghi bàn".

Thư bạn Nam Long (namlong1965@vnn.vn): "Theo tôi Văn Quyến mới là cầu thủ xuất sắc nhất vì anh đã lật ngược tình thế cho Việt Nam trong những lúc khó khăn nhất, đưa Việt Nam vào đến chung kết".

Từ sự việc có sự khác biệt trong chẩn đoán bệnh của một bé trai, một số bạn đọc đã có thư phản ánh liên quan đến chất lượng phục vụ cũng như thái độ làm việc của một số "từ mẫu" trong  bệnh viện, đặc biệt là ở các bệnh viện nhi. Bạn đọc ký tên Vinh (kq-vinh@saigonnet.vn) có thư: "Tôi có 2 con trai, cháu lớn 3 tuổi rưỡi và cháu nhỏ 2 tuổi. Sau khi khám ở một bác sĩ tư, được biết 2 cháu đều bị hẹp bao quy đầu. BS này khuyên tôi đưa các cháu đến BVNĐ1 để "thủ thuật". Dù xưa nay vẫn đưa các cháu đến khám ở BVNĐ2, tôi vẫn đem cháu nhỏ thử đi thủ thuật ở BVNĐ1 theo lời khuyên của BS. Chi phí (dịch vụ) hết 70.000 VNĐ (20.000 khám + 50.000 thủ thuật). Đến lần sau đưa cháu lớn đi, tôi lại đem đến BVNĐ2 vì thấy thủ thuật này cũng chẳng có gì "ghê gớm". Chi phí ở BVNĐ2 bằng 0, vì tôi chìa ra thẻ BH của cháu. BS ở đây thực hiện rất "nhẹ nhàng", và cũng không có gì là "phân biệt đối xử" giữa bảo hiểm và dịch vụ. Sau đó khoảng 1 tháng, tôi thấy cháu lớn có vẻ không "khá" hơn (dù "bị" nhẹ hơn cháu nhỏ). Nghĩa là nó không đi "xi" tốt hơn cháu nhỏ, mà còn có thêm 1 cục "kén" mới đóng ở trong bao quy đầu. Tôi quyết định đưa cháu lớn đến BVNĐ1 để làm lại, chấp nhận làm DV & tốn 70.000đ. Đã hơn 4 tháng rồi, cháu lớn rất "tốt". Điều tôi muốn nêu ra đây rõ ràng không phải là giá cả dịch vụ (dù so với BV Triều An thì đã rẻ hơn nhiều), cũng như chất lượng giữa bảo hiểm và dịch vụ (BVNĐ1 và 2 đều làm rất tốt và rõ ràng). Cái tôi muốn ghi nhận là cách thức và tác phong của các BS ở BVNĐ1 đã làm tôi "cảm thấy" chuyên nghiệp hơn, và kết quả thực tế của con tôi cũng gần như đã xác định như vậy. Trái lại, tôi không có cảm giác đó ở BVNĐ2, dù quả thực tôi có nhiều "cảm tình" xưa cũ với BV này từ bé".

Bạn đọc ký tên Q.Tuấn (td649@yahoo.com) cũng có thư phản ánh tương tự: "Tôi cũng xin kể về trường hợp của con mình. Chuyện đã xảy ra cách đây khoảng một năm nên tôi không còn nhớ rõ một số chi tiết. Lần đó con tôi bị nhức răng nên vợ chồng tôi chở con đến BVNĐ2 để khám dịch vụ. Sau khi khám xong, bác sĩ chỉ định trám hai cái răng sâu. Chuyện mà tôi muốn nói là sau khi trám răng ra, con tôi đã bị sốc và không bao giờ chịu trở lại phòng khám này nữa! Vợ tôi nói lúc trám răng bác sĩ đã quát nạt nó rất dữ tợn. Cho nên từ đó về sau vợ chồng tôi phải dẫn con đi khám răng nơi khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đưa con đến BVNĐ2 để khám dịch vụ những bệnh khác như viêm mũi họng. Sau này tôi có vài dịp quan sát phòng khám răng đó và thấy rằng đây là phòng có rất ít bé tới khám. So với phòng khám tai mũi họng ở dãy đối diện thì phòng khám răng có lẽ ít khách hơn đến chục lần! Tôi nghĩ lý do có lẽ cũng giống như trường hợp của mình. Vì việc này xảy ra cũng đã lâu nên vợ chồng tôi không còn nhớ tên bác sĩ đó, chỉ nhớ đó là một bác sĩ nữ khoảng 30 tuổi. Kể lại chuyện này, tôi không có mục đích gì khác ngoài việc mong muốn BVNĐ2 có thể cải tiến chất lượng phục vụ".

Từ bài báo Tướng công an làm từ thiện, bạn đọc có thư: "Rất hay và rất xúc động khi đọc bài báo nói về chú Nguyễn Việt Thành, và cả các bài báo và phóng sự truyền hình trước đây nữa. Chú thật sự là tấm gương của một người Cộng sản, cả về hành động, lời nói và trí tuệ, để lớp trẻ noi theo. Chúc chú luôn mạnh khỏe. (Lê Trường Sơn - Vietnam House in Singapore)".

Bạn Thu Hằng (Hangphan692000@yahoo.com) góp thêm một tiếng nói đồng tình với những ý kiến cho rằng khiêu vũ là một loại hình giải trí văn hóa lành mạnh: "Tôi năm nay 37 tuổi, tôi bắt đầu đến sàn nhảy từ năm 1989. Theo tôi hiểu, khiêu vũ là một nét văn hoá mang tính quốc tế và cần được phổ cập trong giáo dục ứng xử, đó là một hoạt động không thể thiếu được trong xã hội hiện đại, nếu quản lý tốt sẽ tạo một sân chơi lành mạnh cho toàn xã hội. Bản chất của karaoke và khiêu vũ là giải trí, nó có tác dụng giảm strees cực kỳ hiệu quả và làm tăng sự tự tin của mỗi người trước đám đông. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng nơi tôi sống bây giờ chẳng có vũ trường nào theo đúng nghĩa vũ trường để cho lứa tuổi chúng tôi dám bước vào".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.