“Săn” vẻ đẹp đời thường

27/10/2009 16:44 GMT+7

(TNTS) “Post card của Peter Phạm ký gửi bán rất chạy, doanh thu luôn thuộc hàng top”, nhân viên bán hàng của nhiều nhà sách lớn ở TP.HCM cho biết. Peter Phạm, cái tên vừa lạ vừa quen này trong thời gian gần đây đã thu hút được sự chú ý của dân chơi post card trong và ngoài nước. Đáng ngạc nhiên hơn, anh là dân làm công nghệ và chỉ mới chân ướt chân ráo vào nghề.

Điều làm cho hình ảnh trên post card của nhiếp ảnh Peter Phạm được nhiều người nước ngoài ưa chuộng không phải là do kỹ thuật. Càng không phải là do cách anh sắp đặt, hay bố cục trong một tấm ảnh. Đó cũng không phải là do những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hay những sự kiện có tính lịch sử. Đôi khi trong ảnh của Peter Phạm chỉ là hình ảnh của một người phụ nữ buôn gánh bán bưng, một ông cụ đang kéo xe đẩy, một bà lão đang kiếm miếng ăn từng ngày bên cạnh chiếc cân cũ kỹ.

 

Bốc hàng lên xe ra cảng

Với mọi người, những hình ảnh đó quá đỗi bình thường. “Gánh hàng rong, bức tường rêu, hay những buôn làng vùng ven rồi sẽ biến mất theo quá trình đô thị. Bây giờ có thể những bức ảnh này chưa hẳn có giá trị gì nhưng 20 hay 30 năm sau thì chúng sẽ giúp con người nhớ về một thời đã qua”, Peter Phạm tự tin cho biết.

Peter Phạm

Với Peter Phạm thì văn hóa Việt Nam nằm trong con người Việt. Những hình ảnh đời thường đã toát lên cái đẹp mà không cần phải điểm xuyến thêm bất cứ điều gì. Sắp tới, mọi người sẽ có dịp ngắm nhìn các tác phẩm đời thường này tại cuộc triển lãm kéo dài từ ngày 25.10 đến ngày 25.11 với 80 bức ảnh tại nhân dịp Peter Phạm khai trương gallery của mình tại số 43 Đồng Khởi, TP.HCM.

35 năm định cự tại Mỹ. Tốt nghiệp đại học ngành computer science, lúc còn ở Mỹ nghề chính của Peter Phạm là lập trình viên web của hãng IBM. Nhưng vì quá mê con người Việt Nam mà anh trở về quê hương cùng chiếc máy ảnh. Bây giờ nghề tay phải của anh là chụp những hình ảnh đời thường về con người Việt Nam để quảng bá ra nước ngoài. Còn nghề tay trái là kinh doanh tranh sơn dầu. “Nghề tay trái nuôi sống nghề tay phải bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, Peter Phạm tâm sự.

Nhờ lại thời còn sống ở Mỹ, cứ cuối tuần rảnh rỗi là anh lại lang thang hết ở phòng tranh này tới triển lãm kia. Ngắm tranh đã trở thành thú vui của anh và cũng không biết từ khi nào tranh sơn dầu ngấm vào trong máu của anh chàng kỹ sư gốc Việt đó.

 

Bán hàng đêm ở TP.HCM

Chính vì vậy, Peter Phạm không có gì ngạc nhiên khi nhiều người nhận xét ảnh của anh giống một bức tranh sơn dầu. “Tôi thích màu sắc, màu sắc làm cho hình ảnh thêm tươi tắn và mang nhiều hàm nghĩa khác nhau”, Peter Phạm thổ lộ. Bất kỳ  ai xem ảnh của anh đều cảm nhận được những khoảnh khắc giản dị nhưng lồng trong một không gian đầy màu sắc.

 

Chợ ven sông

Luôn khẳng định: “Tôi là thằng Mỹ con. Tôi nhìn cuộc sống ở Việt Nam bằng con mắt của một người Mỹ”. Nhưng khi hỏi anh: “Liệu về đây sống luôn thì con mắt của anh có bị “bình thường hóa” không?”. Trầm ngâm một lúc lâu, Peter Phạm nói: “Tôi rất lo sợ điều đó. Sẽ có một ngày tôi nhìn những hàng quán, những con người lao động mộc mạc tại Việt Nam như một điều bình thường. Lúc ấy tôi không còn có thể chụp hình được nữa. Nên từ bây giờ tôi phải cố gắng ghi nhận thật nhiều, đi thật nhiều…”.

Cậu bé ở nhà chòi

Chưa có dịp đi hết đất nước, nhưng có những nơi đã đi rồi làm anh say mê lắm. Mê say và nhiều lần quay trở lại. Chẳng hạn, anh đi Châu Đốc bốn lần, đến huyện Tri Tôn hai lần và đi Hội An cũng sơ sơ năm lần rồi. Peter Phạm hồ hởi nói: “Sắp tới, tôi sẽ đi Hà Giang sáng tác, nơi ấy nghe nhiều người nói có đi đến 50 lần cũng chưa thấy chán”. 

 

Mót cá ven biển

Peter Phạm thổ lộ: “Tôi muốn gửi đến những người nước ngoài khi có dịp ghé đến Việt Nam những hình ảnh về chính con người nơi đây. Những hình ảnh mộc mạc mà họ có thể bắt gặp bất cứ lúc nào trong chuyến du lịch của mình. Khi về nước, họ nhìn những hình ảnh đó và nhớ về Việt Nam”.

Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.