Nhận biết viêm gan siêu vi

18/12/2009 10:09 GMT+7

(TNTT>) Viêm gan là tình trạng viêm nhiễm tế bào gan. Nguyên nhân có thể do virus, bệnh tự miễn hay ngộ độc rượu, thuốc, bệnh lý đường mật.

Gan là một bộ phận rất quan trọng của cơ thể, có 3 chức năng chính: tổng hợp albumine và các yếu tố đông máu; giải độc (một số thuốc dùng được thải trừ qua gan) và thông mật - nếu suy giảm sẽ gây ứ mật, vàng da.

Sự suy yếu chức năng gan sẽ dẫn tới: mệt mỏi; vàng da, mắt; bệnh lý não do gan dẫn đến phù não, hôn mê, có thể gặp ở người bị viêm gan cấp, xơ gan; xuất huyết do thiếu các yếu tố đông máu; xuất huyết do vỡ tĩnh mạch thực quản, trĩ ở người bị xơ gan.

Việc chuyển sang ung thư gan có thể trực tiếp từ viêm gan hoặc qua giai đoạn xơ gan. Ung thư gan cùng ung thư phổi nguyên phát là các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao và nhanh nhất trong các loại ung thư.

Do đó nên xét nghiệm để tiêm ngừa viêm gan siêu vi B sớm, sinh hoạt tình dục an toàn, không tiêm chích ma túy bừa bãi, cẩn thận trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Viêm gan cấp tính

Người bệnh có triệu chứng ớn lạnh, nôn ói, tiêu chảy, sốt nhẹ kèm với nước tiểu sậm màu, vàng da, mắt, hoặc chỉ phát hiện nhờ xét nghiệm các men gan AST, AHT cao.

Các bệnh có triệu chứng giống viêm gan ngoài tác nhân virus viêm gan A, B, C, D, E còn do virus khác là epstein barr, CMV, cocksackie…

Các loại siêu vi gây bệnh thường gặp nhất ở VN là A, B và C.

Viêm gan siêu vi A có triệu chứng: mệt mỏi như cảm cúm, vàng da, mắt, nước tiểu đậm.

Bình phục trong vòng 6-12 tháng, ít ca tử vong. Không có người mang mầm bệnh mạn tính. Chẩn đoán nhờ xét nghiệm IgM anti HAV. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa từ phân, thức ăn, thức uống. Phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin HAV bất hoạt 0,5-1 ml, chích nhắc lại sau 6-12 tháng cho những người đi du lịch, tân binh, nhân viên y tế.

Loại thứ hai là viêm gan siêu vi B. Dạng ác tính chiếm dưới 1%. Đa số bệnh nhân phục hồi tốt. Số còn lại chuyển sang dạng viêm gan mạn tính hay mang mầm bệnh, xơ gan, ung thư gan. Bệnh lây truyền  do sinh hoạt tình dục, tiêm chích, mẹ truyền sang con khi mang thai. Từ 80-85% ca ung thư gan có liên quan đến viêm gan B, số còn lại do viêm gan C.

Vùng hạ Sahara, châu Phi và Đông Nam Á có 20% dân số bị nhiễm siêu vi B.

Ở người khỏe mạnh nên phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin 3 mũi cách nhau 1 tháng. Chích nhắc lại 5 năm sau. Trường hợp lỡ bị kim đâm hay sinh hoạt tình dục với người bị nhiễm viêm gan B hoặc con mới sinh có mẹ bị viêm gan B, tiêm Immunoglobine Hepatitis B phối hợp với vắc-xin theo cách trên.

Loại thứ ba là viêm gan siêu vi C, phát hiện nhờ xét nghiệm có kháng thể anti HCV trong máu. Lây truyền chủ yếu qua đường tiêm chích.

Chưa có bằng chứng về lây nhiễm qua đường tình dục hay sinh đẻ. Phòng ngừa bằng cách xét nghiệm mẫu máu của người cho.

Hiện chưa có thuốc tiêm ngừa viêm gan siêu vi C.

Viêm gan mạn tính

Từ 1-2% bệnh nhân có viêm gan siêu vi B cấp sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính. 20-40% trong số này sẽ chuyển sang xơ gan. Một số bệnh nhân xơ gan sẽ bị ung thư gan.

Người bệnh viêm gan mạn tính có HbeAg, HRV DNA dương tính, men gan tăng. Điều trị bằng các thuốc kháng virus như Lamivudine, Adefovir, Entecavir riêng rẽ hoặc phối hợp. Có thể dùng thêm các thuốc trợ gan mật, ngoài ra có thể tiêm Alpha Interfexon 5 triệu đơn vị ngày 1 lần hoặc 10 triệu đơn vị 3 lần/tuần trong 4 tháng.

Có 20% người mắc bệnh viêm gan C mạn tính chuyển qua xơ gan trong vòng 20 năm. Điều trị bằng alpha interferon 3 triệu đơn vị, tuần 3 lần trong 12-18 tháng hoặc alpha 2b interferon pergylated tuần 1 lần trong 6-12 tháng phối hợp với Ribavirus uống.

BS. Dương Thanh Trắc - Trưởng khoa khám bệnh, BV Triều An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.