"Cao thủ cô đơn" trên đỉnh A Dương

13/09/2007 21:57 GMT+7

Kỳ 1: Gác kiếm về vườn, đổi vàng lấy sách Ngày trước, người đồng bào Cơtu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) nhắc đến Bhiríu Pố là một con người khảng khái với nhiều giai thoại. Ông là số ít những người đầu tiên ở Tây Giang có trình độ đại học chính quy, là tấm gương của một lối sống văn hóa tiến bộ. Còn bây giờ, tên tuổi của Bhiríu Pố gắn liền với loại dược tửu ba kích quý hiếm với những công dụng tuyệt diệu, đang là niềm tự hào của đất và người Tây Giang.

Hơn 2 tiếng đồng hồ chờ đợi ở nhà Zuôn (chòi canh được dựng trên rẫy ở trong rừng) chờ đợi, cuối cùng Bhiríu Pố cũng đi rẫy về. Chúng tôi khẽ liếc đồng hồ, chiếc kim giờ xích gần đến con số 12 giờ trưa. Xếp chiếc rựa sắc lẹm, nước da bánh mật nhễ nhại mồ hôi cùng mái tóc hoa râm dưới chiếc mũ vành, trông ông giống như một diễn viên trong các phim cowboy hơn là một ông chủ tịch, bí thư xã "nằng nặc" xin được “gác kiếm” về vườn.

"... Năm 1960, Bhiríu Pố học chữ to tại trường Dược T.Ư Hà Nội. Chiến tranh leo thang, ngày càng khốc liệt, chàng thanh niên người Cơtu sơ tán hết nơi này qua nơi khác. Học hết cấp 3 tại Quế Lâm (Trung Quốc), ông tiếp tục con đường học tại khoa Sinh vật học trường ĐHSP Thái Nguyên. Năm 1977, tốt nghiệp đại học, Bhiríu Pố được phân công về dạy cấp 3 tại Huế, Trà My (Quảng Nam) rồi được phân về huyện Hiên (cũ) dạy theo ước nguyện". Trong câu chuyện xen lẫn mùi hăng nồng của đất bởi trận mưa giông bất chợt, ông lặng lẽ kể với chúng tôi về một thời đã qua.

Ông trở về quê hương và trở thành một trong những cử nhân đầu tiên ở địa phương. Thời ấy, số người có trình độ đại học chính quy, được đào tạo từ miền Bắc về như Bhiríu Pố chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu là người Cơtu thì lại càng hiếm. Nhưng, P'Rao - trung tâm huyện Hiên bấy giờ vẫn chưa có học sinh cấp 3 theo học nên Bhiríu Pố về Phòng giáo dục huyện, làm công tác phong trào.

Tuổi trẻ, tính khảng khái lại có trình độ hơn cả một số lãnh đạo bấy giờ, chuyện đố kỵ, tự ái khiến ông và cấp trên hục hặc. Một buổi chiều năm 1981, ông lặng lẽ ngồi viết đơn. 4 giờ sáng hôm sau, trong màn sương trắng dày đặc, lạnh buốt nơi xứ núi, đôi vợ chồng trẻ ẵm con, bồng bế nhau về quê. Nội dung lá đơn đến giờ ông vẫn nhớ như in: "Tôi viết đơn gửi cho ông không phải để ông chuẩn y xét duyệt mà là tôi nói cho ông biết: 4 giờ sáng mai, tôi về quê!"...

Gác lại mọi ước mơ hoài bão, hằng ngày, trên đỉnh núi A Dương quê hương, Bhiríu Pố làm rẫy, trồng bắp, nuôi gà. Buôn làng lúc ấy còn chưa có đường đi, điện chiếu sáng, những hủ tục lạc hậu vẫn còn đồng hành trong cuộc sống của người dân. Cán bộ xã, người học cao nhất cũng chỉ mới tới lớp 3. Biết ông học cao, xã, nhân dân động viên ông ra làm cán bộ.

Mấy năm đầu, ông một mực từ chối vì còn "đau" chuyện xưa. Nhưng rồi nghĩ lại hóa ra thấy mình ích kỷ. Chỉ vì bất đắc chí mà phụ lòng bà con quê hương. Rồi ông cũng gật đầu. Công việc đầu tiên là ủy viên thư ký ủy ban xã. Được sự tin tưởng lại có năng lực, ông lần lượt được mọi người bầu làm các chức vụ quan trọng, rồi làm chủ tịch, bí thư xã. Mọi ý định thuyết phục đưa ông lên làm cán bộ huyện sau đó đều bị ông chối từ bởi: "Ngày xưa, mình quyết định đi làm cũng chỉ vì để giúp ích cho bà con thôi".

Sau chuyện động trời bỏ việc về quê, Bhiríu Pố lại tiếp tục làm một vụ "xì-căng-đan" với buôn làng khi ông là gia đình duy nhất chỉ sinh một con. Số là trong một lần đi công tác ở xã vùng sâu, đứa con trai độc nhất bị bệnh. Một mình vợ ở nhà, điều kiện thuốc men thiếu thốn nên đứa trẻ không thể được cứu sống. Bhiríu Pố quyết định không sinh thêm mà cố gắng nuôi dạy đứa con gái còn lại thật tốt. Với người Cơtu, gia đình ít nhất thì cũng phải có 4 con. Vì thế, hai vợ chồng Bhiríu Pố không tránh khỏi sự đốc thúc, khuyên nhủ và cả trách móc của gia đình, dân làng.

Còn nhớ lúc trước, khi đang học đại học ở Thái Nguyên, Bhiríu Pố nghe gia đình thông báo đã nhận "vợ" cho mình. Một cô bé 14 tuổi. Thông tin duy nhất ông có được đối với người "vợ" tương lai chưa một lần gặp mặt chỉ vỏn vẹn chừng đó. "Ngày trước quyết định về nhà cưới vợ vì để làm vui lòng bố mẹ, theo phong tục của người Cơtu. Nhưng chuyện sinh con là khác, Nhà nước vẫn khuyên mọi người không nên sinh đẻ nhiều đấy thôi", Bhiríu Pố quả quyết. Bây giờ, Bhiríu Sen, con gái duy nhất của gia đình ông đã là Phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện Tây Giang. Đi khắp đất Tây Giang, nhà Bhiríu Pố là gia đình độc nhất vô nhị chỉ sinh 1 con.

Chưa hết, chuyện cũ vừa nguôi thì thêm một "chuyện động trời" của Bhiríu Pố khi ông quyết định đem hết gia tài dành dụm của gia đình là một chỉ vàng bột để mua... cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của NXB Khoa học và Kỹ thuật do Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi biên soạn. Cả nhà lúc ấy còn phải ăn cơm độn sắn đã là sang, dân làng còn đói nghèo, sự "phung phí" của Bhiríu Pố làm nhiều người "sốc", có người can ngăn, bảo ông điên. Nhưng hành động "điên rồ" ấy theo lý giải của ông cũng vì ông... mê sách. Nhưng có mấy ai biết từ cuốn sách ông coi là "bí kíp" này đã giúp Bhiríu Pố trở thành "cao thủ"...

Vũ Phương Thảo

Kỳ sau: Ngậm ngải tìm… ba kích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.