Nét mới ở Vầng trăng cổ nhạc

04/10/2005 22:09 GMT+7

Thời gian qua, khán giả than phiền rằng chương trình Vầng trăng cổ nhạc đã đi vào lối mòn, không còn sức hấp dẫn như những năm đầu nữa. Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đã mạnh dạn làm một cuộc cách tân, mở đầu là chương trình tại Công viên Đầm Sen vừa qua.

Với chủ đề Việt Nam đất nước mến yêu, chương trình lần này xây dựng khá công phu và hoành tráng. Tiết mục mở màn mang tên Vạn Xuân là một hoạt cảnh sân khấu kết hợp giữa ca múa nhạc truyền thống và hiện đại, với hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên, tạo được không khí hào hùng. Chủ đề được xâu chuỗi bởi ba bản tuyên ngôn độc lập - bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn của Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình. Kịch bản viết chững chạc, thiết kế những bài ca với làn điệu phù hợp từng tình huống lịch sử, đặc biệt có một màn hình rộng chiếu những đoạn phim tài liệu ngày Bác đọc Tuyên ngôn đã gây được xúc động cho khán giả.

Trích đoạn cải lương Sơn Tinh - Thủy Tinh cũng công phu không kém. Chỉ khoảng 20 phút biểu diễn mà thiết kế mấy chục bộ trang phục cho bầy thủy quái và sơn thần, lại làm đầu rồng, đầu cọp cho Sơn Tinh, Thủy Tinh và còn cho họ bay lượn trên sân khấu để đánh nhau tranh công chúa khiến khán giả trẻ cười thích thú. Những bài vọng cổ như Tiếng đàn bầu, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Yêu dân tộc Việt Nam cũng được minh họa bằng đoàn vũ nhạc đẹp mắt, tạo một sự sinh động cho bài vọng cổ, có lẽ giúp giới trẻ thưởng thức dễ hơn. Và lạ một điểm, dù trích đoạn Người giữ mộ rất chân phương, nhưng vẫn không lạc điệu trong tổng thể chung.

Rõ ràng, Vầng trăng cổ nhạc lần này quyết tâm “xông” vào giới trẻ, nên đã tạo một tiết tấu nhanh, gọn, nhất là đạo diễn kỹ lưỡng, không ngại tốn kém, để thỏa mãn thị giác của người xem hôm nay. Quả là trong khi các loại hình khác như ca nhạc, điện ảnh đã chú trọng đến nhu cầu phong phú của công chúng mà cải lương chỉ quanh quẩn với sân khấu đơn điệu thì "mất khách" là lẽ đương nhiên. Chính vì vậy, sự cách tân lần này đã thành công thật sự. Tuy nhiên, có cần phải múa minh họa trong tất cả các bài vọng cổ hay không? Thiết nghĩ, chỉ nên chấm phá vài tiết mục là đủ rồi, phần còn lại nên để người xem lắng sâu vào những giai điệu và chất giọng đẹp. Cái hồn của vọng cổ là ở chỗ đó, đừng nên để cái "xem" lấn át hết cái "nghe" !

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.