"Ông 700 tỉ USD"

27/10/2008 21:58 GMT+7

Người trực tiếp điều hành kế hoạch cứu nguy tài chính lớn nhất ở Mỹ kể từ thời Đại khủng hoảng chỉ mới 35 tuổi.

Khi Tổng thống Mỹ George W.Bush bắt tay Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson ngay sau khi Hạ viện thông qua dự luật cứu nguy tài chính 700 tỉ USD vào ngày  3.10, ông ngầm chia sẻ với nhân vật sẽ nắm quyền ký "chi phiếu khống" 700 tỉ nói trên. Nhưng không phải vậy. Mấy ngày sau, ông Paulson đã chuyển giao quyền "cầm chịch" khoản tiền lớn này lại cho một nhân vật hết sức trẻ, là người mới vào Nhà Trắng chưa đầy 2 năm. Đó là Neel Kashkari, 35 tuổi, chức vụ: Trợ lý Bộ trưởng Tài chính đặc trách Kinh tế Quốc tế và Phát triển.

Nay, khi kiêm nhiệm thêm Văn phòng Đặc trách Ổn định Tài chính (Office of Financial Stability) thì Kashkari trở thành một trong những người quyền lực nhất trong nền kinh tế thế giới. Đến khi Tổng thống Bush bàn giao chức vụ lại cho tân tổng thống vào ngày 20.1 tới, các nhân vật trong nội các của ông cũng ra đi theo, nhưng Kashkari sẽ ở lại để tiếp tục điều hành kế hoạch. Đây được xem là thỏa thuận của cả hai ứng viên tổng thống Barack Obama và John McCain.

Kỹ sư hỏa tiễn làm quản lý tài chính

Chính giới Washington đã cho Kashkari một cái tên hết sức ấn tượng là "Ông 700 tỉ", hàm ý khoản tiền khổng lồ mà anh quản lý. Kashkari là ai? Với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ thì Kashkari là một trường hợp thành công đặc biệt dành cho người sắc tộc.

Nhân vật được xem là "mới toanh" đối với chính trường Washington D.C. này thuộc thế hệ thứ hai của một gia đình người Hindu, Ấn Độ đến định cư ở Mỹ 42 năm trước đây. Neel sinh trưởng và học hành ở thị trấn ít nổi tiếng Stow, bang Ohio. Mẹ anh là một nhà nghiên cứu bệnh học, còn cha là một kỹ sư đã nghỉ hưu và chuyển qua những công việc phục vụ cộng đồng, nhất là ở miền Tây châu Phi, nơi ông đi đầu trong các nỗ lực đem lại nước sạch và điện năng cho những làng xã nghèo nàn. Năm 1990, chàng thiếu niên Kashkari chân ướt chân ráo cùng cha đi lên Washington D.C. khi cha anh được nhận giải thưởng của tổng thống về thành quả giúp cung cấp nước sạch cho các cộng đồng dân cư ở miền Tây châu Phi. Kashkari đâu ngờ là sau này mình có dịp được làm việc ngay trong guồng máy cao cấp ở Nhà Trắng.

Cả gia đình anh đều là những nhà khoa bảng và đóng góp nhiều cho xã hội. Cha anh lấy bằng tiến sĩ về nghiên cứu điện, mẹ là một chuyên gia về bệnh học đã nghỉ hưu. Chị là một bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm. Còn Kashkari theo học chuyên ngành kỹ sư và lấy cả bằng cử nhân và cao học tại Đại học Illinois. Ra trường, anh làm việc cho Công ty TRW với tư cách là kỹ sư hàng không, với các dự án phát triển kỹ thuật cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Thế nên báo chí Mỹ gần đây "giễu" là một kỹ sư chế hỏa tiễn lại đi làm quản lý tài chính.

Thăng tiến nhanh và bất ngờ

Con đường tiến thân vào ngành tài chính của Kashkari có thể nói là không "chính thống". Khi đang làm kỹ sư hàng không, anh xét thấy muốn kiếm được nhiều tiền thì phải đi qua "ải" MBA - tức phải lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Thế là Kashkari ghi danh theo học trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania. Trong thời gian học chương trình MBA 2 năm, anh tranh thủ xin vào làm việc trong chi nhánh Goldman Sachs vào mùa hè. Chỉ với thời gian ngắn ngủi đó, Kashkari đã chứng tỏ năng lực của mình và Goldman Sachs đã dành sẵn cho anh một việc làm toàn thời gian sau khi tốt nghiệp. Lấy được MBA rồi và trước khi gia nhập chính trường thủ đô, Kashkari chỉ giữ một chức vụ khiêm tốn là Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật cho chi nhánh Ngân hàng Goldman Sachs ở San Francisco. Hiện vợ chồng anh vẫn còn giữ căn nhà ở bang California. Những người từng làm việc với Kashkari đều thừa nhận là anh thông minh và rất chịu khó.

 

Kashkari (phải) trong một buổi làm việc với Bộ trưởng Paulson - Ảnh: Reuters

Kashkari gây ấn tượng mạnh nơi các quản trị viên của Goldman Sachs với kiến thức nền của mình về khoa học. Kinh nghiệm làm việc cho các dự án của NASA giúp anh dễ dàng được giao phụ trách bộ phận kỹ thuật thông tin. Chỉ hai năm làm việc cho chi nhánh Goldman Sachs ở San Francisco thì anh được tiến cử cho ông Paulson, nhân vật sau đó đã kéo anh về Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Paulson thì lớn lên ở Barrington Hills thuộc bang Illinois. Có thể nói là hai người không có điểm tương đồng, ngoại trừ kiểu tóc "cạo sạch sẽ" và cùng là người thuộc vùng Trung Tây Mỹ. Tuổi tác thì Kashkari trẻ hơn nhiều. Anh thăng tiến rất nhanh và bất ngờ. Kashkari là một trong 3 nhân vật ở Bộ Tài chính đã "vật lộn" với kế hoạch cứu nguy tài chính trong quá trình soạn thảo, và họ phải thức đến 4 giờ sáng hôm 28.9 để hoàn tất bản dự thảo kế hoạch cho kịp chuyển qua Hạ viện vào ngày hôm sau. Quá trình làm việc miệt mài đó đã được tưởng thưởng xứng đáng khi Bộ trưởng Paulson không ngần ngại tiến cử Kashkari làm người phụ trách dự án, và nay là người phụ trách Văn phòng Đặc trách Ổn định Tài chính, chờ Thượng viện phê chuẩn việc bổ nhiệm.

Việc bổ nhiệm Kashkari cũng thuộc loại "dây mơ rễ má" trong cộng đồng Goldman Sachs với nhau. Đây cũng là khuynh hướng chung hiện nay. Thường những người từng học chung nhau một trường, hoặc từng làm chung với nhau tại một công ty, một tập đoàn nổi tiếng… thì sau này, khi ai đó nắm cương vị cao thì đều níu kéo những người từng làm việc chung nhau, biết tính ý và khả năng của nhau hợp thành một ê-kíp để cùng làm việc. Goldman Sachs là một ngân hàng nổi tiếng ở Mỹ và những nhân vật cốt cán trong hệ thống ngân hàng này có quan hệ thân tình với nhau. Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Josh Bolten - từng quản lý Goldman Sachs - đã tiến cử Paulson vào chức Bộ trưởng Tài chính. Đến lượt mình, ông Paulson cảm thấy an tâm hơn khi xung quanh mình là những "người Goldman Sachs".

Nhiều người e ngại là Kashkari quá trẻ, và quá ít kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ nặng nề là "tái thiết" hệ thống tài chính quốc gia. Giờ đây, anh là người phụ trách việc điều hành khoản tiền lớn nhất thế giới. Vai trò của Kashkari không chỉ quan trọng với Mỹ mà còn hỗ trợ tích cực cho việc ổn định thị trường toàn cầu.

Tuyết Linh (từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.